Phiên tòa xét xử Trịnh Văn Quyết 'nóng' vì có bị cáo phản cung

Bị cáo Lê Văn Tuấn bất ngờ phản cung và cho biết, những lời khai trước đó là không trung thực, do bị cáo phải chịu sức ép của ông Tỉnh.

Chiều 23/7, phiên tòa xét xử vụ án Trịnh Văn Quyết - FLC, HĐXX xét hỏi các bị cáo tại Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội (CPA Hà Nội) có liên quan đến báo cáo tài chính của Công ty Faros.

Phiên tòa chiều 23/7.

Phiên tòa chiều 23/7.

Khi được gọi lên bục khai báo, bị cáo Lê Văn Tuấn, cựu Kiểm toán viên CPA Hà Nội bất ngờ phản cung khi cho biết, lời khai trước đó mà Tuấn làm việc với cơ quan điều tra là không đúng, không trung thực. Những lời khai này chịu sự "chi phối" của bị cáo Nguyễn Ngọc Tỉnh (cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên, nguyên Tổng giám đốc CPA Hà Nội).

Bị cáo Tuấn khẳng định, không tham gia vào hoạt động kiểm toán, báo cáo tài chính của Công ty Faros giai đoạn 2014-2015. Điều này phủ nhận hoàn toàn lời khai của Tuấn trước đó khi bị cáo này khai có tham gia hoạt động kiểm toán, báo cáo tài chính.

HĐXX sau đó nhấn mạnh, lời khai trên không trùng khớp với bản cung trong quá trình điều tra. Lúc này, Tuấn khai những lời khai trước đó là không trung thực, do bị cáo phải chịu sức ép của ông Tỉnh.

Trước tòa, Tuấn khẳng định từng nói với ông Tỉnh sẽ không ký vào báo cáo tài chính vì Tuấn không làm. Tuy nhiên, theo Tuấn, ông Tỉnh đã hứa sẽ không có vấn đề gì xảy ra.

HĐXX hỏi: "Bị cáo không thực hiện việc kiểm toán, liệu bị cáo có tự nhận kết quả kiểm toán mà mình không thực hiện không?".

Bị cáo Tuấn nói: "Đấy là hành vi vi phạm pháp luật và sai lầm của bị cáo là không làm cứ nhận. Lời khai của bị cáo là do ông Tỉnh cung cấp".

"Bị cáo nhận thức nếu không đồng ý, ông Tỉnh sẽ cho dừng hành nghề, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh", bị cáo Lê Văn Tuấn nói.

Bị cáo Tuấn cũng cho biết, được ông Tỉnh đưa cho một bản giải trình các câu hỏi của công an dài khoảng 8-10 trang để nghiên cứu. Bản giải trình này, theo bị cáo Tuấn, được sao chép vào một USB, sau đó Tuấn in ra để đến khi nào làm việc với công an, sẽ dựa vào nội dung trên để trả lời cho phù hợp với lời khai.

Đối chất lại lời khai của Tuấn, ông Tỉnh bác bỏ những cáo buộc của bị cáo Tuấn.

"Bị cáo không hề gây sức ép một tí nào cho anh Tuấn trong chuyện có kiểm toán, ký báo cáo hay ép phải tham gia công ty nếu không sẽ dọa cho nghỉ việc", bị cáo Tỉnh khai.

Đồng thời, Tỉnh cũng phủ nhận việc hướng dẫn Tuấn khai báo trước khi làm việc với cơ quan công an.

Theo cáo trạng, để niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán, Công ty Faros phải thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm 2014, 2015 và 6 tháng năm 2016. Ngày 30/12/2015, Đỗ Như Tuấn (Tổng Giám đốc Công ty Faros) và ông Lê Văn Dò (Phó Tổng giám đốc CPA) ký Hợp đồng kiểm toán Báo cáo tài chính với giá trị 100 triệu đồng.

Dù biết báo cáo tài chính của Faros chưa đủ cơ sở để chấp nhận toàn phần nhưng ông Dò và Lê Văn Tuấn vẫn cùng ký ban hành các Báo cáo kiểm toán độc lập của Công ty Faros và có nội dung chấp nhận toàn phần đối với các báo cáo tài chính, báo cáo vốn góp của chủ sở hữu.

Sau khi gửi báo cáo lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Vụ Giám sát công ty đại chúng (UBCKNN) đã đề nghị Faros giải trình, cung cấp các tài liệu liên quan đến quá trình góp vốn và sử dụng vốn thu được từ các đợt tăng vốn.

Ngày 5/5/2016, Tổng Giám đốc Faros giải trình và sau đó Chủ tịch Faros Doãn Văn Phương tiếp tục ký công văn gửi UBCKNN bổ sung hồ sơ đăng ký Công ty đại chúng. Tuy nhiên, Vụ Giám sát công ty đại chúng vẫn nhận thấy báo cáo tài chính và xác nhận kiểm toán còn nhiều mâu thuẫn.

Do đó, CPA Hà Nội bị yêu cầu kiểm toán và phát hành lại báo cáo kiểm toán. CPA Hà Nội sau đó không thực hiện theo yêu cầu, Lê Văn Tuấn, Nguyễn Ngọc Tỉnh tiếp tục ký, ban hành 3 báo cáo kiểm toán độc lập, vi phạm các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam.

Thiên Tuấn

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/phien-toa-xet-xu-trinh-van-quyet-nong-vi-co-bi-cao-phan-cung-2013781.html