Philippines đừng bịt tai trước chỉ trích về bê bối tổ chức SEA Games
Có ý kiến cho rằng hãy để SEA Games kết thúc thì phán xét cũng chưa muộn. Thế nhưng, Philippines cần lắng nghe chỉ trích ngay từ lúc này.
Cách đây đúng một tuần, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte chiêm ngưỡng màn pháo hoa rực rỡ và lễ thắp đuốc làm bừng sáng bầu trời đêm tỉnh Bulacan tại lễ khai mạc Thế vận hội Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 30.
Thế nhưng, đằng sau vẻ hào nhoáng và chỉn chu là hàng loạt chỉ trích về sự cố và thiếu sót từ ban tổ chức do Chủ tịch Hạ viện Alan Peter Cayetano đứng đầu. Ngay cả ngọn đuốc thắp sáng lễ khai mạc cũng là nguồn cơn thổi bùng hàng loạt cáo buộc tham nhũng. Những bất cập này đã được truyền thông đồng loạt đề cập trước lễ khai mạc vài ngày.
Có ý kiến cho rằng hãy để SEA Games kết thúc thì phán xét cũng chưa muộn. Nhiều chính khách - thuộc cả phe cầm quyền và đối lập trong chính quyền Tổng thống Duterte - đều lên tiếng kêu gọi tạm dừng chỉ trích, vì điều này có thể tổn hại đến hình ảnh nước chủ nhà SEA Games 30 của Philippines.
Thế nhưng, có nên thực sự chờ đợi cuộc chơi kết thúc rồi mới lên tiếng chỉ trích hay không?
Theo tôi, nên rèn sắt nhân lúc còn nóng. Khi vẫn còn cơ hội để giải quyết vấn đề, ban tổ chức nên tận dụng. Dù chờ đợi SEA Games kết thúc rồi mới gỡ rối có thể giúp Philippines tránh bị bẽ mặt, đối mặt với ý kiến phê bình ngay lúc này vẫn tốt hơn nhiều so với việc để chúng trôi tuột đi.
Lừng khừng đăng cai, ngổn ngang tổ chức
Ngay từ đầu, Philippines không thực sự muốn đăng cai SEA Games 30. Thực tế là từng có thông tin nước này sẽ không tổ chức sự kiện thể thao lớn nhất Đông Nam Á vì quá tốn kém. Chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng mới sẽ ăn vào ngân sách vốn dành cho các dịch vụ xã hội, như y tế và giáo dục.
Thái độ lưỡng lự ngay từ đầu khiến Philippines không có đủ thời gian để chuẩn bị và triển khai tất cả kế hoạch dành cho sự kiện.
Tuy nhiên, cuối cùng, chính quyền Tổng thống Duterte đã đổi ý và quyết định đăng cai SEA Games 30. Theo tôi, đây là một bước đi sai lầm đầu tiên. Thái độ lưỡng lự ngay từ đầu khiến Philippines không có đủ thời gian để chuẩn bị và triển khai tất cả kế hoạch dành cho sự kiện.
Một trong những tâm điểm chế giễu của kỳ thế vận hội Đông Nam Á lần này là logo và linh vật Pami. Về cơ bản, logo SEA Games 30 bao gồm nhiều vòng tròn xếp chồng lên nhau, đại diện cho các quốc gia tham dự. Nhưng có vẻ nó giống bản đồ Philippines hơn và không phản ánh được tinh thần Đông Nam Á là mấy. Đó là chưa kể chi phí thiết kế logo rất đắt đỏ.
Nhiều nhà thiết kế chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư đã thử đề xuất logo thay thế, có người thậm chí tình nguyện làm không công. Thế nhưng, chính phủ vẫn giữ nguyên lựa chọn của mình. Điều này chỉ cho thấy sự thiếu chuẩn bị, cứng nhắc trong khâu tổ chức từ phía chính quyền Tổng thống Duterte.
Đó chỉ là một trong nhiều khía cạnh của kỳ SEA Games năm nay.
Khi vận động viên từ các nước khác đến Philippines, hàng loạt bất cập trong công tác chuẩn bị bắt đầu xuất hiện. Nhiều đoàn thể thao phải chờ đợi hàng giờ sau khi hạ cánh xuống sân bay.
Nơi ăn ở là một đống hỗn độn. Trong khi một số tuyển thủ được ở khách sạn đã đặt lịch chu đáo, số khác phải ngủ trên sàn nhà hoặc ở chung phòng với nhau, xáo trộn mọi kế hoạch.
Thực đơn cho vận động viên lặp đi lặp lại mỗi ngày và hoàn toàn không đủ dinh dưỡng. Một huấn luyện viên chia sẻ rằng tuyển thủ của họ chỉ được ăn cơm với trứng; còn những người khác có kikiam, một món ăn đường phố phổ biến ở Manila. Chắc chắn các món ăn này không thể cung cấp đủ năng lượng cho vận động viên trong suốt quá trình tập luyện và thi đấu.
Không chỉ vậy, nhiều địa điểm phục vụ SEA Games còn chưa hoàn tất khiến một số đội buộc phải tự trả phí thuê địa điểm ngoài. Đáng chú ý hơn cả là phòng họp báo, nơi các phóng viên sẽ phỏng vấn đội tuyển sau trận đấu. Nhưng thậm chí tường phòng họp còn chưa xây xong, ánh sáng không đáp ứng yêu cầu. Phòng họp báo như một công trường xây dựng xếp đầy ghế ngồi.
Phía ban tổ chức thừa nhận công tác chuẩn bị có nhiều bất cập và đổ lỗi cho giải ngân muộn.
Có nhiều cáo buộc tham nhũng nhằm vào công tác tổ chức SEA Games của Philippines. Với hàng tỷ peso dành riêng cho thế vận hội khu vực, nhiều người đặt câu hỏi số tiền này đã được sử dụng như thế nào để dẫn tới hàng loạt vấn đề phát sinh như vậy.
Trong cuộc họp tại Thượng viện, ban tổ chức đưa ra giá của chiếc vạc lửa - được đặt trên đỉnh đài tại sự kiện và thắp sáng bằng ngọn đuốc SEA Games - là 50 triệu peso (khoảng 1 triệu USD).
Thượng nghị sĩ phe đối lập Franklin Drilon cho rằng riêng số tiền dành cho chiếc vạc đã đủ để xây thêm 50 phòng học. Cuộc tranh luận làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trên mạng xã hội, đặc biệt là sau khi quá trình kiểm tra cho thấy chiếc vạc bị rỗng ruột, vật liệu sử dụng cũng không xứng đáng với số tiền bỏ ra. Bên cạnh đó, công nghệ chiếu sáng không cần đến khoản đầu tư lớn như vậy.
Hóa ra, nhà thiết kế chiếc vạc lại làm việc cho công ty thuộc chính phủ. Kết quả là, mọi người tự hỏi: Có đáng tiêu 50 triệu peso cho một tác phẩm điêu khắc chỉ dùng một lần hay không?
Bịt tai trước chỉ trích - điều tối kỵ
Như thường lệ, có nhiều luồng ý kiến ở Philippines. Nhóm ủng hộ Tổng thống Duterte cực lực biện giải cho những thiếu sót, kể cả vấn đề cái vạc lửa đắt tiền. Trong khi đó, nhiều người lên tiếng chỉ trích, dù chẳng có nghĩa lý gì. Cũng có những người trung lập, không muốn vướng vào cái gọi là “chính trị hóa một sự kiện thể thao”.
Chính quyền Tổng thống Duterte (và ngay cả những người Philippines ủng hộ ông) cáo buộc phe chỉ trích đang chính trị hóa một sự kiện thể thao. Họ cho rằng nên tách bạch thể thao khỏi chính trị.
Tôi không đồng ý.
Vận động viên không chỉ mang trên người tên của đất nước mà còn cả quan điểm chính trị của chính mình.
Trong lịch sử Thế vận hội Olympics, đã có một số quốc gia không được phép tham gia vì vướng phải vấn đề chính trị. Tại Mỹ, những tuyển thủ phản đối Tổng thống Donald Trump có một số hành động nhất định khi hát quốc ca, nhằm thể hiện sự bất đồng chính kiến.
Trong quá trình đăng cai SEA Games 30, Philippines đã đặt mình vào vị trí trung tâm để quảng bá hình ảnh đất nước, đồng thời phát đi thông điệp về năng lực của quốc đảo này dưới thời chính quyền Tổng thống Duterte. Trở thành nước chủ nhà tự nó đã là một tuyên bố chính trị.
Trên thực tế, câu hỏi đặt ra là những lời chỉ trích đó có công bằng hay không? Thế nhưng, vấn đề ở đây không phải là về sự công bằng.
Với vị thế chủ nhà, ắt hẳn Philippines hay bất kỳ một nước đăng cai nào khác sẽ phải nhận những lời chỉ trích, từ trong nhà lẫn nước bạn. Với vị thế chủ nhà, đặc biệt là quốc gia luôn tự hào vì lòng mến khách, Philippines được dự đoán sẽ dành tất cả những gì có thể cho SEA Games 30.
Trước một sự kiện như SEA Games, không chỉ người bản địa hay công dân của các quốc gia Đông Nam Á khác đang nhìn vào Philippines. Đó còn là cả thế giới.
Giống như ở bất kỳ một sự kiện nào khác, ban tổ chức cần tránh bị cảm xúc chi phối quá nhiều và phải chấp nhận rằng quá trình chuẩn bị có thiếu sót. Điều tối kỵ ban tổ chức cần tránh là “xù lông" trước những ý kiến phê bình và lên án người chỉ trích.
Tổng thống Duterte đã lên tiếng xin lỗi về vấn đề cung cấp thực phẩm, sự chậm chạp và bất tiện trong việc đưa đón vận động viên nước ngoài. Ông nói rằng chính phủ Phillipines rất quan tâm đến những sự khó chịu mà vận động viên nước ngoài đã gặp phải.
Chủ tịch Hạ viện Cayetano - vốn nổi tiếng với thái độ phản pháo, tấn công những người có quan điểm đối lập - cũng xin lỗi về nhiều bất cập trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games 30. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh một số phương tiện truyền thông bị thao túng để đào xới về vấn đề này.
Cách hành xử như vậy chắc chắn không phải là giải pháp tối ưu. Chỉ trích, dù mang tính xây dựng hay không, nên được coi là cách để cải thiện hiệu quả công việc. Bất kỳ người đứng đầu của một ban tổ chức nào nên nhận thức rõ rằng cần phải xác định vấn đề và tìm giải pháp ngay lập tức.
Vì sao? Trước một sự kiện như SEA Games, không chỉ người bản địa hay công dân của các quốc gia Đông Nam Á khác đang nhìn vào Philippines. Đó còn là cả thế giới.