Phim 'Em và Trịnh' gây tranh cãi vẫn có giải Bông sen bạc, lý do vì sao?
Hai bộ phim 'Em và Trịnh' và 'Đất rừng phương Nam' dự thi Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 đều có những tranh cãi trong dư luận. Nhưng 'Em và Trịnh' vẫn ôm giải Bông sen bạc với lý do gì?
Bản thân phim "Đất rừng phương Nam" thì phải thẩm định và sửa lại, còn phim "Em và Trịnh" thì dính thêm những kiện tụng, phàn nàn từ chính những nhân vật nguyên mẫu.
Nhưng trong khi "Đất rừng phương Nam" không được bất cứ giải nào thì phim "Em và Trịnh" có giải Bông sen bạc.
Ngoài giải thưởng Bông sen bạc bên cạnh hai bộ phim "Đào, phở và piano" và "Mẹ ơi, Bướm đây" thì bộ phim "Em và Trịnh" còn thắng giải nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất với vai diễn Khánh Ly của Bùi Lan Hương và giải âm thanh xuất sắc của Vick Võ Hoàng.
Ngoài nguyên nhân Công ty Galaxy là nhà đầu tư sản xuất bộ phim, đồng thời cũng là một nhà tài trợ cho liên hoan phim, thì bộ phim "Em và Trịnh" của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh còn có những lý do khác để đạt giải.
Dòng phim tiểu sử (biographical film) vốn có từ lâu đời trong lịch sử điện ảnh thế giới. Bộ phim tiểu sử đầu tiên trên màn ảnh ra đời vào năm 1899 với thời lượng mười phút. Đó là bộ phim tiểu sử "Joan of Arc" của Georges Mélìes, một đạo diễn người Pháp.
Đối với thế giới, dòng phim tiểu sử có thể nói là rất quen thuộc với công chúng hơn một thế kỷ nay và chuyện tranh cãi về nhân vật là chuyện rất phổ biến.
Như vậy những tranh cãi trái chiều về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở nhiều thế hệ khán giả là hết sức bình thường bởi vì ông là người sống cùng hay gần thời đại với họ, và mỗi người qua những cảm nghĩ cá nhân, những thông tin thu nhặt được về nhạc sĩ từ nhiều phía sẽ có những góc nhìn khác nhau về ông.
Những tranh cãi này sẽ rất khác và không thể so sánh với những tranh cãi về những chi tiết lịch sử, đặc biệt là những vấn đề nhạy cảm của dân tộc. Những hư cấu của bộ phim gây ra kiện tụng thật ra lại không phải là điều đáng lưu tâm nhiều, bởi vì dù là phim tiểu sử, các nhà làm phim vẫn có quyền hư cấu ít nhiều.
Âm thanh của phim rất ấn tượng do tay nghề của Vick Võ Hoàng, một phần cũng do những bài hát của Trịnh Công Sơn vốn đã in sâu vào lòng công chúng.
Việc để cho các diễn viên chuyên hay không chuyên đều tự hát lại là một điều thú vị của phim, làm cho phim thật hơn, đời hơn và cũng khiến nhiều công chúng phát hiện ra rằng ca sĩ Bùi Lan Hương không chỉ đóng đạt vai Khánh Ly với một phiên bản mới nhiều phần hư cấu, thô mộc hơn một Khánh Ly trong suy nghĩ của công chúng, mà còn hát nhạc Trịnh hay và cuốn hút.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh là người có tâm với việc làm điện ảnh nghiêm túc và có chủ đích muốn tôn vinh những con người Việt Nam, khung cảnh Việt Nam.
Giải thưởng Bông sen bạc cho phim là hướng đến và muốn tưởng thưởng cho những nỗ lực của cá nhân đạo diễn và đoàn làm phim.
Từ 177 bộ phim tham dự Liên hoan phim, Hội đồng tuyển chọn đã chọn được 146 bộ phim, gồm 91 bộ phim dự thi, 56 bộ phim trong chương trình toàn cảnh.
Dưới đây là kết quả Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23:
Phim hoạt hình
*Giải cho phim
- Bông sen vàng: Phim Giấc mơ của con
- Bông sen bạc: Các phim Nụ cười, Bà của Đỗ Đỏ
- Giải thưởng Ban giám khảo: Các phim Cây ổi thiên đường, Nữ tướng Mê Linh
*Giải cá nhân
- Đạo diễn xuất sắc: Nguyễn Quang Trung (phim Nụ cười)
- Tác giả kịch bản xuất sắc: Nguyễn Quang Thiều (phim Cây ổi thiên đường)
- Âm thanh xuất sắc: Nguyễn Duy Long (phim Đại Hành Hoàng Đế)
- Âm nhạc xuất sắc: Lương Ngọc Châu (phim Sương mù)
- Họa sĩ tạo hình xuất sắc: Bùi Mạnh Quang (phim Kỳ tích đầm Dạ Trạch)
- Họa sĩ diễn xuất xuất sắc: Nhóm họa sĩ phim Đại Hành Hoàng Đế
Phim khoa học
*Giải cho phim
- Bông sen vàng: Phim Nghiên cứu về ứng dụng công nghệ trong chữa cháy
- Bông sen bạc: Các phim Rác chìm
- Giải thưởng Ban giám khảo: Các phim Đất ô nhiễm, Giải mã dấu vết vụ cháy
*Giải cá nhân
- Đạo diễn xuất sắc: Nguyễn Thu (phim Đất ô nhiễm)
- Tác giả kịch bản xuất sắc: Trịnh Quang Bách (phim Hố đen)
- Quay phim xuất sắc: Vũ Trọng Quảng , Nguyễn Ngọc Sơn, Nguyễn Bảo Khánh (phim Sinh tồn)
- Thiết kế âm thanh xuất sắc: Dương Ngọc Hòa (phim Đàn đá – Báu vật cổ xưa)
Phim tài liệu
*Giải cho phim
- Bông sen vàng: Phim Những đứa trẻ trong sương
- Bông sen bạc: Các phim Trời Hà Nội mãi xanh – Bầu trời của hòa bình, Hai bàn tay
- Giải thưởng Ban giám khảo: Các phim Đường đến hòa bình, Người ơi đừng khóc cuối đường
*Giải cá nhân
- Đạo diễn xuất sắc: Hà Lệ Diễm (phim Những đứa trẻ trong sương)
- Tác giả kịch bản xuất sắc: Đặng Thị Linh (phim Hai bàn tay)
- Quay phim xuất sắc: Nguyễn Thiên Định (phim Biển đói)
- Âm thanh xuất sắc: Chu Đức Thắng – Đào Thị Hằng (phim Thép trong lòng biển sâu)
Phim truyện điện ảnh
*Giải cho phim truyện điện ảnh
- Bông sen vàng: Phim Tro tàn rực rỡ
- Bông sen bạc: Các phim Mẹ ơi, bướm đây; Em và Trịnh; Đào, Phở và Piano
- Giải thưởng Ban giám khảo: Phim Con Nhót mót chồng
*Giải cá nhân
- Đạo diễn xuất sắc: Bùi Thạc Chuyên (phim Tro tàn rực rỡ)
- Tác giả kịch bản xuất sắc: Lưu Huỳnh (phim Mẹ ơi, bướm đây)
- Quay phim xuất sắc: Nguyễn K'Linh (Tro tàn rực rỡ); Nguyễn Phan Linh Đan (Cô gái từ quá khứ)
- Nữ diễn viên chính xuất sắc: Đinh Y Nhung, Mai Cát Vi (phim Mẹ ơi, bướm đây)
- Nam diễn viên chính xuất sắc: Thái Hòa (phim Con nhót mót chồng)
- Nữ diễn viên phụ xuất sắc: Bùi Lan Hương (phim Em và Trịnh)
- Nam diễn viên phụ xuất sắc: Lê Công Hoàng (phim Tro tàn rực rỡ)
- Họa sĩ thiết kế mỹ thuật xuất sắc: Ghia Ci Fam (phim Người vợ cuối cùng)
- Âm thanh xuất sắc: Vick Võ Hoàng (phim Em và Trịnh)
- Âm nhạc xuất sắc: Tôn Thất An (phim Tro tàn rực rỡ)
- Kỹ xảo điện ảnh xuất sắc: Ê-kíp làm phim Cô gái từ quá khứ
- Đạo diễn phim đầu tay xuất sắc: Andy Nguyễn (phim Fanti)
- Giải "Cao nguyên hùng vĩ" dành cho phim có bối cảnh quay tại tỉnh Lâm Đồng: Phim Em và Trịnh
- Giải Phim được yêu thích nhất do khán giả bình chọn: Phim Siêu lừa gặp siêu lầy
Trong 5 ngày diễn ra Liên hoan Phim, hơn 10.000 lượt khán giả đến xem phim tại hệ thống rạp Cinestar ở thành phố Đà Lạt và huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng; 1.350 lượt khán giả xem và giao lưu với các đoàn làm phim tại Trường Đại học Đà Lạt, Trường Dân tộc nội trú tỉnh Lâm Đồng và Học viện lục quân của Tỉnh;
8.500 lượt khán giả xem phim trong 30 buổi chiếu phim lưu động tại các huyện Lâm Hà, Đam Rông, Đức Trọng, Đơn Dương, trong đó có 7.500 lượt người xem là đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Điểm đặc biệt nữa của Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23, là Lễ Khai mạc Liên hoan Phim vào ngày 21/11 được diễn ra trong không gian rộng lớn tại Quảng trường Lâm Viên đã có hơn 5 nghìn khán giả và hơn 350 nghệ sĩ tham dự, thu hút 1.500 lượt du khách và nhân dân thành phố Đà Lạt đến thưởng thức.
Nhiều nghệ sĩ và người xem Triển lãm đã rất cảm động, thấy tự hào khi được nhìn lại những hình ảnh trong các bộ phim của 70 năm Điện ảnh cách mạng Việt Nam xây dựng và phát triển.