Phim Cánh đồng hoang gần 50 năm: Vẹn nguyên ký ức với cảnh quay gây 'thắt tim'

Gần 50 năm kể từ ngày ra đời, Cánh đồng hoang vẫn giữ sức sống nhờ câu chuyện chân thật tình, người đậm đà cũng như nỗ lực của người làm phim đặt vào trong tác phẩm

Tối 5-4,chương trình Cine 7 - Ký ức phim Việt phát trên VTV3 đã cùng các nhân vật hiếm hoi còn lại đồng hành cùng phim Cánh đồng hoang ôn lại những ký ức về bộ phim kinh điển này.

 Cánh đồng hoang (đạo diễn Vương Hồng Sến) được thực hiện vào năm 1979.

Cánh đồng hoang (đạo diễn Vương Hồng Sến) được thực hiện vào năm 1979.

Cánh đồng hoang lấy bối cảnh mênh mông trắng xóa của Đồng Tháp Mười mùa nước nổi trên trời là máy bay Mỹ quần thảo ngày đêm.

Ê-kíp phim dựng lên cuộc sống đơn sơ đầm ấm của gia đình du kích Nam Bộ là Ba Đô (NSND Lâm Tới) và Sáu Xoa, vợ của Ba Đô (Thúy An) cùng con trai nhỏ. Họ đóng vai trò như những người giữ liên lạc cho quân giải phóng.

Người chồng ngày ngày chèo xuồng ra ngoài để theo dõi động tĩnh của máy bay Mỹ, còn người vợ ở nhà chăm sóc con và giữ vững tinh thần chiến đấu.

Cảnh quay kinh điển chỉ thực hiện 1 lần

Ê-kíp chương trình đã tìm về NSƯT Bằng Phong Phó quay phim và ông Dương Minh Hoàng, Phó Chủ nhiệm phim Cánh đồng hoang để lắng nghe những chia sẻ về phim này.

NSƯT Bằng Phong bén duyên với Cánh đồng hoang năm 29 tuổi và đây cũng là bộ phim đầu tay ông đảm nhận vai trò phó quay phim

Nhớ về thời điểm đó, NSƯT Bằng Phong cho biết Cánh đồng hoang chỉ được quay bằng 1 chiếc máy quay.

 Trong "Cánh đồng hoang", một trong những chi tiết gây ấn tượng với nhiều thế hệ khán giả trong suốt gần 50 năm đó là cảnh vợ chồng anh Ba Đô cho con vào túi nilon nhận chìm dưới nước để tránh bom của kẻ thù.

Trong "Cánh đồng hoang", một trong những chi tiết gây ấn tượng với nhiều thế hệ khán giả trong suốt gần 50 năm đó là cảnh vợ chồng anh Ba Đô cho con vào túi nilon nhận chìm dưới nước để tránh bom của kẻ thù.

Theo NSƯT Bằng Phong, để thực hiện được cảnh quay kinh điển này ê-kíp cùng diễn viên tập luyện trên cạn trước.

"Có nghĩa là bỏ đứa trẻ vào túi nilon và nhúng ở trên cạn thử để khi xuống nước thì cũng canh máy như vậy và chỉ thực hiện duy nhất trong một cảnh quay không làm lại lần nào nữa" - NSƯT Bằng Phong cho hay.

 NSƯT Bằng Phong. Ảnh: VTV

NSƯT Bằng Phong. Ảnh: VTV

Ông Dương Minh Hoàng cho biết Cánh đồng hoang được thực hiện chưa đến 300.000 đồng tiền mặt. Đoàn phim cũng không tốn tiền khách sạn vì cũng không có khách sạn mà ở.

"Cả đoàn phim cùng ở trong một căn nhà bỏ trống, cơm nước có mấy chị cấp diễn đi chợ và nấu ăn. Đoàn tận dụng tất cả những cảnh tự nhiên vào thời điểm đó như rừng tràm, ao sen, đồng nước kể cả căn hầm nổi trên nước… Tất cả đều mượn chứ không có khái niệm đi thuê" - ông Dương Minh Hoàng kể.

Cánh đồng hoang là biểu tượng của nhân dân Việt Nam

Là khách mời của tập này, TS Ngô Phương Lan Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam cho biết độ khái quát của Cánh đồng hoang rất cao khi thể hiện lòng yêu nước, sự hi sinh, vẻ đẹp của dân tộc Việt Nam …

Nói về ý nghĩa, giá trị của phim đối với nền điện ảnh Việt Nam, đặc biệt là về đề tài chiến tranh cách mạng, TS Ngô Phương Lan nhận định Cánh đồng hoang là biểu tượng của nhân dân Việt Nam dù nhiều sự hi sinh nhưng nó cũng thể hiện triết lý chiến tranh, triết lý của người Việt Nam khi đấu tranh bảo vệ đất nước...

 Hình ảnh Sáu Xoa bế con đi về "hướng mặt trời" như muốn nói về sự kế thừa của thế hệ tiếp theo tiếp nối cha ông chống lại thế lực xâm lược.

Hình ảnh Sáu Xoa bế con đi về "hướng mặt trời" như muốn nói về sự kế thừa của thế hệ tiếp theo tiếp nối cha ông chống lại thế lực xâm lược.

Trong Liên hoan phim châu Á - Đà Nẵng (DANAFF) diễn ra từ 29-6 đến 5-7-2025, Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam sẽ làm một chương trình những dấu ấn của phim đề tài chiến tranh trong 50 năm qua và Cánh đồng hoang là một trong những phim mở màn.

VĂN HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/phim-canh-dong-hoang-gan-50-nam-ven-nguyen-ky-uc-voi-canh-quay-gay-that-tim-post842828.html