'Phiên tòa giả định' uốn nắn hành vi lệch chuẩn
Tôi nghĩ, bất kể giáo viên nào, nhất là giáo viên chủ nhiệm đều mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho học sinh, mong các em được giáo dục toàn diện.
Sự quan tâm, tính giáo dục đôi khi thực hiện sai cách
Tôi vẫn còn nhớ như in, ngày đầu tiên chính thức bước vào sự nghiệp bảng đen, phấn trắng là ngày tôi gắn với công tác chủ nhiệm lớp. Những ngày đầu, thầy hiệu trưởng bố trí tôi chủ nhiệm lớp 6, dạy văn lớp 6 của chương trình mới và cả lớp 9 cuối cấp nữa.
Sức trẻ phơi phới, tiết dạy nào, hoạt động nào cũng hăng say lắm nhưng nhiều khi cũng hay chạnh lòng. Thực sự, tôi chưa quen với sự hồn nhiên, tinh nghịch và có phần dại dột của các em. Theo thời gian, nỗi buồn vẫn có nhưng trăn trở nhiều hơn. Cho đến những năm gần đây, khi mà công nghệ nghe nhìn phát triển một cách nhanh chóng, thỉnh thoảng lướt Facebook, xem tin tức lại thấy đâu đó có một vài thầy cô cắt tóc, cắt áo quần, có nhiều lời lẽ xúc phạm... khi các em không tuân theo nội quy, quy định của nhà trường, của Liên đội.
Tôi hiểu tâm trạng thầy cô, khi phải nói ra những lời mắng nhiếc nặng nề, khi cầm chiếc kéo ấy họ đã bất lực bởi thầy, cô giáo có vai trò quan trọng với học sinh, là cầu nối giữa phụ huynh với nhà trường để kết hợp các môi trường giáo dục. Nhưng sự quan tâm, tính giáo dục đôi khi thực hiện sai cách.
Đặc biệt việc giáo dục giới trẻ trước sự phát triển bùng nổ của xã hội thông tin, thế giới phẳng, nhất là thông tin độc hại và sức ảnh hưởng của mạng xã hội, khi một bộ phận học sinh đang có những biểu hiện lệch chuẩn về văn hóa trong giao tiếp, ứng xử, ý thức tuân thủ pháp luật, nhất là văn hóa học đường.
Giúp HS tự nhận ra sai phạm
Với nhiều em, một mái tóc khác màu, một chiếc áo cá tính, thậm chí hút thuốc lá… cũng là cách để khẳng định mình, để được nhiều bạn chú ý hơn. Sự mong manh, dễ xao động trước cám dỗ nhất thời khi chưa đủ nhận thức chín chắn dễ dẫn các em tới sự chống đối. Với tôi, ngoài các biện pháp giáo dục mang tính truyền thống, hình thức tuyên truyền đa dạng qua các buổi sinh hoạt lớp, hoạt động hướng nghiệp thì còn phối hợp với cơ quan, ban ngành có chuyên môn, có tính pháp lý… nhằm góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các em.
“Phiên tòa giả định” cũng là hình thức sinh hoạt chúng tôi hay sử dụng, bởi đây là khi các em được đóng vai các tình huống, xây dựng kịch bản, nghiên cứu điều luật, quy định. Cách giáo dục tốt nhất là cách để các em tự nhận ra được tính chất nguy hiểm, hậu quả nghiêm trọng, mức sai phạm… của mỗi hành vi, lời nói, việc làm vi phạm chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
Tháng 3/2023, Trường THCS Lê Văn Thiêm, TP Hà Tĩnh đã phối hợp với Thành đoàn Hà Tĩnh cùng với các cơ quan, đơn vị tổ chức tuyên truyền pháp luật về bạo lực học đường và cách thức sử dụng mạng xã hội dưới hình thức “Phiên tòa giả định” với tình huống “Làm nhục người khác”.
Các em học sinh của lớp 7A6 đã hóa thân vào các nhân vật, diễn tả được tình huống nhằm tái hiện lại câu chuyện của một bạn nữ sinh bị nhóm hai bạn thực hiện hành vi bạo lực học đường và dùng điện thoại quay lại clip để đăng tải và phát tán lên mạng xã hội.
Sau khi kết thúc tình huống, “Phiên tòa giả định” đã được tổ chức. Hành vi của các bị cáo đã phạm vào tội “Làm nhục người khác” quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự.
Sau khi theo dõi phiên tòa, các bạn học sinh đã phần nào nhận thức rõ về bạo lực học đường, việc lạm dụng mạng xã hội đối với học sinh. Để giúp các em hiểu rõ hơn nữa những quy định của pháp luật về phòng chống bạo lực học đường và sử dụng mạng xã hội, chúng tôi cũng đã đưa ra các câu hỏi tuyên truyền để nhằm nâng cao hiểu biết và kiến thức cho các học sinh.
“Phiên tòa giả định” là cơ hội để học sinh được củng cố kiến thức, tiếp cận thực tiễn pháp luật, từ đó nâng cao ý thức chấp hành; hình thành chuẩn mực ứng xử văn minh phù hợp với các quy tắc của pháp luật, góp phần xây dựng hình ảnh người công dân “Năng động - Trách nhiệm - Văn minh - Thân thiện”.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/phien-toa-gia-dinh-uon-nan-hanh-vi-lech-chuan-post632859.html