Cần sớm tháo gỡ khó khăn Dự án mỏ sắt Thạch Khê

Dự án mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) bị 'treo' nhiều năm. Điều này không chỉ gây lãng phí tài nguyên, mà còn tác động tiêu cực đến sự phát triển của doanh nghiệp và kinh tế của địa phương.

Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê.

Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê.

Quá trình triển khai Dự án xảy ra nhiều bất cập, tồn tại nên ngày 11/7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành thông báo yêu cầu chủ đầu tư dừng bóc đất tầng phủ mỏ sắt Thạch Khê. Từ đó đến nay, dự án vẫn chưa khởi động trở lại. Tỉnh Hà Tĩnh thì giữ nguyên quan điểm đề xuất cấp trên xem xét chấm dứt Dự án.

Về Dự án này, Ủy viên HĐQT Công ty CP Sắt Thạch Khê (Thạch Hà - Hà Tĩnh) Phạm Lê Hùng lại khẩn thiết đề xuất lãnh đạo các cấp và tỉnh Hà Tĩnh xem xét, có giải pháp thiết thực tháo gỡ khó khăn cho Dự án.

Ông Phạm Lê Hùng cho rằng, mỏ sắt Thạch Khê đã được phát hiện từ năm 1960. Thực hiện theo chỉ đạo tại Thông báo kết luận của Bộ Chính trị số 72-TB/TW ngày 9/5/2007, Công ty CP Sắt Thạch Khê (TIC) được thành lập để thực hiện dự án. Ngày 24/2/2009, Bộ TN&MT đã cấp Giấy phép khai thác số 222/GP-BTNMT cho Công ty CP Sắt Thạch Khê với trữ lượng quặng khai thác 370 triệu tấn; khối lượng đất đá bốc xúc 651 triệu m3; hệ số bóc 1,76 m3/tấn.

Công suất thiết kế giai đoạn 1: 5 triệu tấn quặng/năm, kéo dài 7 năm, khai thác đến độ sâu -145m; giai đoạn 2: 10 triệu tấn quặng/năm trong 34 năm, khai thác đến độ sâu -550m. Tổng diện tích 4.821 ha, bao gồm: khai trường 527 ha; bãi thải 1.991 ha (trong đó có 923 ha lấn biển); kho chứa quặng 64 ha… Tổng mức đầu tư dự án 14.000 tỷ đồng

Năm 2016, Công ty CP Sắt Thạch Khê hoàn thiện các thủ tục pháp lý dự án theo quy định; giải phóng mặt bằng 830 ha; bóc đất tầng phủ 12,7 triệu m3; nộp ngân sách Nhà nước 253 tỷ đồng. Tuy nhiên, Dự án đã phải tạm dừng, chưa được triển khai từ năm 2016 đến nay, do UBND tỉnh Hà Tĩnh và Bộ KH&ĐT có văn bản gửi Chính phủ đề nghị dừng dự án.

Ông Phạm Lê Hùng trình bày, lý do UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị dừng dự án do lo ngại về sự cố môi trường như Formosa; nhưng Dự án luyện thép Formosa và Dự án khai thác và tuyển quặng sắt Thạch Khê khác nhau cơ bản. Trong khi Dự án Formosa mỗi năm sử dụng hàng nghìn tấn hóa chất độc hại thì Dự án khai thác và tuyển quặng sắt Thạch Khê chỉ khai thác lên, rửa đất cát, nghiền đến kích cỡ theo tiêu chuẩn, không sử dụng hóa chất.

Những lo ngại của tỉnh Hà Tĩnh đưa ra đều đã được nhận diện và có các biện pháp phòng ngừa khi được cụ thể hóa trong hồ sơ Đánh giá tác động môi trường của Dự án. Hồ sơ đánh giá này được các hội đồng khoa học, trong đó có đại diện của tỉnh Hà Tĩnh, thẩm định và phê duyệt theo đúng quy định pháp luật.

Tại Văn bản số 9792/VPCP-TH ngày 14/11/2016 của Văn phòng Chính phủ về việc triển khai nhiệm vụ của Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu “Khẩn trương hoàn thành thủ tục, đảm bảo tiến độ khởi công dự án mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh trong Quý I năm 2017”. Nhưng UBND tỉnh Hà Tĩnh vẫn tiếp tục có các văn bản đề nghị dừng dự án, khiến dự án bị “treo” cho đến nay.

Ông Phạm Lê Hùng cho biết, Thông báo số 72-TB/TW ngày 9/5/2007 về kết luận của Bộ Chính trị về quy hoạch các dự án bôxit- alumin- nhôm tại Tây Nguyên và các dự án sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) có nêu: “Chính phủ giao Công ty CP Sắt Thạch Khê, trong đó Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam làm nòng cốt để chủ trì triển khai dự án”.

Ngày 9/4/2011, UBND tỉnh Hà Tĩnh có Công văn số 1084/UBND-CN đề nghị Chính phủ chỉ đạo Hội đồng quản trị Công ty CP Sắt Thạch Khê thực hiện tái cơ cấu lại các cổ đông theo hướng giao cho một Công ty tư nhân khác tham gia làm cổ đông chi phối (nắm giữ tối thiểu 51% vốn điều lệ). Đề nghị này của UBND tỉnh Hà Tĩnh đã không được Chính phủ chấp thuận.

Thực tế, trong nhiều năm qua, hàng trăm nhà khoa học chuyên ngành về khai thác, địa chất, thủy văn, kinh tế mỏ… đã ký vào bản kiến nghị gửi lãnh đạo T.Ư, các bộ, ngành liên quan khẳng định việc thực hiện Dự án là hoàn toàn khả thi và hiệu quả. 63 nhà khoa học chuyên ngành về khai thác, địa chất, thủy văn, kinh tế mỏ… đã ký vào bản kiến nghị gửi các cấp khẳng định, việc thực hiện Dự án là hoàn toàn khả thi và hiệu quả.

Bên cạnh đó, có nhiều hội thảo, nhiều hội đồng thẩm định trong nước và quốc tế được tổ chức để nhìn nhận lại các vấn đề của mỏ, qua đó khẳng định, mỏ sắt Thạch Khê hoàn toàn đủ mọi điều kiện cho triển khai. Do đó, Công ty CP Sắt Thạch Khê và cá nhân ông Phạm Lê Hùng nhiều lần đề nghị, cần tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện để Dự án đi vào hoạt động. Nếu tính theo giá quặng hiện nay, Dự án nộp ngân sách 14 tỷ USD. Giai đoạn 1 nộp 4.500 tỷ đồng/năm, giai đoạn 2 nộp 9.000 tỷ đồng/năm.

Ông Phạm Lê Hùng trình bày, Dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần đảm bảo cung cấp nguyên liệu ổn định lâu dài cho cơ sở luyện kim trong nước theo Quy hoạch ngành đã được phê duyệt. Dự án được triển khai sẽ giúp giảm nhập khẩu quặng sắt từ nước ngoài, tiết kiện ngoại tệ; góp phần phát triển ngành thép Việt Nam với các sản phẩm thép chất lượng cao (thép dài và thép dẹt cán nóng); đóng góp vào GDP 0,3 - 1%. Đồng thời, thúc đẩy ngành dịch vụ phát triển; tạo công ăn việc làm trực tiếp cho khoảng 3.500 lao động và gián tiếp cho hàng nghìn lao động khác.

Dự án kéo dài 52 năm với trữ lượng khai thác 370 triệu tấn. Thực tế, dự báo trữ lượng có thể lên đến 750 triệu tấn, nên dự án có thể kéo dài 70 - 80 năm. Trong suốt thời gian đó, các hiệu quả kinh tế - xã hội nêu trên sẽ được đảm bảo kéo dài, không chỉ mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp và nộp ngân sách Nhà nước, mà còn đem lại hiệu quả an sinh xã hội cho cả khu vực lớn với hàng vạn hộ gia đình.

Vì vậy, đại diện Công ty CP Sắt Thạch Khê đã đề nghị các cấp cần sớm có giải pháp tháo gỡ cho Dự án với mong muốn góp phần giảm thiểu thiệt hại cho Nhà nước và doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho địa phương.

B.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/can-som-thao-go-kho-khan-du-an-mo-sat-thach-khe-395242.html