Philippines đảo ngược tín hiệu về hiệp ước quân sự với Mỹ: Bước lùi chiến lược của Trung Quốc?
Chính phủ Philippines hôm thứ Ba cho biết họ dừng lại quyết định trước đó về việc chấm dứt hiệp ước quân sự lâu năm với Hoa Kỳ - điều Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte từng chỉ trích là không công bằng.
Theo New York Times (NYT), đây là một thất bại chiến lược đối với Trung Quốc.
Cảnh giác sức mạnh quân sự Trung Quốc tại khu vực
Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin đã đưa ra thông điệp này vào thứ Ba trên Twitter, nói rằng ông đã thông báo cho Washington về việc đình chỉ quyết định trước bằng một văn bản ngoại giao. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh những diễn biến chính trị và các vấn đề khác trong khu vực, ông Locsin viết trong thông điệp ngoại giao trên và không giải thích chi tiết.
Hoa Kỳ hoan nghênh sự đảo ngược quyết định cũ này. "Liên minh lâu đời của chúng tôi đã mang lại lợi ích cho cả hai nước và chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ về an ninh và quốc phòng với Philippines", Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Manila cho biết trong một tuyên bố.
Các nhà phân tích chính trị giải thích sự đảo ngược này là một dấu hiệu cho thấy các nước láng giềng của Trung Quốc đang lo lắng về sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của nước này.
Một số nhà phân tích nhìn nhận sự đảo ngược này là một lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ, cho rằng Philippines là đồng minh duy nhất của Mỹ tại khu vực gần Biển Đông - một tuyến đường hàng hải quan trọng và cũng đang có tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ.
"Trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục củng cố các yêu sách của mình tại Biển Đông như trong năm ngoái, Manila có thể đã đưa ra kết luận rằng mối quan hệ từng có với Bắc Kinh sẽ không bảo vệ được lợi ích của Philippines", ông M. Taylor Fravel, giáo sư khoa học chính trị kiêm giám đốc Chương trình Nghiên cứu An ninh tại Viện Công nghệ Massachusetts, nhận định.
Vào tháng Hai, ông Duterte đã ra lệnh chấm dứt Thỏa thuận Lực lượng Thăm viếng (VFA). NYT cho rằng điều gây nguy hiểm cho một tấm chăn an ninh của Philippines, nơi đang phải đối mặt với các hành động ngày càng cứng rắn của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo thỏa thuận VFA, sau khi có thông báo hủy hiệp ước, Washington và Manila có 180 ngày, trong trường hợp này là cho đến tháng 8, để cố gắng cứu vãn thỏa thuận.
Hiệp ước VFA lâu nay cho phép quân đội Hoa Kỳ tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn ở Philippines và được duy trì nhiều thập kỷ nay sau khi người Mỹ rời khỏi các căn cứ hải quân phía bắc Manila vì những bất đồng trong hợp đồng thuê căn cứ.
Tín hiệu phức tạp từ Philippines
Quyết định trước đó của ông Duterte về việc chấm dứt liên minh quân sự với Mỹ theo sau việc Washington từ chối cấp visa cho nhà lập pháp Philippines, Ronald dela Rosa, kiến trúc sư của cuộc chiến chống ma túy từ buổi ban đầu dưới thời ông Duterte .
Hành động chấm dứt VFA của Manila thời điểm đó cũng diễn ra khi ông Duterte đang hâm nóng quan hệ với Trung Quốc trong khi xa cách Hoa Kỳ, và cũng là tiếng chuông báo động đối với nhiều người trong chính quyền của ông – những người coi liên minh Manila – Washington là nền tảng của an ninh Philippines và là một đối trọng với sức mạnh hải quân đang phát triển của Trung Quốc trong khu vực.
Ông Duterte thời điểm đó cũng chỉ trích Hoa Kỳ, nói rằng họ luôn luôn có thể đạt được thỏa thuận tốt hơn. Ông cũng đã phàn nàn rằng quân đội Mỹ đã mang theo vũ khí hiện đại của họ rời đi sau các cuộc tập trận quân sự.
Nhà lãnh đạo Philippines gọi người Mỹ là "không đúng mực" và chỉ trích các nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ CIA, người mà ông nói có thể đã nghe trộm điện thoại của ông.
Ông Duterte cũng đã bác bỏ tác động răn đe của các lực lượng Mỹ đối với Trung Quốc, đặc biệt là tại vùng biển khu vực, dù Philippines cũng có các yêu sách lãnh thổ chồng lấn với Trung Quốc và các nước khác ở Biển Đông. "Họ không có ý xấu", ông Duterte nói về Trung Quốc và quân đội nước này, miễn là chúng tôi cũng không làm điều gì có hại cho họ.
Theo Thỏa thuận Lực lượng Viếng thăm, các lực lượng Philippines đã được tiếp nhận huấn luyện từ các đối tác Mỹ để chống khủng bố và buôn bán ma túy. Hàng trăm cuộc diễn tập chung được tiến hành hàng năm.
Jose Antonio Custodio, nhà sử học quân sự tại Viện Nghiên cứu Chính sách, Chiến lược và Phát triển, một nhóm tham vấn chính sách tại Philippines, nói rằng nhiều đồng minh của ông Duterte đã không nhiệt tình với việc chấm dứt hiệp ước trên, và có nguy cơ là quan hệ liên minh quân sự kéo dài từ năm 1951 đến nay.
Ông Custodio nói rằng Manila cần liên minh này nhiều hơn Hoa Kỳ, thêm vào đó là hậu quả kinh tế của đại dịch virus corona cũng sẽ làm suy yếu khả năng duy trì và hiện đại hóa lực lượng vũ trang của Philippines.