Philippines và Malaysia tung ra biện pháp để ổn định thị trường gạo
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos ngày 4/10 đã dỡ bỏ mức trần giá gạo.
Động thái này diễn ra chỉ một vài tuần sau khi chính phủ nước này đưa ra các giải pháp kiểm soát giá gạo để hỗ trợ cho các hộ nghèo.
Phát biểu khi tham gia một sự kiện ở thủ đô Manila, ông Marcos nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ dỡ bỏ trần giá gạo, cả gạo xay thông thường và gạo xay kỹ kể từ hôm nay”. Tổng thống Marcos, đồng thời là Bộ trưởng Nông nghiệp, nhấn mạnh đây là "thời điểm thích hợp" để dỡ bỏ giá trần vì chính phủ đang có đủ gạo phát cho người dân.
Theo ông Marcos, sự hỗ trợ của chính phủ dành cho nông dân và người nghèo sẽ tiếp tục, đồng thời lưu ý thêm rằng “vẫn cần phải cải thiện lĩnh vực nông nghiệp của đất nước”.
Trước đó, vào đầu tháng 9/2023, ông Marcos đã ấn định giá bán lẻ tối đa đối với gạo xay thông thường ở mức 41 peso/kg (0,72 USD/kg) và 45 peso/kg (0,78 USD/kg đối với gạo chất lượng cao hơn.
Gạo là lương thực chủ yếu ở Philippines tuy nhiên đất nước với dân số 110 triệu này không thể sản xuất đủ lương thực cho tiêu dùng trong nước và là một trong những nước nhập khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới.
Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Nông nghiệp và An ninh lương thực Malaysia (Ma-lai-xi-a) Mohamad Sabu cho biết, Bộ này sẽ thực hiện 4 biện pháp can thiệp quyết liệt nhằm giảm bớt lo ngại của người dân trước tình trạng giá gạo nhập khẩu và nhu cầu gạo trong nước tăng cao. Quyết định này được đưa ra sau cuộc gặp giữa ông Mohamad Sabu và Thủ tướng Anwar Ibrahim kiêm Bộ trưởng Tài chính Malaysia.
Bộ trưởng Mohamad Sabu cho hay, Bộ Nông nghiệp và An ninh lương thực Malaysia sẽ trao quyền phân phối gạo trắng tại địa phương thông qua Cơ quan Tiếp thị nông nghiệp liên bang (Fama), tăng cường phân phối gạo ở các khu vực ngoại thành và nông thôn. Riêng tại hai bang Sabah và Sarawak, chính phủ sẽ áp giá gạo trắng địa phương từ ngày 5/10 nhằm đạt được giá bán lẻ 31 ringgit/10 kg (6,55 USD/10 kg) do sản xuất gạo trắng địa phương ở những bang này bị hạn chế.
Bên cạnh đó, những hợp đồng mua gạo mới dưới danh nghĩa của chính phủ đều sử dụng gạo trắng địa phương. Chính phủ Malaysia cũng dự định thành lập Lực lượng đặc nhiệm gồm các bộ, ngành liên quan để thực thi các hoạt động liên quan đến việc kiểm soát lúa gạo. Lực lượng này chủ yếu tập trung kiểm tra và thực thi chuỗi cung ứng gạo trắng địa phương, theo đó, mẫu gạo sẽ được lấy tại tất cả các nhà máy xay xát gạo, kho bán buôn và siêu thị để phân tích nhằm đảm bảo không có sự thao túng hàng hóa.
Bộ Nông nghiệp và An ninh lương thực Malaysia cũng lên kế hoạch đàm phán với Ấn Độ để nới lỏng quy định hạn chế xuất khẩu gạo của nước này.
Tại cuộc họp ngày 3/10, Bộ trưởng Mohamad Sabu kêu gọi người dân bình tĩnh và mua gạo theo nhu cầu, không nên tích trữ vì sẽ gây mất ổn định thị trường.