Phim cũ tái xuất phòng vé, tại sao không?
Chiến dịch vận động cho bộ phim 'Dòng máu anh hùng' trở lại rạp chiếu thương mại đang được giới chuyên môn lẫn khán giả hào hứng ủng hộ. Nếu 'Dòng máu anh hùng' tái xuất thành công, đây sẽ là cú hích rất lớn để loạt bộ phim kinh điển một thời trở lại màn ảnh rộng, chinh phục thế hệ khán giả mới.
Tái phát hành những bộ phim xuất sắc một thời không xa lạ với điện ảnh thế giới. Loạt tác phẩm kinh điển của Mỹ như “Titanic”, “Harry Potter”, “Chúa tể của những chiếc nhẫn”, “Avatar” phần 1… dù đã công chiếu hàng chục năm trước nhưng vẫn gặt hái doanh thu cao khi trở lại rạp chiếu bóng trong thời gian gần đây. Riêng điện ảnh Việt, tác phẩm kinh điển trở lại màn ảnh rộng chỉ thỉnh thoảng xuất hiện ở những dịp lễ lạt, kỷ niệm hay liên hoan. Phim được chiếu miễn phí để khán giả nào chưa xem đều có dịp thưởng thức. Hầu như chưa có tác phẩm kinh điển nào tái xuất với mục đích thương mại.
Lâu nay, hiện tượng phim Việt ra rạp thương mại lần hai chỉ xảy ra với tác phẩm mới, tức thời điểm phim ra mắt lần đầu và lần hai cách nhau khoảng vài tháng cho đến một năm. Ngoài lý do dịch bệnh như hồi năm 2021 (phim “Trạng Tí phiêu lưu ký”, “Thiên thần hộ mệnh”, “Anh trai yêu quái”…), còn một số lý do khác khiến nhà sản xuất phải tạm ngưng rồi chiếu lại phim như: thời điểm ra mắt không thuận lợi khi phim đụng độ với nhiều đối thủ (phim “Cuộc chiến với chằn tinh”), tạm ngưng để sửa chữa phim theo ý khán giả (phim “Chị trợ lý của anh”) hoặc nhà kiểm duyệt…
Bảo toàn doanh thu khi chạm trán với nhiều đối thủ phòng vé vẫn là nguyên nhân hàng đầu. Đầu năm nay, “Sáng đèn” rời phòng vé chỉ sau hai ngày công chiếu vì sự áp đảo của phim “Mai”. Mãi đến cuối tháng ba, đạo diễn Hoàng Tuấn Cường mới dám cho “đứa con” của mình trở lại đường đua. Năm 2023, phim “Đêm tối rực rỡ” quay lại rạp chiếu sau đúng một năm ra mắt vì ekip chưa hài lòng với doanh thu 20 tỷ ở lần chiếu đầu.
Chưa có tiền lệ nên khi khởi động chiến dịch đưa “Dòng máu anh hùng” trở lại rạp chiếu sau 17 năm, công chúng vô cùng ngạc nhiên và háo hức. Chiến dịch bắt nguồn từ sự kiện chiếu phim miễn phí và giao lưu với khán giả của Charlie Nguyễn và Johnny Trí Nguyễn tại TP Hồ Chí Minh mới đây. Dù giới hạn số ghế là 150 người nhưng số khán giả đến buổi chiếu vượt gấp nhiều lần khiến số ghế kê thêm cũng không thể đáp ứng.
Đa phần khán giả là những gương mặt Gen Z, chưa từng được xem “Dòng máu anh hùng” trên màn ảnh rộng. Tràng pháo tay kéo dài gần 5 phút khi phim khép lại nói hộ cho cảm xúc khán giả. Các bạn trẻ không ngờ điện ảnh Việt từng có một tác phẩm hành động - dã sử đầy nghẹt thở, hấp dẫn và kịch tính đến như vậy. Bản anh hùng ca bất khuất của cha ông thời đấu tranh giành lại non sông dưới tay thực dân Pháp làm khán giả xúc động và đầy tự hào. Một bộ phim mang tầm vóc quốc tế với những đại cảnh công phu, những màn cận chiến với thế võ Vovinam khiến khán giả trầm trồ.
Đạo diễn Charlie Nguyễn cho biết, thời điểm năm 2007, bỏ ra hơn một triệu đô và ba tháng để quay phim là mức đầu tư khủng khiếp so với mặt bằng chung. Đáng tiếc, “Dòng máu anh hùng” sinh nhầm thời. Chân ướt chân ráo về nước, anh em nhà Charlie Nguyễn chỉ biết dồn sức làm phim với niềm đam mê bất tận chứ không mấy để tâm nghiên cứu thị trường điện ảnh trong nước.
Diễn viên Johnny Nguyễn nói vui “Nếu có ai cảnh báo trước thì chắc anh em tôi đã không bấm máy”. Bấy giờ, thị trường phim Việt chỉ vừa gượng dậy sau cuộc khủng hoảng. Các rạp chiếu bóng lúc đó chỉ có khoảng 20 phòng chiếu. Một vé xem phim chỉ có giá từ 20 ngàn đến 40 ngàn trong khi khán giả chưa có thói quen xem phim nên rất khó để nhà sản xuất thu hồi vốn. “Dòng máu anh hùng” lỗ nặng và trở thành cú “ngã ngựa” lưu danh làng điện ảnh nội địa. Sự thất bại của “Dòng máu anh hùng” khiến kịch bản phần hai lấy cảm hứng từ huyền thoại “Nhạn trắng Cà Mau” của anh em nhà họ Nguyễn vẫn nằm im trên giấy đến tận bây giờ.
Bỏ qua câu chuyện doanh thu, phải thẳng thắn công nhận “Dòng máu anh hùng” vẫn là một tác phẩm điện ảnh xuất sắc ghi dấu ấn trong lòng người hâm mộ. Từ bộ phim này, cặp đôi diễn viên Johnny Trí Nguyễn và Ngô Thanh Vân trở thành những tên tuổi đình đám. Mãi về sau, nhắc đến dòng phim của thế hệ đạo diễn Việt kiều, “Dòng máu anh hùng” vẫn được nhắc đến như một trong những cánh chim đầu đàn.
Gần hai thập niên, “Dòng máu anh hùng” đã từng ra bản DVD và dần có mặt trên các nền tảng phát hành phim trực tuyến. Nhiều khán giả thuộc làu nội dung. Tuy nhiên, theo nhà phê bình Lê Hồng Lâm - người khởi xướng chiến dịch, chỉ khi xem trên màn bạc thì “Dòng máu anh hùng” mới phát huy hết cái hay, cái đẹp của nó và chạm vào cảm xúc khán giả mạnh mẽ nhất.
“Trải nghiệm xem phim này tại rạp chiếu, với tôi, là không thể thay thế được. Vì vậy, tôi mạo muội lên một chiến dịch vận động đưa “Dòng máu anh hùng” trở lại rạp chiếu. Không cần quá hoành tráng, chỉ cần được chiếu trong khoảng 100 phòng chiếu và tùy thuộc vào hiệu ứng khán giả mà có thể kéo dài bao lâu. Tôi tin rằng, đây sẽ là một món quà tuyệt vời mà khán giả dành tặng cho Charlie và Johnny, giúp họ có thêm động lực và cảm hứng để tiếp tục giấc mơ dang dở: làm tiếp “Dòng máu anh hùng” 2. Sự thất bại tại phòng vé đã ngăn cản việc sản xuất phần hai và các dự án phim võ thuật chất lượng cao khác” - anh chia sẻ.
Hồi đáp người hâm mộ, đạo diễn Charlie Nguyễn cho biết mình sẽ “chơi lớn” với bản redux (tức phiên bản mở rộng, có chỉnh sửa) để khán giả cũ cũng như khán giả mới đều được thưởng thức. Anh hào hứng: “Thay vì chỉ chiếu lại thì mình làm một bản redux sẽ thú vị hơn. Hôm đó xem lại mình cũng thấy có một số việc cần làm cho bản redux! Biết đâu còn một cơ hội để chơi với “Dòng máu anh hùng”. Thông thường phiên bản redux chỉ xuất hiện với những bộ phim kinh điển hoặc có số phận đặc biệt. Trên thế giới chỉ có một vài trường hợp được redux. Do đó, bản redux của “Dòng máu anh hùng” khiến khán giả vô cùng phấn khích và trông đợi.
Chỉ một tuần phát động, chiến dịch lan tỏa mạnh mẽ. Khán giả Quân Lê hồ hởi: “Ý tưởng quá tuyệt vời! Ủng hộ hết mình. Tôi đã từng xem phim này tại rạp và quả thực lúc đó quá ấn tượng. Mãi sau này vẫn chưa có một bộ phim võ thuật Việt nào sánh được với “Dòng máu anh hùng”. Khán giả Nguyễn Thành thì đề xuất, ngoài “Dòng máu anh hùng”, các bộ phim từng bị “mất lượt” chiếu do lưỡi kéo kiểm duyệt ngày trước như “Bụi đời Chợ Lớn” hay các phim kinh điển như “Ván bài lật ngửa”, “Bao giờ cho đến tháng Mười”, “Biệt động Sài Gòn”… nên được phát hành thương mại một lần nữa để khán giả tận hưởng trọn vẹn trên màn bạc. Ngoài lớp khán giả cũ ưa hoài niệm, những bộ phim này còn có cơ hội cuốn hút lớp khán giả trẻ. Đây là lượng khách dồi dào của phòng vé hiện nay. Rất nhiều người trong số họ chưa từng được xem những thước phim lay động và đầy tự hào này.
Khác với sự thất bại của hàng loạt phim ra rạp lần hai để “cứu” doanh thu do chất lượng kém, sự trở lại của phim kinh điển xuất phát từ sự yêu thích, hoài niệm của người hâm mộ với một bộ phim nổi tiếng. Thế nên nhà sản xuất không còn đặt nặng chuyện lời lỗ mà trước hết là tri ân, đáp đền tấm lòng của những ai yêu mến đứa con tinh thần của mình. Ngoài việc bù đắp lại mất mát năm nào, “Dòng máu anh hùng” ra rạp biết đâu sẽ lập nên kỳ tích như những bộ phim hàng trăm tỉ đang được khán giả truyền miệng rộng rãi. Bởi thời điểm này, sự phát triển mạnh mẽ của các cụm rạp, thói quen xem phim lành mạnh và thị hiếu khán giả ưu ái cho phim chất lượng là bàn đạp để “Dòng máu anh hùng” có thể làm nên cú lội ngược dòng.