Phim 'Địa đạo': khơi dậy ký ức lịch sử từ lòng đất thép

Kinhedothi - Phim 'Địa đạo' với nội dung về vùng đất thép Củ Chi hiện trở thành tâm điểm chú ý của dư luận. Điều này được coi là một trong những đòn bẩy khiến dòng phim chiến tranh Việt Nam lấy lại sức hút, đặc biệt khi chạm đến cảm xúc thật, con người thật và những giá trị lịch sử chưa từng phai mờ.

Tái hiện hồi ức từ những nhân chứng sống

“Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” không phải là một thước phim chiến tranh theo lối mòn, càng không phải là bản hùng ca cường điệu hóa. Tác phẩm của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên là hành trình điện ảnh xuyên xuống lòng đất – nơi từng là “mặt trận ngầm” sống còn của quân và dân Củ Chi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Poster phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên.

Poster phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên.

Ở đó, có những con người đã sẵn sàng cầm súng để thế hệ mai sau được cầm bút, đã đánh giặc để thế hệ tương lai được đánh vần và đã đi trong đêm tối để chúng ta hôm nay có thể đón bình minh. “Mặt trời trong bóng tối” ấy không rực rỡ, không chói lòa nhưng đủ sức soi rọi cả một giai đoạn lịch sử đầy máu lửa.

Lấy bối cảnh trận càn Cedar Falls năm 1967 tại “tam giác sắt” – vùng đất Bến Súc, Củ Chi, Bến Cát, nơi Mỹ từng huy động lực lượng gồm 30.000 quân, trút bom đạn hòng “đốt sạch, giết sạch, quét sạch”, bộ phim không khắc họa những trận đánh hoành tráng mà tập trung vào đời sống nghẹt thở nhưng đầy khí phách của những chiến sĩ đặc công và người dân sống, chiến đấu trong hệ thống địa đạo.

Dàn diễn viên của bộ phim.

Dàn diễn viên của bộ phim.

Những chiến sĩ du kích như Bảy Theo, Ba Hương, Út Khờ hay chú Sáu hiện lên không phải là hình tượng lý tưởng hóa mà là những con người thật, với nỗi đau, sự hy sinh, cả những phút yếu lòng – điều khiến phim trở nên gần gũi và xúc động hơn bao giờ hết.

Một trong những hình ảnh đắt giá nhất của phim là khi nhân vật chú Sáu bị quân địch bao vây, vẫn bình thản hút thuốc và nói: "Chiến tranh Nhân dân, địa đạo là chiến tranh Nhân dân. Tụi bây không cách chi thắng được". Đó là lời tuyên ngôn không cần lên gân nhưng đầy hào khí dân tộc.

Hồ Thu Anh (vai Ba Hương) và Diễm Hằng Lamoon (vai Út Khờ).

Hồ Thu Anh (vai Ba Hương) và Diễm Hằng Lamoon (vai Út Khờ).

Xem phim, khán giả đều ngỡ ngàng vì dàn cast dường như đã được “đo ni đóng giày” cho từng vai diễn của mình. Thực tế, các diễn viên như Quang Tuấn (trong vai Tư Đạp), Thái Hòa (trong vai Bảy Theo), NSƯT Cao Minh (trong vai chú Sáu), Hồ Thu Anh… đã có dịp trực tiếp trò chuyện với các cựu chiến binh – một trải nghiệm khiến họ không khỏi xúc động và trân trọng hơn từng cảnh quay mình thể hiện.

Ngoài ra, ê-kíp còn nhận được sự hỗ trợ đặc biệt từ Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Tô Văn Đực – một người từng gắn bó với hệ thống địa đạo Củ Chi trong suốt giai đoạn 1964 - 1969, cũng là nguyên mẫu cho nhân vật Tư Đạp trong phim. Ông từng được mệnh danh là "cỗ máy phá tăng" khi chế tạo mìn gạt, góp phần tiêu diệt 5.000 phương tiện cơ giới của địch.

Cảnh nhân vật Tư Đạp chế tạo mìn trên phim.

Cảnh nhân vật Tư Đạp chế tạo mìn trên phim.

Ở tuổi ngoài 80, ông vẫn khỏe mạnh, minh mẫn và trực tiếp tham gia cố vấn cho đoàn phim từ những chi tiết kỹ thuật nhỏ nhất như cách kiểm tra độ an toàn của mìn đến việc tái hiện chính xác đời sống trong lòng đất năm xưa. Và chính những ký ức sống động ấy đã giúp bộ phim có được độ chân thực đặc biệt.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chia sẻ, mảnh đất Củ Chi đã cho ông những cảm xúc mãnh liệt về sự hy sinh vô bờ bến của các anh hùng liệt sĩ, niềm tự hào về sự kiên cường bất khuất của dân tộc Việt Nam, những bài học to lớn về cách mà Bác Hồ và các nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam dẫn dắt dân tộc đi đến hòa bình thống nhất.

"Kỷ niệm mà tôi nhớ nhất trong quá trình quay phim là giữa trời nắng như đổ lửa của Củ Chi, hàng ngày, đoàn phim đã nhận được nước, bánh trái từ Nhân dân các xã trong huyện Củ Chi giống như tình cảm của hậu phương dành cho chúng tôi - những người lính đang trong một trận chiến. Điều đó làm cho chúng tôi rất cảm động" - đạo diễn Bùi Thạc Chuyên bày tỏ.

Chạm sâu vào tâm thức thời đại

Ra mắt đúng vào thời điểm tháng 4 lịch sử – cột mốc 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), bộ phim "Địa đạo" như một cú chạm nhân văn vào mạch ngầm tinh thần dân tộc, cũng là một lời nhắc nhở đanh thép về cái giá của hòa bình.

Theo thống kê từ Box Office Vietnam, chỉ sau 8 ngày công chiếu (ra rạp ngày 2/4), “Địa đạo” đã thu về 100 tỷ đồng – một con số ấn tượng đối với phim lịch sử Việt, đặc biệt là thể loại chiến tranh cách mạng vốn kén khán giả.

Đáng chú ý, lượng lớn khán giả là giới trẻ - một thế hệ lớn lên khi Bắc Nam đã nối liền một dải, cũng là những người lần đầu “chạm” vào chiến tranh không qua sách vở. Nhiều bạn trẻ chia sẻ rằng, họ đến xem phim không chỉ vì tò mò mà vì muốn tìm hiểu những gì cha ông đã trải qua để đất nước có được ngày hôm nay.

Cảnh sinh hoạt dưới địa đạo được tái hiện trong phim.

Cảnh sinh hoạt dưới địa đạo được tái hiện trong phim.

Đến rạp cùng các học sinh lớp 11, cô Phạm Chi Mai - Giáo viên Trường THPT Đông Đô (Hà Nội) xúc động chia sẻ: “Khi bộ phim kết thúc, đèn rạp bật sáng mà không em nào vội vàng đứng dậy. Cả không gian như lặng đi, thấm đẫm một nỗi nghẹn ngào khó gọi thành tên. Tôi tin rằng sau hôm nay, chiến tranh trong mắt các em sẽ không còn là những dòng giáo điều khô khan hay những thứ xa vời thực tế. Đó sẽ là số phận, là nỗi đau, là khát vọng sống và mưu cầu hòa bình của những con người đã ngã xuống vì Tổ quốc. Và chính những gì chạm vào trái tim sẽ ở lại lâu hơn bất kỳ trang sách nào khác”.

Thành công lớn nhất của bộ phim có lẽ không nằm ở doanh thu mà ở việc nó đã khiến thế hệ hôm nay dừng lại, lặng đi và nhớ rằng có những thứ ánh sáng không đến từ bầu trời mà từ sâu thẳm lòng đất, nơi con người từng sống, chết và viết nên tự do.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chia sẻ, một trong những mục tiêu của việc làm bộ phim này là có thể giới thiệu đến khán giả quốc tế, đưa ra cái nhìn của người Việt Nam về cuộc kháng chiến chống Mỹ mà người nước ngoài gọi là "Vietnam War". "Phần lớn các bộ phim hiện nay làm về chiến tranh Việt Nam đều do Mỹ sản xuất, kể những câu chuyện của người Mỹ mà thiếu vắng đi những câu chuyện của người Việt Nam. Tôi biết một trong những câu hỏi hiện nay vẫn tồn tại dai dẳng với nhân dân thế giới là "Tại sao một dân tộc nhỏ bé như Việt Nam lại có thể chiến thắng được Mỹ". Tôi hy vọng bộ phim này có thể trả lời một phần câu hỏi đó" - đạo diễn Bùi Thạc Chuyên bày tỏ.

Cẩm Tú

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/phim-dia-dao-khoi-day-ky-uc-lich-su-tu-long-dat-thep.671236.html