Phim giành giải thưởng quốc tế nhưng vẫn khó... ra rạp
Cùng với đội ngũ kỳ cựu, thời gian gần đây, các nhà làm phim trẻ đã có những nỗ lực tạo nên những bộ phim điện ảnh độc lập có chất lượng tốt, gặt hái nhiều giải thưởng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, những bộ phim này còn nhiều trở ngại khi đến với khán giả trong nước.
Vì đâu nên nỗi?
Thực tế cho thấy nhiều bộ phim độc lập của nhà làm phim trẻ thời gian qua được nhiều giải thưởng quốc tế, có nhà phát hành quốc tế, chiếu rạp ở nước ngoài, bán vé rộng rãi nhưng ở Việt Nam để tìm nhà phát hành và rạp chiếu lại là công cuộc kịch tính và khó khăn cả về các vấn đề tài chính, kỹ thuật chiếu, âm thanh. Như phim tài liệu “Những đứa trẻ trong sương” của đạo diễn 9X Hà Lệ Diễm là một ví dụ. Phim từng tham gia hơn 100 liên hoan phim trên thế giới, lọt vào Top 15 ở hạng mục Phim tài liệu dài xuất sắc giải Oscar 2023, đã ra rạp tại Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), Hà Lan, Singapore… nhưng công cuộc tìm đến khán giả trong nước gặp rất nhiều gian truân.
Theo đạo diễn Hà Lệ Diễm, ban đầu bộ phim chưa được đơn vị nào nhận phát hành mà mới chỉ là những nỗ lực tự thân của Varan Việt Nam trong việc thuê phòng chiếu, bán vé. Sau khi nhận được phản hồi tích cực, phim mới được các rạp nhỏ lẻ chính thức nhận chiếu thương mại với số suất khiêm tốn. Để lan tỏa bộ phim, ê kíp còn giới thiệu đến một số trường đại học, song vì phòng chiếu chưa chuẩn nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của bộ phim. Tính đến nay, “Những đứa trẻ trong sương” cũng chỉ thu về được 2,3 tỷ đồng tiền bán vé.
Tương tự như vậy, theo khảo sát của PV các bộ phim “Memento Mori: Đất” của đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ, “Bên trong vỏ kén vàng” của đạo diễn Phạm Thiên Ân… dù đã được ghi nhận ở những liên hoan phim quốc tế, song khi chiếu ở Việt Nam lại rất dè dặt, vé bán ra rất khiêm tốn. Đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ cho rằng, hiện nay ở Việt Nam thiếu hệ thống rạp chiếu chuyên dành cho các bộ phim thuộc dòng độc lập. Do đó, sự bảo hộ điện ảnh nội địa nói chung và điện ảnh độc lập nói riêng sẽ giúp cho sự cạnh tranh giữa các bộ phim được công bằng hơn. Một bộ phim thuần tính thương mại thường sẽ có phần kinh phí dành cho quảng bá đôi khi bằng kinh phí làm một bộ phim độc lập. “Dòng phim độc lập chú trọng vào nghệ thuật điện ảnh, kinh phí dành cho quảng bá hầu như không có hoặc rất thấp, nên chủ yếu phụ thuộc vào hiệu ứng truyền miệng từ người đi xem trước. Vai trò của nhà quản lý là rất quan trọng trong việc điều tiết thị trường nhằm tạo sự cạnh tranh công bằng hơn cho các nhà sản xuất phim”, đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ nhấn mạnh.
Là một trong những người tiên phong làm phim độc lập, đạo diễn Đường Minh Giang cho rằng, thời gian qua rất nhiều nhà làm phim trẻ đã có những bộ phim độc lập có góc nhìn mới mẻ, hấp dẫn, tạo được tiếng vang. “Họ là những người trẻ có tài năng, khát vọng và mong muốn được cống hiến cho xã hội những bộ phim mang góc nhìn của riêng mình. Thế nhưng, thật đáng buồn khi được công chiếu tại Việt Nam lại gặp nhiều khó khăn. Như trường hợp của đạo diễn Hà Lệ Diễm, bạn ấy đã lăn lộn mấy năm trời để có thể quay được hành trình về một em bé người dân tộc Mông những mong xã hội có cái nhìn khác về nạn bắt vợ. Tôi biết tài chính ban đầu của bạn ấy cũng rất hạn chế nhưng vượt trên tất cả bạn ấy đã làm phim vì đam mê, vì lý tưởng cao đẹp của mình”, đạo diễn Đường Minh Giang bộc bạch.
Cần thêm chính sách hỗ trợ
Để phim độc lập Việt Nam đến với khán giả dễ dàng hơn, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, bên cạnh việc triển khai tốt Luật Điện ảnh (sửa đổi), Nhà nước và các tổ chức liên quan cần đầu tư và hỗ trợ tài chính, cơ sở hạ tầng để giúp các nhà làm phim độc lập có điều kiện sản xuất, phân phối phim dễ dàng hơn. Hơn nữa, Nhà nước cần tạo các liên hoan và sự kiện quốc tế ở trong nước, bởi khi đó sẽ giúp quảng bá phim Việt Nam đến với khán giả quốc tế, đồng thời, tạo cơ hội cho các nhà làm phim độc lập được giao lưu, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm với các đồng nghiệp quốc tế. Bên cạnh đó, cũng cần chú trọng xây dựng và phát triển các kênh phân phối phim độc lập, bao gồm cả các nền tảng trực tuyến và các rạp chiếu phim độc lập.
“Việc tổ chức các chiến dịch quảng bá và tiếp thị cho phim độc lập Việt Nam là rất cần thiết để tăng cường nhận thức và sự quan tâm của công chúng đến các phim độc lập. Cùng với đó, cần quan tâm xây dựng các khóa học, chương trình đào tạo về phim độc lập để đào tạo nhân lực trong lĩnh vực phim này”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo nhân lực, trau dồi kinh nghiệm trong lĩnh vực phim này, đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải (Hãng Phim truyện Việt Nam) cho rằng, các nhà làm phim Việt cần học hỏi những nhà làm phim độc lập trên thế giới nhiều hơn. Trên thế giới có rất nhiều phim độc lập, vừa có giá trị nghệ thuật cao và cũng có được doanh thu cao, như: “Reservoir Dogs”, “Pulp Fiction” của đạo diễn Quentin Tarantino hoặc gần đây là phim “Ký sinh trùng” của đạo diễn Bong Joon Ho.
“Đặc điểm chung của những phim này là ngoài việc đổi mới cấu trúc của điện ảnh thì nó cũng rất gần sát với hiện thực thường ngày của đông đảo người xem phim. Các đạo diễn đều hiểu rất rõ và sử dụng rất thành thạo những cấu trúc điện ảnh kinh điển, làm chủ nó rất thuần thục rồi sau đó mới áp dụng những đổi mới lớn về cấu trúc, cách kể chuyện, đủ gây sự choáng ngợp, tạo được sự hấp dẫn rất lớn cho người xem. Theo tôi đấy cũng có thể là những ví dụ mẫu mực về phim độc lập để các nhà làm phim Việt Nam tham khảo, học tập”, đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải lưu ý.