Phim của Huỳnh Lập chất lượng vụng về vẫn dẫn đầu phòng vé

'Nhà gia tiên' nhiều gia vị, nhưng thiếu sự hòa quyện. Huỳnh Lập tham lam khi dùng thoại dẫn dắt câu chuyện và cảm xúc khán giả, song cách giải quyết mâu thuẫn phim còn vụng về.

Genre: Gia đình, Tâm linh
Director: Huỳnh Lập
Cast: Huỳnh Lập, Phương Mỹ Chi, Hạnh Thúy, Huỳnh Đông, Puka...
Rating: 5/10
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung bộ phim

Nhà gia tiên đánh dấu màn tái xuất màn ảnh rộng của cái tên Huỳnh Lập sau 5 năm vắng bóng, kể từ Pháp sư mù: Ai chết giơ tay (2019). Lần trở lại này, anh vẫn trung thành với màu sắc tâm linh, hài đã theo đuổi trong các dự án web-drama suốt khoảng thời gian qua. Song, chủ đề được đặt ở trung tâm Nhà gia tiên vẫn là tình cảm gia đình.

Câu chuyện mở ra tại gia tộc họ Huỳnh, với nhiều thế hệ chung sống trong căn nhà gia tiên, có truyền thống bán bánh xèo. Nhân vật chính của phim là Mỹ Tiên (Phương Mỹ Chi), một nhà sáng tạo nội dung gen Z đã rời quê lên thành phố nhiều năm vì mâu thuẫn với gia đình.

“Bí content” thu hút người xem, Tiên cùng cậu bạn thân đánh liều về quê để tìm ý tưởng.

Câu chuyện thừa vấn đề nhưng thiếu cách giải quyết

Mọi chuyện rẽ hướng khi Tiên phát hiện mình có thể nhìn thấy hồn ma anh ruột Gia Minh (Huỳnh Lập), đã qua đời vì tai nạn nhiều năm trước. Để giúp linh hồn người khuất được siêu thoát, cô phải giúp anh hoàn thành những tâm nguyện dang dở khi còn sống. Một trong số đó là bảo vệ căn nhà gia tiên đang bị các thành viên trong gia tộc tranh giành.

Ý tưởng về sự kết nối giữa 2 thế giới trong Nhà gia tiên không mới, gợi nhớ Chuyện tôi và ma quỷ thành người một nhà của Trịnh Vỹ Hào. Trong khi tranh chấp tài sản hay mâu thuẫn giữa các anh chị em cũng là đề tài quen thuộc trên màn ảnh rộng Việt, mà gần nhất, Chị dâu của Khương Ngọc đã phần nào tái hiện.

Bộ phim của Huỳnh Lập đặt ra nhiều vấn đề, từ mâu thuẫn gia đình, tác động tiêu cực của định kiến lên một cá nhân, tư tưởng trọng nam khinh nữ dẫn tới bi kịch chồng chất, cho tới việc giữ gìn văn hóa, phong tục truyền thống...

Căn nhà gia tiên, nơi sinh sống của nhiều thế hệ gia tộc họ Huỳnh, bề ngoài yên ấm nhưng thực chất ẩn chứa mâu thuẫn cháy âm ỉ. Rắc rối lớn nhất xuất phát từ tư tưởng trọng nam khinh nữ đã đeo bám họ suốt nhiều thế hệ. Mỹ Tiên vì chịu đựng những oan ức, điều tiếng ngay từ khi còn nhỏ nên mới bất hòa với cả nhà và chọn cách ra đi. Là con gái nên không được coi trọng, cô bé bị xem là nguồn cơn của mọi vận xui, gián tiếp hại cha và anh trai qua đời.

 Nhà gia tiên do Huỳnh Lập đạo diễn.

Nhà gia tiên do Huỳnh Lập đạo diễn.

Cũng vì thế, quyết định về quê của Mỹ Tiên mở ra hành trình giải quyết mâu thuẫn, khúc mắc chất chứa, đồng thời chữa lành tổn thương tinh thần mà cô chịu đựng suốt những năm qua. Tiền đề này tỏ ra mượt mà, nhưng đường dây câu chuyện từ đây lại xảy ra nhiều gãy đổ.

Những nút thắt tình cảm được tái hiện khá hời hợt, nặng tính minh họa, từ việc hóa giải khúc mắc giữa Mỹ Tiên với mẹ và anh trai, cho tới sự thay đổi trong suy nghĩ của một cô gái nhiều năm thiếu thốn tình cảm và sự thấu hiểu. Tiên giận mẹ vì bị bà mắng do mải chơi nên gây họa, giận anh trai vì những lần bị đánh đòn, giận họ hàng vì đổ điều tiếng xấu lên cô...

Toàn bộ được kể lại chóng vánh qua những cảnh flashback (hồi tưởng), đặt ra dấu hỏi lớn về động cơ lẫn tính cách nhân vật. Phim bày ra nhiều vấn đề, song rốt cuộc gỡ nút thắt bằng việc... để cho người trong cuộc kể lại sự thật. Song song đó, Huỳnh Lập dùng thoại với ý định mang đến "cái nhìn đa chiều” cho cả Mỹ Tiên lẫn người xem. Nhưng thực tế, thoại phim liên tục, kể lể dài dòng và mang tính dẫn dắt hành động.

Những đạo lý rao giảng kém tinh tế mang tính câu nước mắt, trong khi chuyện phim thì ngày càng luẩn quẩn trong những tình huống bị làm lố, dài dòng. Những bức xúc của nhân vật, kèm theo cả khoảng thời gian giận dỗi gia đình bỗng trở nên thừa thãi, thậm chí vô nghĩa. Bởi vốn dĩ, chúng có thể đã không tồn tại nếu người anh trai quyết định chia sẻ với em sớm hơn.

Mặt khác, Nhà gia tiên lại chưa giải thích được tại sao Gia Minh suốt từng ấy năm phải giữ chúng trong lòng, khiến rắc rối cứ liên tục chồng chất. Vấn đề trọng nam khinh nữ, hay nhiều định kiến đặt ra ở đầu phim cũng dần đi vào ngõ cụt.

Huỳnh Lập mang web drama lên màn ảnh rộng

Mượn chủ đề tâm linh, Huỳnh Lập có ý tưởng khi hướng tới khám phá những góc khuất của mối quan hệ gia đình. Thế nhưng, cách phát triển kịch bản còn hạn chế, trong khi hình thức Nhà gia tiên lại như một bản web-drama vì thiếu chất điện ảnh.

 Nhà gia tiên vươn lên dẫn đầu phòng vé Việt trong ngày đầu tiên phát hành.

Nhà gia tiên vươn lên dẫn đầu phòng vé Việt trong ngày đầu tiên phát hành.

Nhân vật trong phim có nhiều vấn đề, từ sự phát triển gượng gạo của nữ chính, cho tới việc xây dựng những vai phụ xấu xa, vô duyên. Họ hành động thiếu logic, trong khi những sự cố ập đến với gia đình họ Huỳnh cũng mang tính sắp đặt lộ liễu.

Lối dựng phim chưa cho thấy sự mượt mà khi luân chuyển giữa kinh dị, hài và bi, khiến cảm xúc của người xem đột ngột bị ngắt quãng. Những mảng miếng hài tình huống hay hài thoại mà đạo diễn sử dụng cũng quen thuộc, điển hình là màn đáp trả của Mỹ Tiên trước những người họ hàng kém duyên, dường như bê nguyên từ màn “khẩu chiến” trong Cậu Út cậu con Cúc.

Thay vì để hình ảnh kể chuyện, Huỳnh Lập bị mắc lỗi mượn thoại dẫn dắt, chi phối cảm xúc người xem. Đáng nói, thoại phim còn “sách vở”, nhiều khi ngô nghê. Điển hình như ở cảnh bà mẹ nhập viện cấp cứu, Mỹ Tiên sốt sắng hỏi bác sĩ về chi phí mổ và nhận phản hồi “Sẽ tốn một số tiền khá lớn đó”. Hay như khi xuống bếp làm bánh xèo mời cả nhà, nhân vật thoại như đang trả bài. Việc cài cắm văn hóa là ý tưởng đáng khen, song Huỳnh Lập có lẽ cần cách thể hiện tự nhiên và tinh tế hơn.

Phương Mỹ Chi, ở lần đầu chạm ngõ điện ảnh, để lại thiện cảm với tạo hình mộc mạc. Cô bé Mỹ Tiên hiện lên có sự bướng bỉnh, dễ tổn thương, mặt khác giàu tình cảm, cứng họng nhưng mềm lòng, lại hay mau nước mắt.

Tuy nhiên, Phương Mỹ Chi vẫn non nớt trong cách tái hiện cảm xúc nhân vật, mặt khác còn loay hoay trong việc làm chủ đường dây tâm lý vai diễn. Tổn thương của nhân vật hoàn toàn không cần phải được kể lể qua lời thoại như “Mẹ có chờ con về không? Vậy mẹ có yêu con không?”. Ở nhiều cảnh, cô lộ hạn chế trong ánh mắt thiếu linh hoạt, nhiều khi lại diễn bản năng, thiếu sự tiết chế, đặc biệt trong những cảnh sợ hãi hay la hét, tuyệt vọng.

Huỳnh Lập, trong vai người anh trai đầy nỗi niềm vì cái chết tức tưởi, lại diễn xuất nặng tính sân khấu. Trong khi, màn thể hiện của Hạnh Thúy hay Huỳnh Đông khá tròn trịa, nhưng nhân vật lại thiếu đất diễn.

 Tạo hình của nhân vật trong phim.

Tạo hình của nhân vật trong phim.

Do vấn đề kinh phí, phần hình ảnh Nhà gia tiên chưa thực sự tạo được ấn tượng, hiệu ứng kỹ xảo cũng lộ khuyết điểm. Song, phần bối cảnh được tái dựng tương đối tốt. Một số ca khúc do Phương Mỹ Chi thể hiện trong phim có lẽ đã để lại lại hiệu ứng cảm xúc, nếu được lồng ghép tự nhiên hơn.

Thất vọng ở chỗ Huỳnh Lập vì tham lam “twist chồng twist” mà biến hồi kết phim trở thành một mớ hỗn độn, với những tình tiết khiên cưỡng. Điều này khiến Nhà gia tiên vốn có thể khép lại gọn ghẽ với chút ít thông điệp chữa lành, lại trở thành một sân khấu drama, nơi những ồn ào, náo loạn khiến khán giả bải hoải.

Tống Khang

Nguồn Znews: https://znews.vn/phim-cua-huynh-lap-chat-luong-vung-ve-van-dan-dau-phong-ve-post1533000.html