Phim chiến tranh 'Trận chiến Midway' - tham vọng quá hóa nửa vời
Tác phẩm mới nhất của đạo diễn Roland Emmerich cố gắng tái hiện toàn cảnh mặt trận Thái Bình Dương trong Thế chiến II, nhưng thất bại vì quá ôm đồm, tham lam.
Trận chiến Midway là một sự kiện quan trọng trong Thế chiến II, diễn ra vào đầu tháng 6/1942 giữa quân đội Mỹ và Đế quốc Nhật Bản tại khu vực đảo Midway, Thái Bình Dương.
Trước đó, vào ngày 7/12/1941, quân đội Nhật bất ngờ tấn công căn cứ hải quân Mỹ tại Trân Châu Cảng, buộc xứ sở cờ hoa chính thức tham gia vào Thế chiến II tại mặt trận Thái Bình Dương. Hải quân và Không quân Mỹ liên tiếp tổ chức các cuộc tấn công vào lực lượng Hải quân Nhật Bản, cũng như thực hiện các chiến dịch ném bom nhằm trả đũa.
Chiếm ưu thế về tiềm lực quân sự, Hải quân Nhật tiếp tục lên kế hoạch tấn công các căn cứ trọng yếu của quân đội Mỹ nhằm phân tán lực lượng đối phương, làm bàn đạp cho Đế quốc Nhật Bản có thể xâm lược nước Mỹ. Đảo Midway được phía Nhật Bản âm thầm lựa chọn làm mục tiêu lớn tiếp theo cho chiến dịch đánh bật hoàn toàn Hải quân Mỹ khỏi vùng biển Thái Bình Dương.
Hải quân Mỹ không chỉ phải chiến đấu trên biển lẫn trên không, mà còn phải đấu tranh trên mặt trận tình báo để khám phá ra âm mưu thực sự của đối phương. Cả hai bên đều dốc toàn lực vào chiến dịch sẽ quyết định cục diện tương lai của mặt trận Thái Bình Dương.
Bức tranh toàn cảnh về 6 tháng chiến sự kéo dài từ Trân Châu Cảng đến Midway
Midway là tác phẩm mới nhất của đạo diễn Roland Emmerich - nhà làm phim được biết đến với các xuất phẩm bom tấn mang đề tài thảm họa kinh phí lớn như Independence Day (1996), Godzilla (1998), The Day After Tomorrow (2004) hay 2012 (2009)... Trước đó, trận chiến quyết đinh cục diện mặt trận Thái Bình Dương từng được các nhà làm phim phương Tây chuyển thể lên màn ảnh rộng vào năm 1976.
Thực tế, dù mang tên gọi Midway, bản thân bộ phim không chỉ tập trung vào trận chiến kéo dài bốn ngày. Đạo diễn Roland Emmerich và biên kịch Wes Tooke có tham vọng tái hiện bức tranh toàn cảnh đầy đủ nhất về mặt trận Thái Bình Dương, kéo dài 6 tháng từ sự kiện Trân Châu Cảng cho đến hết chiến dịch Midway dựa trên góc nhìn của cả hai phía.
Bộ phim mở đầu với màn giới thiệu chóng vánh các nhân vật chính ở cả hai phe Nhật - Mỹ, cùng sự kiện lịch sử Trân Châu Cảng buộc Mỹ chính thức tham chiến. Ngay sau đó, khán giả tiếp tục được tham gia một “chương trình giảng dạy lịch sử” chi tiết trong gần hai tiếng đồng hồ, với đầy đủ các nội dung: tương quan của hai bên với lực lượng quân sự - dân sự tham chiến, cùng các nhân vật ưu tú đại diện, từ Tình báo, Không quân, Hải quân..., thậm chí đến cả các đại diện hậu phương.
Mỗi lực lượng đều lần lượt xuất hiện trên màn ảnh với các hoạt động quân sự đặc thù cùng màn giới thiệu sơ lược. Sau khi giới thiệu hệ thống nhân vật, Midway lần lượt đưa khán giả qua các sự kiện lịch sử có thật diễn ra trong giai đoạn 6 tháng kể từ vụ tấn công Trân Châu Cảng, như sự kiện tấn công đảo Marshalls-Gilberts (tháng 2/1942), sự kiện đánh bom Tokyo (tháng 4/1942), trận đánh vùng biển San Hô (5/1942), và rồi kết thúc bằng trận Midway (6/1942).
Tất cả đều được kể lại với thời lượng tương đồng, đem đến cho khán giả cái nhìn phổ quát về tình hình chiến sự ở Thái Bình Dương lúc bấy giờ.
Kịch bản tham lam số lượng mà thiếu tập trung vào chất lượng
Chỉ trong chưa đến hai tiếng đồng hồ, Midway đem đến cho khán giả số lượng lớn nhân vật cùng hàng loạt sự kiện lịch sử lớn, dưới góc nhìn của cả hai phía Nhật - Mỹ. Tuy nhiên, lý tưởng tham vọng trên của các nhà làm phim không gặt hái thành công như kỳ vọng.
Bộ phim giới thiệu các nhân vật mới liên tục, hết người này đến người khác, trong khi khán giả thậm chí còn chưa kịp nhớ tên hay binh chủng, đơn vị của gương mặt trước. Hậu quả là phần đầu phim bị lộn xộn khi các nhân vật cứ thế xuất hiện rồi hành động, thậm chí… hy sinh và biến mất mà chẳng kịp đem đến chút dấu ấn đáng nhớ nào.
Sau khoảng 1/3 tác phẩm, hệ thống nhân vật mới bắt đầu trở nên ổn định và dễ nắm bắt hơn. Tiếc rằng, dù đã cố gắng phân chia đất diễn sao cho ai cũng có phần, đa số đều tỏ ra nhạt nhòa, chẳng để lại ấn tượng nào đặc biệt. Các nhân vật được xây dựng một cách máy móc thông qua hành động, lời thoại đầy khuôn mẫu và tương đối sáo rỗng.
Một số nhân vật nổi bật hơn như Trung úy Richard “Dick” Best (Ed Skrein) - viên phi công tài năng nhưng cứng đầu trên tàu sân bay USS Enterprise, hay Thiếu tá Edwin T. Layton (Patrick Wilson) thuộc bộ phận Tình báo, được xây dựng tốt hơn hẳn, nhưng cũng chỉ mới để khán giả nắm được hoàn cảnh, tâm lý đơn giản bên ngoài, chứ chưa tạo được điểm nhấn thực sự đặc biệt.
Hệ thống nhân vật nhạt nhòa là vậy, các sự kiện, diễn biến trong phim cũng không khá hơn là bao. Kịch bản cố gắng xây dựng cao trào thông qua việc miêu tả quân đội Mỹ yếu thế hơn so với quân đội Nhật lúc bấy giờ, hay trận chiến tình báo buộc phải thắng để nắm được âm mưu của người Nhật…
Nhưng tất cả chỉ được giới thiệu đại khái qua vài câu thoại sơ sài, chứ không có bất cứ chi tiết nào thể hiện cụ thể, khiến khán giả khó nắm được rốt cuộc thử thách thực sự mà bộ phim dành cho nhân vật nằm ở đâu.
Midway duy trì tiết tấu khẩn trương từ đầu đến cuối, với các sự kiện diễn ra không ngừng nghỉ, nhưng tiếc là hầu hết đều rơi vào tình trạng không đầu không cuối. Mọi chuyện cứ thế diễn ra chóng vánh mà không có sự dẫn dắt cần thiết, khiến khán giả không ít lần phải thắc mắc rằng trận chiến này rốt cuộc diễn biến ở đâu, nguyên nhân và kết quả thế nào, gây hậu quả gì cho toàn cục…
Bản thân trận chiến Midway - vốn phải là tâm điểm của cả bộ phim - cũng không thoát khỏi cảnh nửa vời. Khản giả không biết Midway là gì, không hiểu vì sao nó trọng yếu, không cảm nhận được nguy cơ mà quân đội Mỹ đang đối mặt, không nắm rõ diễn biến trận chiến xảy ra thế nào… Hậu quả là hai tiếng đồng hồ của bộ phim trôi qua một cách khẩn trương, nhưng thực tế lại rời rạc và mơ hồ.
Bộ phim cố gắng xây dựng thêm góc nhìn chiến tranh từ phía lực lượng quân đội Nhật Bản nhằm làm tăng tính đa chiều. Tuy nhiên, việc này tỏ ra thừa thãi khi tuyến nhân vật xuất hiện kiểu “cho có”, vừa không đem lại giá trị nổi bật, vừa làm giảm thời lượng để xây dựng các yếu tố cần thiết khác.
Hành động dồn dập nhưng thiếu kịch tính
Là một bộ phim chiến tranh lấy bối cảnh chiến trường Thái Bình Dương, Midway không thiếu các trường đoạn hành động cháy nổ máu lửa, hay những phân cảnh phô diễn hiệu ứng kỹ xảo thông qua các pha không chiến dồn dập.
Những tưởng đây là “chuyện nhỏ” đối với một nhà làm phim đã quá quen với các dự án bom tấn kỹ xảo hoành tráng như Roland Emmerich, song, “ông trùm” dòng phim thảm họa lần này lại khiến không ít fan cảm thấy thất vọng.
Sở hữu kinh phí tầm 100 triệu USD - tức không lớn so với các tác phẩm cùng thể loại - phần hiệu ứng hình ảnh của bộ phim còn hạn chế, đặc biệt là mô hình máy bay, tàu chiến còn thiếu độ chân thực. Các trường đoạn hành động cháy nổ tương đối hoành tráng, nhưng thiếu sự mãn nhãn vì thời lượng thường ngắn ngủi. Còn hiệu ứng cháy nổ lạm dụng kỹ xảo máy tính dễ để lộ sự giả tạo.
Hạn chế về kinh phí và kỹ xảo khiến các phân cảnh hành động trong phim chưa tạo được sự kịch tính cần thiết do thời lượng cảnh hành động không dài, thường xuyên bị cắt ngắn thành các cảnh nhỏ. Mặc dù vậy, phần hành động của Midway vẫn đủ đảm bảo tính giải trí cho khán giả.
Bộ phim sở hữu dàn diễn viên có thực lực như Ed Skrein, Patrick Wilson, Luke Evans, Aaron Eckhart, Mandy Moore, Dennis Quaid, Woody Harrelson…, nhưng chưa thể tận dụng hết tài năng của họ do việc xây dựng nhân vật còn sơ sài, khuôn mẫu.
Nhìn chung, Midway là nỗ lực đầy tham vọng của đạo diễn Roland Emmerich trong việc cố gắng tái hiện một cách hệ thống và đầy đủ nhất sự kiện quyết định vận mệnh của mặt trận Thái Bình Dương trong Thế chiến II. Song, những hạn chế về mặt kịch bản, đạo diễn, kỹ thuật sản xuất khiến thành phẩm trở nên nửa vời.