Phiên sáng 13/2: Dòng tiền hướng đến nhóm cổ phiếu nhỏ, VN-Index điều chỉnh
Trong khi các bluechip chững lại và giao dịch lình xình thì nhóm cổ phiếu nhỏ tiếp tục hút mạnh dòng tiền và không ít mã đã tăng hết biên độ ngay từ sớm.
Trong phiên hôm qua, VN-Index tăng mạnh ngay khi mở cửa lên trên 940 điểm với sắc xanh áp đảo. Tuy nhiên, một số mã lớn hạ nhiệt khiến VN-Index không thể giữ được mức điểm này.
Sau giờ nghỉ trưa, giao dịch sôi động khi nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ nổi sóng, khoe sắc tím, nhưng việc một số mã lơn hạ độ cao đã khiến VN-Index đóng cửa chỉ còn tăng nhẹ.
Theo nhận định của KBSV thì thất bại trong việc vượt qua mốc kháng cự hiện tại, trạng thái kĩ thuật hiện vẫn trung tính, để ngỏ khả năng còn lình xình điều chỉnh, nhưng chúng tôi cho rằng, rủi ro giảm sâu của chỉ số đã giảm bớt khi những đáy gần đây dần cao hơn đáy trước.
Bước sang phiên giao dịch sáng nay 13/2, thị trường ngay khi mở cửa đã tiến lên thử thách lại mốc 940 điểm, nhưng do lực cầu còn thận trọng nên ngay khi chạm sát mức điểm trên, chỉ số đã bị chặn lại và đảo chiều, mất luôn mốc 935 điểm, trước khi bật trở lại lên trên tham chiếu.
Nhóm cổ phiếu lớn, bluechip đa số giao dịch khá nhàm chán, khi dao động trong biên độ hẹp, ngoại trừ đà tăng khá của GAS và PLX sau khi đón nhận thông tin giá dầu thô đã tăng ngày thứ 3 liên tiếp, và SAB trong ngày giao dịch không hưởng nhận cổ tức bằng tiền theo tỷ lệ 35%.
Trong khi đó, dòng tiền vẫn đổ mạnh vào khá nhiều các mã thị trường, khiến hang loạt cái tên tăng kịch trần từ sớm như AMD, ROS, SBT, STK, FTM, GAB, HSL, YEG…
Sau khi bò lên được tham chiếu vào giữa phiên, áp lực bán gia tăng trở lại trên nhiều nhóm cổ phiếu, khiến số mã giảm tăng mạnh trên bảng điện tử, VN-Index theo đó thêm một lần đảo chiều xuống tham chiếu về quanh 935 điểm khu kết phiên.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 110 mã tăng và 203 mã giảm, VN-Index giảm 1,37 điểm (-0,15%), xuống 936,31 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 105,9 triệu đơn vị, giá trị 1.753,8 tỷ đồng, giảm 9% về khối lượng và 19% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 9,9 triệu đơn vị, giá trị 275 tỷ đồng.
Rổ VN30 có tới 21 mã giảm, là tác nhân chính kéo chỉ số đi xuống. Mặc dù vậy, phần lớn đều chỉ giảm nhẹ. Mất hơn 1% chỉ có CTG -1,1% xuống 26.900 đồng; VPB -1% xuống 25.600 đồng; NVL -1,3% xuống 53.700 đồng.
Trong khi đó, sắc xanh đáng kể có tại bộ đôi GAS và PLX. Theo đó, GAS +1,5% lên 87.300 đồng; PLX +1% lên 53.400 đồng.
SAB hạ độ cao trong ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức bằng tiền theo tỷ lệ 35%, kết phiên còn +1,9% lên 191.000 đồng, và xanh nhạt khác tại HDB, VRE, VIC, EIB.
Đặc biệt, 2 mã ROS và SBT tăng kịch trần, lần lượt lên 9.860 đồng và 21.100 đồng, cùng thanh khoản sôi động. Trong đó, ROS có hơn 4 triệu đơn vị khớp lệnh; SBT có 1,9 triệu đơn vị.
Tuy vậy, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là nhóm có thanh khoản tốt nhất với CTG dẫn đầu rổ bluechip với hơn 5,78 triệu đơn vị khớp lệnh; STB có 5,04 triệu đơn vị; MBB có 4,6 triệu đơn vị; VPB có 1,92 triệu đơn vị; CTB có 1,1 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường. Nối tiếp phiên hôm qua, sắc tím có tại một số mã như AMD, STK, FTM, GAB, YEG, HSL, LSS. Trong đó, AMD khớp lệnh cao nhất sàn với hơn 6,8 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu khác còn tăng có ITA, HAI, HHS, DIG, ASM, DRH, TCM, SHI…khớp từ 0,7 triệu đến 3,9 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index phần lớn thời gian giao dịch dưới sắc đỏ với áp lực từ nhiều cổ phiếu lớn.
Theo đó, ACB -0,8% xuống 25.400 đồng; VCG -1,2% xuống 24.800 đồng; NVB -1,1% xuống 9.000 đồng; SHB -2,7% xuống 7.100 đồng; SHS -2,7% xuống 7.100 đồng; TAR -1,3% xuống 31.700 đồng; IDJ -4,1% xuống 9.400 đồng…
Tăng đáng kể có VCS, +3,3% lên 75.500 đồng; TNG +2,5% lên 16.600 đồng; NDN +1,3% lên 15.200 đồng; MBG +1,1% lên 17.800 đồng…
Thanh khoản SHB vượt trội phần còn lại với hơn 6 triệu đơn vị khớp lệnh; ACB có 2,41 triệu đơn vị; PVX có 1,73 triệu đơn vị và tăng trần lên 1.000 đồng; NVB có 1,53 triệu đơn vị; TNG có 1,3 triệu đơn vị…
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 24 mã tăng và 51 mã giảm, HNX-Index giảm 0,73 điểm (-0,67%), xuống 107,78 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 22,6 triệu đơn vị, giá trị 252,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,83 triệu đơn vị, giá trị 9,83 tỷ đồng.
Trên UpCoM, trái ngược với 2 sàn chính, UpCoM-Index có phiên tăng khá tốt khi mở cửa, và dù không giữ được mức điểm cao nhất khi kết phiên, nhưng giao dịch khá sôi động và tự tin khi các cổ phiếu thanh khoản tốt đều tăng.
Theo đó, sắc xanh bao phủ VIB, BSR, GVR, VGI, VGT, EVF, QNS, MPC, VTD, HND...Chỉ còn LPB, OIL, VRG đứng tham chiếu và CTR và DVN giảm giá.
Trong đó, VIB khớp lệnh cao nhất với hơn 2,3 triệu đơn vị khớp lệnh, tăng 2,3% lên 18.000 đồng.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,15 điểm (+0,26%), lên 56,06 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 7,05 triệu đơn vị, giá trị 103,75 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,23 triệu đơn vị, giá trị 89,3 tỷ đồng, chiếm phần lớn là hơn 80 tỷ đồng cho hơn 1,09 triệu cổ phiếu SIP.