Phiên tòa giả định và hiệu quả tuyên truyền pháp luật ở Nậm Pồ

Đặc thù là huyện vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, lại có 8 xã biên giới tiếp giáp với Lào nên huyện Nậm Pồ trở thành địa bàn trọng điểm về ma túy. Hầu hết người dân đều là đồng bào dân tộc thiểu số, sống ở xa trung tâm, phong tục tập quán còn lạc hậu nên các tệ nạn xã hội, đặc biệt là tệ nạn về ma túy ngày càng diễn biến phức tạp. Tác hại của ma túy là vô cùng nguy hiểm, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, làm kiệt quệ sức khỏe và kinh tế gia đình. Việc tuyên truyền pháp luật các vụ án về ma túy tại các điểm 'nóng' ma túy gần đây đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân tại vùng sâu, vùng xa, đồng thời là hồi chuông cảnh báo về vấn nạn ma túy đang còn nhức nhối, về hậu quả của những hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy; đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.

Các em học sinh chăm chú theo dõi nội dung phiên tòa giả định.

Các em học sinh chăm chú theo dõi nội dung phiên tòa giả định.

Nhằm tuyên truyền, phổ biến một số quy định của pháp luật đến đối tượng là học sinh Trường Trung học phổ thông (THPT) huyện Nậm Pồ, từng bước nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật, tạo điều kiện cho các em học sinh tiếp cận thực tiễn pháp luật, vừa qua Tòa án Nhân dân huyện tổ chức phiên tòa giả định. Nội dung phiên tòa giả định gắn với thực tế một số vụ án có liên quan đến người chưa thành niên phạm tội; “bị cáo” là những học sinh, sinh viên ham chơi, lêu lổng. Trong phiên tòa giả định mới tổ chức ở Trường THPT Nậm Pồ, bị cáo Lò Văn An, sinh ngày 15/9/1997 là người nghiện ma túy. Khoảng 10 giờ 00 phút ngày 15/12/2020, em họ An là Lò Anh Tuấn, sinh ngày 4/1/2004 sang nhà An chơi. Do đang lên cơn nghiện ma túy nên An đưa cho Tuấn 300.000 đồng và chìa khóa chiếc xe máy của An, để Tuấn đi mua heroin cho An. Khi hai bị cáo mua được 1,98 gam heroin từ một người đàn ông dân tộc Dao không rõ lai lịch và mang về nhà bị cáo An chuẩn bị sử dụng thì bị Công an huyện Nậm Pồ phát hiện. Hai bị cáo bị truy tố và xét xử về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” theo Điểm c, Khoản 1 Điều 249 của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017), bị cáo An bị xử phạt 24 tháng tù, bị cáo Tuấn bị xử phạt 12 tháng tù.

Quá trình diễn ra phiên tòa giả định, các tình tiết trong vụ án đã thực sự lôi cuốn đối với các em học sinh, giáo viên và mọi người tham dự. Các “vai diễn”, nhất là vai “bị cáo” được lựa chọn đảm bảo phù hợp với tâm lý, sự hiểu biết pháp luật của đoàn viên thanh niên tham dự tại phiên tòa. Bên cạnh đó, phát biểu luận tội của đại diện Viện Kiểm sát, các ý kiến của Hội đồng xét xử đã giúp gần 500 em học sinh cùng những người tham dự phiên tòa nhận thức rõ, hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy là nguy hiểm cho xã hội, vi phạm quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương.

Việc tổ chức phiên tòa giả định đã “mềm hóa” những quy định của pháp luật; đưa các tình huống pháp lý về gần hơn với tâm lý của người tham dự. Thay vì phải nhớ những điều khoản, quy định một cách máy móc, khô khan thì mọi người sẽ nhớ đến hành vi vi phạm của các “bị cáo” trong buổi xét xử để từ đó tránh những vi phạm tương tự. Đây là hoạt động sáng tạo, có nhiều ý nghĩa trong việc tuyên truyền pháp luật; được dư luận địa phương quan tâm, đánh giá cao. Bên cạnh đó, các phiên tòa giả định còn được quay, ghi hình và biên tập với nội dung tuyên truyền đa dạng; được đăng tải trên các phương tiện truyền thông như Fanpage của nhà trường, các đoàn thể quần chúng ở địa phương. Qua đó đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật trong cộng đồng, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên và nâng cao hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” trên địa bàn huyện; góp phần cùng các ngành, các cấp làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật đối với người dân.

Phiên tòa giả định được tái hiện dưới hình thức sân khấu hóa như một vụ án có thật, nội dung vụ án sát với thực tế, liên quan đến người chưa thành niên phạm tội, bị cáo là học sinh ham chơi, lêu lổng. Các bị cáo bị truy tố, xét xử về tội “Mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy”. Quá trình diễn ra phiên tòa giả định, các tình tiết trong vụ án đã thực sự lôi cuốn học sinh và giáo viên nhà trường. Kết thúc phiên tòa giả định, các em học sinh được tham gia giao lưu dưới dạng trả lời câu hỏi trắc nghiệm về các tình huống trong vụ án. Thông qua đó, giúp các em học sinh hiểu ra tác hại của ma túy trong trường học và hình phạt nghiêm khắc đối với tội phạm về ma túy. Phiên tòa giả định là một điểm mới trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật ở huyện Nậm Pồ, không chỉ phản ánh những hành vi phạm tội, các quy định của pháp luật về mức án áp dụng cho các hành vi phạm tội, mà còn nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của học sinh trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm; đề cao tính răn đe và tính giáo dục, thuyết phục của phiên tòa; góp phần phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Đỗ Thành Trung (Huyện Nậm Pồ)

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/phap-luat/206690/phien-toa-gia-dinh-va-hieu-qua-tuyen-truyen-phap-luat-o-nam-po