Phiên tòa luận tội Tổng thống Mỹ tại Thượng viện diễn ra thế nào?
Trong phiên tòa luận tội tổng thống Mỹ, Thượng viện đóng vai trò bồi thẩm đoàn, Hạ nghị sĩ đóng vai trò công tố viên và tổng thống là bị cáo.
Hôm nay (18/12), Hạ viện Mỹ sẽ tổ chức phiên họp toàn thể để bỏ phiếu luận tội Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo đánh giá, Tổng thống Mỹ Trump gần như chắc chắn sẽ bị luận tội trong cuộc bỏ phiếu hôm nay tại Hạ viện, nơi đảng Dân chủ đang nắm đa số. Nếu Hạ viện thông qua, ông Trump sẽ trở thành Tổng thống thứ 3 trong lịch sử nước Mỹ bị luận tội tại Hạ viện.
Tổng thống bị luận tội
Trong lịch sử nước Mỹ, thủ tục luận tội đã 3 lần được khởi xướng, nhưng cả 2 người tiền nhiệm của ông Trump không gặp bất cứ vấn đề nào. Tổng thống Andrew Johnson và Bill Clinton đều bị luận tội lần lượt vào năm 1868 và 1999 nhưng cả hai cuộc luận tội này đều sớm dừng lại khi không nhận được sự ủng hộ từ các Thượng nghị sĩ tại phiên tòa ở Thượng viện.
Trên thực tế, không có tổng thống nào trong lịch sử nước Mỹ từng bị phế truất bởi luận tội. Tổng thống Mỹ thứ 37 Richard Nixon được cho là người đến gần nhất với nguy cơ đó, song ông từ chức trước khi phiên điều trần của Thượng viện diễn ra và được ân xá bởi Tổng thống Mỹ kế nhiệm Gerald Ford.
Theo trình tự, khi có quyết định luận tội của Hạ viện, hồ sơ sẽ được chuyển lên Thượng viện để xét xử. Thượng viện khi đó trở thành một tòa án đặc biệt. Chánh án Tối cao Pháp viện trở thành chủ tọa phiên tòa, tất cả thượng nghị sĩ trở thành bồi thẩm viên, hợp thành bồi thẩm đoàn. Tại đây, một tổng thổng chỉ bị tuyên là có tội khi có ít nhất 2/3 tổng số thượng nghị sĩ bỏ phiếu đồng ý.
Theo Hiến pháp Mỹ, Thượng viện có thể bãi nhiễm Tổng thống trước khi kết thúc nhiệm kỳ nếu như phát hiện có các tội ác và hành vi sai trái nghiêm trọng.
Điều 1, Khoản 4, Hiến pháp đưa ra ba yêu cầu đối với một phiên tòa luận tội: 1) Các Thượng nghị sĩ phải tuyên thệ; 2) Chánh án là người chủ trì phiên tòa, không phải Phó Chủ án; 3) Yêu cầu phải có 2/3 tổng số thượng nghị sĩ bỏ phiếu đồng ý để kết án tuyên một tổng thống có tội.
Phiên tòa luận tội
Phiên tòa luận tội tại Thượng viện hoạt động giống như một phiên tòa hình sự. Tại đây, đại diện Hạ viện sẽ trình bày về việc truy tố tổng thống và đưa ra các bằng chứng buộc tội tổng thống.
Theo các quy tắc được thiết lập lần đầu tiên cho phiên tòa luận tội tại Thượng viện đối với Tổng thống Mỹ thứ 17 Andrew Johnson vào năm 1868, mọi người trong phiên tòa tại Thượng viện được yêu cầu giữ im lặng tuyệt đối khi đại diện Hạ viện đưa ra những luận cứ chống lại tổng thống.
Sau đó, đội ngũ bảo vệ cho tổng thống trình bày các lập luận, tiếp đó là lời khai của của các nhân chứng. Cả hai bên có thể yêu cầu gọi nhân chứng và kiểm tra chéo các nhân chứng. Các thượng nghị sĩ cũng có thể được gọi là nhân chứng và đứng làm chứng tại vị trí của họ trong phiên tòa.
Tổng thống có được làm chứng?
Tổng thống có thể được gọi là nhân chứng trong phiên tòa luận tội của chính mình không? Một trong hai bên có thể yêu cầu tổng thống làm chứng trong phiên tòa Thượng viện, nhưng tổng thống có quyền từ chối, không xuất hiện. Theo các quy tắc của Thượng viện, phiên tòa luận tội vẫn được tiến hành cho dù tổng thống từ chối làm chứng. Cả Tổng thống Andrew Johnson và Bill Clinton đều không xuất hiện tại các phiên tòa luận tội của họ.
Là bồi thẩm viên, Thượng nghị sĩ ngồi lặng lẽ và quan sát quá trình tố tụng, song họ được phép gửi câu hỏi bằng văn bản cho cả công tố viên, người bào chữa và cho cả các nhân chứng. Sau khi hai bên đã trình bày xong lập luận của mình, Thượng viện họp kín để cân nhắc.
Thời gian của phiên tòa luận tội phụ thuộc vào số lượng nhân chứng được gọi, số điều khoản luận tội được xem xét cũng như thời gian để Thượng viện cân nhắc.
Phiên tòa luận tội Tổng thống Andrew Johnson mất gần ba tháng, trong khi phiên tòa luận tội Tổng thống Bill Clinton kéo dài hơn một tháng.
Quyết định cuối cùng
Theo Điều 2, Khoản 4, Hiến pháp Mỹ, Tổng thống, Phó tổng thống và các viên chức dân sự khác của Mỹ sẽ bị bãi nhiệm nếu bị luận tội và bị kết tội phản quốc, hối lộ và các trọng tội.
Tuy nhiên, Thượng viện Mỹ cũng xác định rằng một tổng thống có thể bị cách chức vì lạm quyền, lạm dụng văn phòng để trục lợi cá nhân và hành vi của ông không phù hợp với chức năng và mục đích của văn phòng.
Các Thượng nghị sĩ đứng tại vị trí của mình tại phiên tòa Thượng viện và đưa ra quyết định về việc tổng thống có tội hay không có tội trong từng điều khoản luận tội. Trong trường hợp 2/3 Thượng nghị sĩ bỏ phiếu không có tội thì tổng thống sẽ được tha và giữ nguyên công việc.
Trong phiên tòa luận tội Tổng thống Andrew Johnson năm 1868, thủ tục bắt đầu sau khi nhà lãnh đạo Mỹ sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Edwin Stanton mà không có sự đồng ý của Quốc hội. Sau đó, trong phiên tòa tại Thượng viện, ông Andrew Johnson được trắng án với 35 phiếu thuận và 19 phiếu chống.
Trong phiên tòa luận tội Tổng thống Clinton năm 1999, Tổng thống Mỹ thứ 42 bị buộc tội khai man trong khi làm chứng và cản trở công lý. Điều này liên quan đến vụ bê bối với Monica Lewinsky. Về cáo buộc thứ nhất, có 55 trong tổng số 100 thượng nghị sĩ đã bỏ phiếu ủng hộ, và về cáo buộc thứ hai, con số này là 50.
Điều gì diễn ra nếu tổng thống bị kết tội?
Trong trường hợp một tổng thống được tuyên không có tội, phiên tòa luận tội kết thúc. Tuy nhiên, nếu tổng thống bị kết tội, phiên tòa Thượng viện chuyển sang giai đoạn tuyên án. Hiến pháp cho phép hai loại hình phạt đối với một tổng thống bị kết tội. Một là loại bỏ khỏi văn phòng, hai là không đủ tư cách nắm giữ bất kỳ vị trí nào trong chính phủ trong tương lai.
Hình phạt đầu tiên, loại bỏ khỏi văn phòng, sẽ có hiệu lực ngay lập tức, sau khi 2/3 Thượng nghị sĩ bỏ phiếu tổng thống có tội. Nhưng hình phạt thứ hai, không đủ tư cách nắm giữ bất kỳ vị trí nào trong chính phủ trong tương lai, đòi hỏi một cuộc bỏ phiếu riêng biệt của Thượng viện. Việc này chỉ cần đa số phiếu đồng ý là được. Cuộc bỏ phiếu thứ hai đó chưa bao giờ được tổ chức vì không có tổng thống nào trong lịch sử nước Mỹ bị kết tội trong phiên tòa Thượng viện.