Phim chiếu trong quân đội phải có chủ đề tư tưởng, lành mạnh
Sự xâm nhập ồ ạt, khó kiểm soát của những luồng văn hóa ngoại lai diễn ra trên hầu hết các khía cạnh của đời sống văn hóa đã và đang dẫn đến nhiều nguy cơ đe dọa việc kế thừa, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Vì vậy, việc phát hành, phổ biến phim trong Quân đội có vai trò quan trọng nhằm định hướng tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ. Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Nguyễn Văn Tín - Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị xung quanh vấn đề này.
Thiếu tướng cho biết vai trò của việc phát hành, phổ biến phim trong Quân đội?
- Xem phim là tiêu chuẩn của bộ đội được thực hiện theo Thông tư 104/2014 của Bộ Quốc phòng quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn đời sống văn hóa, tinh thần trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Mỗi tháng, bộ đội có hai tối xem phim. Mỗi xuất chiếu gồm một phim tài liệu và một phim truyện.
Hoạt động phát hành, phổ biến phim trong Quân đội là một mặt của công tác đảng, công tác chính trị, cụ thể hơn là công tác tuyên huấn trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Nó có nhiệm vụ chuyển tải những tác phẩm điện ảnh đến với bộ đội, góp phần bồi dưỡng kiến thức chính trị, khoa học kỹ thuật quân sự, văn hóa, văn học nghệ thuật, trình độ thẩm mĩ, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho bộ đội và nhân dân; Xây dựng lòng tin, bản lĩnh chính trị, truyền thống, phẩm chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong lực lượng vũ trang, góp phần giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn đơn vị đóng quân, thúc đẩy việc hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số thời gian gần đây đã làm thay đổi ngành công nghiệp điện ảnh. Ông có thể cho biết, việc phát hành, phổ biến phim trong Quân đội hiện nay được đổi mới như thế nào?
- Quán triệt sâu sắc các chỉ thị, hướng dẫn của Tổng cục Chính trị, triển khai thực hiện nghiêm túc Đề án quy hoạch chiếu phim của Bộ Quốc phòng, thời gian qua, các đơn vị trong toàn quân đã chủ động xây dựng quy hoạch chiếu phim phù hợp với đặc điểm của đơn vị.
Máy chiếu phim đã chuyển từ máy chiếu phim nhựa 35 mm chuyển sang máy chiếu phóng hình kỹ thuật số. Về xe chiếu phim, mỗi đội chiếu phim được trang bị một xe Toyota bán tải, phương tiện mới, đồng bộ và tiện dụng. Các đơn vị đã có nhiều cố gắng trong xây dựng, củng cố các đội chiếu phim.
Hiện nay, có hai loại đội chiếu phim. Một loại là đội chuyên nghiệp gồm 3 người, thuộc biên chế đội chiếu phim. Loại thứ hai là đội bán chuyên nghiệp, chỉ làm kiêm nhiệm. Ban ngày, anh em làm việc khác, đến tối thì chiếu phim. Mỗi đội chiếu phim một tháng thường chiếu 12-15 buổi. Nếu khu vực đó chưa có điện thì phát máy nổ. Kinh phí do Bộ Quốc phòng đảm bảo.
Các đơn vị thường kết hợp chiếu phim khi thực hiện công tác dân vận tại các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Cùng với đó là việc tuyên truyền cho bộ đội, nhân dân những nội dung thiết thực, hữu ích.
Công tác tổ chức buổi chiếu bao gồm hai phần tuyên truyền: tuyên truyền miệng và tuyên truyền bằng trực quan sinh động như panô, áp phích, băng rôn. Về tuyên truyền miệng, anh em đội chiếu dành 15 phút nói qua loa phóng thanh về những vấn đề thời sự đang diễn ra như hiện nay là phòng chống dịch tả lợn châu Phi, phòng chống bão lũ, định hướng nội dung phim cho bộ đội xem...
Có thể thấy hiện nay, tràn ngập trên truyền hình hay rạp chiếu phim là phim nước ngoài. Tuy nhiên, bộ đội không được xem phim “bom tấn” do nước ngoài sản xuất. Thưa ông, vậy bộ đội được xem những loại phim gì?
- Ngoài những thuận lợi như đã kể trên, có thể thấy, trước những khó khăn chung của ngành Điện ảnh cả nước, việc phát hành, phổ biến phim trong Quân đội hiện gặp nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là tìm kiếm nguồn phim.
Theo báo cáo của Cục Điện ảnh, nếu như năm 2014, phim nước ngoài nhập vào Việt Nam chỉ có 170 phim thì đến năm 2018, số phim nhập về là 240 phim. Còn phim trong nước hiện nay chủ yếu là phim tư nhân. Nếu như năm 2014, Nhà nước sản xuất 2 phim thì năm 2016, 2017, ta không còn phim điện ảnh do Nhà nước đặt hàng nữa. Trong khi đó, số lượng phim tư nhân tăng lên, năm 2016 là 43 phim, năm 2018 là 36 phim.
Không có quy định nào cấm bộ đội xem phim nước ngoài. Nếu phim hay, chất lượng tốt, chúng tôi vẫn kiểm duyệt để phát hành, tuy nhiên, do là phim thương mại, giá thành phim cao nên khó có thể mua về chiếu cho bộ đội xem. Khi mà mọi thông tin đều có thể tìm kiếm chỉ qua vài lần nhấp chuột, không cách gì khác là khi tiếp nhận, chúng ta phải thật tỉnh táo, thận trọng trước những giá trị văn hóa du nhập.
Trước đây, phim chiếu cho bộ đội xem chủ yếu là nguồn phim trong nước do Nhà nước đặt hàng sản xuất nên giá thành thấp. Nay nguồn này hầu như không còn. Sự du nhập ồ ạt của phim nước ngoài khiến các bộ phim điện ảnh nghệ thuật trong nước khó vào rạp, khó có cơ hội để tiếp cận công chúng.
Thay vào đó, để cạnh tranh, các hãng phim tư nhân Việt Nam có xu hướng chạy theo thị hiếu đám đông bằng cách tung ra những bộ phim nặng về tính giải trí thương mại mà ít giá trị nghệ thuật. Phim chiếu cho bộ đội xem phải có chủ đề tư tưởng, phải lành mạnh.
Do đó, không thể nhập về cho bộ đội xem những bộ phim hài nhảm. Vì vậy, công tác giáo dục nhằm nâng cao thị hiếu thưởng thức văn hóa nghệ thuật trong bộ đội cũng như giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc cho anh em là điều vô cùng quan trọng.
Thưa ông, vậy nguồn phim phổ biến trong Quân đội được lấy ở đâu để đảm bảo đủ các xuất chiếu cho bộ đội?
- Về nguồn phim, thứ nhất, Tổng cục Chính trị ủy quyền cho Cục Tuyên huấn cung cấp phim cho các đơn vị, nguồn phim từ các hãng sản xuất phim trong nước, trong đó có Điện ảnh Quân đội, đơn vị chuyên sản xuất phim cho Quân đội. Thứ hai là nguồn do anh em ở đơn vị khai thác tại địa phương. Từ khó khăn đó cho thấy sự nỗ lực của anh em trong việc phát hành, phổ biến phim trong Quân đội.