Phiên tòa phúc thẩm vụ kiện của bà Trần Tố Nga: Cuộc chiến không đơn độc

Sáng 7-5 tại Paris, Pháp, phiên tòa phúc thẩm giữa bà Trần Tố Nga kiện BayerMonsanto cùng 13 công ty sản xuất và thương mại hóa chất da cam đã diễn ra tại Tòa phúc thẩm Paris.

Phiên tòa được mở màn bằng bài trình bày của thẩm phán nhắc lại những diễn tiến và lập luận của các bên tại Tòa đại hình Evry vào năm 2021.

Các luật sư đại diện cho các công ty hóa chất Bayer-Monsanto, Dow Chemical, Hercules… tiếp tục bảo vệ luận điểm như hồi phiên tòa năm 2021, rằng họ làm theo yêu cầu của chính phủ Mỹ, dưới áp lực của chính phủ.

Tiếp đến, hai luật sư của bà Trần Tố Nga, William Bourdon và Bertrand Repolt, kháng cáo với hai luận điểm/tiêu chí là lấy mục đích thắng là yếu tố chính/ lấy cá nhân là yếu tố chính. Với tiêu chí số một, các luật sư không kháng cáo hay phản đối nhưng tiêu chí hai có thể đưa ra nhằm soi xét thẩm quyền và trách nhiệm của các công ty hóa chất vì nó liên đới chặt chẽ đến tính chất liên thế hệ và đến luật quốc tế về tội diệt sinh thái trong chiến tranh. Các luật sư, dựa vào những nghiên cứu khoa học của Giáo sư luật Bernard Haftel (Đại học Sorbonne Paris Nord) và Kouroch Bellis (nghiên cứu viên Đại học Luxembourg và Yale Law School), cho rằng dưới ánh sáng của khoa học và luật học ngày nay thì sự miễn trừ tố tụng không còn là tuyệt đối nữa.

 Bà Trần Tố Nga tại Tòa phúc thẩm Paris. Ảnh: GERARD MEMMI

Bà Trần Tố Nga tại Tòa phúc thẩm Paris. Ảnh: GERARD MEMMI

Giáo sư sinh học Arthur Galstom (Đại học Yale) cũng lý thuyết hóa khái niệm “diệt sinh thái”. Tại phiên tòa ngày 25-1-2021, trong bản tố trạng, luật sư William Bourdon đã nói “với glyphosate và chất da cam, Monsanto là một kẻ tái phạm, một kẻ đầu độc hàng loạt”. Ngày nay, những tội ác lên môi trường, sinh thái, lên nhân phẩm con người sẽ không thể đứng vững được nữa trước tính miễn trừ tố tụng!

Trước đó, năm 2021, Tòa đại hình Evry (Pháp) đã tuyên bố không đủ thẩm quyền xét xử vụ kiện của bà Trần Tố Nga đối với các công ty hóa chất Mỹ sản xuất chất màu da cam mà quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Các công ty đã đề nghị tòa tuyên bố họ được miễn trừ tố tụng với lý do họ hành động (sản xuất chất màu da cam) cho chính phủ Mỹ và vì thế phải được coi là những đơn vị “xuất phát” từ chính phủ. Tất nhiên, một khi tòa án đã công nhận bên bị đơn được hưởng nguyên tắc miễn trừ tố tụng tòa sẽ không có thẩm quyền để xét xử vụ kiện đó.

Bà Trần Tố Nga không hề đơn độc trong cuộc trường chinh này bởi bên bà là các luật sư cộng với hàng ngàn người ủng hộ, đặc biệt thông qua Tổ chức Collectif Vietnam-Dioxine. Tổ chức này được thành lập năm 2004 với các thành viên xuất thân từ cộng đồng nhiều thế hệ người Việt tại hải ngoại. Tổ chức điều phối mọi hoạt động đấu tranh và ủng hộ kêu gọi cho bà Trần Tố Nga và các nạn nhân chất da cam.

Sau 3 giờ tranh tụng, các thẩm phán đã ghi nhận ý kiến của mỗi bên và cho biết sẽ đưa ra phán quyết vào ngày 22-8 tới.

Các mốc thời gian trong vụ kiện

2004: Thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam ủng hộ và đồng hành cuộc đấu tranh của bà Trần Tố Nga. Cũng trong năm này bà được nhận Huân chương Bắc đẩu bội tinh do Nhà nước Pháp trao tặng.

2009: Bà tham gia với tư cách nhân chứng tại tòa án công luận thay mặt cho gần 5 triệu nạn nhân chất độc da cam người Việt. Tại đây, bà gặp tác giả André Bouny, nhà sáng lập Ủy ban quốc tế ủng hộ nạn nhân Việt Nam chất độc da cam và luật sư William Bourdon, người trở thành luật sư của bà.

2012: Các phân tích xét nghiệm máu của bà tại Đức chứng minh hàm lượng dioxine vượt quá mức bình thường. Kết quả này tạo nên sức nặng cho hồ sơ của bà vì có bằng chứng y học.

2015: Bà và các luật sư chính thức khởi kiện các công ty hóa chất Mỹ rải chất độc da cam trên lãnh thổ Việt Nam từ 1962-1971.

2017: Thành lập Ủy ban Ủng hộ Trần Tố Nga, liên hiệp và điều phối các hội đoàn, tổ chức phi chính phủ của Pháp vận động chính giới, làm các chiến dịch truyền thông về vụ kiện nói riêng và đấu tranh vì an sinh, môi trường nói chung.

2020: Tháng 8, Tổ chức Collectif Vietnam-Dioxine tổ chức “Ngày vì nạn nhân chất da cam”, một chương trình nghệ thuật và đàm luận trực tuyến trên Facebook với sự tham gia của hơn 50 diễn giả và nghệ sĩ Pháp, Việt kiều và quốc tế kéo dài 36 giờ, thu hút 161.800 người theo dõi.

25-1-2021: Phiên tranh tụng tại Tòa đại hình Evry giữa 3 luật sư của bà và 19 luật sư đại diện cho các công ty Mỹ; Ngày 10-5: Tòa đại hình Evry tuyên án.

7-5-2024: Phiên tranh tụng tại Tòa phúc thẩm Paris giữa các luật sư của bà và các luật sư đại diện cho các công ty Mỹ; dự kiến ngày 22-8: Tòa phúc thẩm Paris đưa ra phán quyết.

THỤY PHƯƠNG từ Paris

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/phien-toa-phuc-tham-vu-kien-cua-ba-tran-to-nga-cuoc-chien-khong-don-doc-post738847.html