Phim hình sự có làm tăng tội phạm băng nhóm xã hội đen?

Ê-kíp làm phim cũng như các chuyên gia lên tiếng về ý kiến cho rằng phim 'Người phán xử' làm gia tăng tội phạm băng nhóm xã hội đen.

Tại cuộc họp góp ý cho dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) diễn ra ngày 14/9, Thiếu tướng Lê Tấn Tới - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội phát biểu: "Điều 11, về nội dung và hành vi nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh, hiện một số bộ phim có tình tiết cổ xúy cho hành vi vi phạm pháp luật, ví dụ phạm tội nhưng không bị xử lý, lối sống ích kỷ, một số phim phản ánh quá chân thực, quá chi tiết về sự tự diễn biến, tự chuyển hóa, vô hình trung làm cho người xem nhận thức sai và bắt chước làm theo.

Điển hình, mới đây, VTV1 chiếu Người phán xử, sau khi chiếu bộ phim đó thì tình hình các băng ổ nhóm tội phạm xã hội đen xảy ra rất nhiều.

Chúng ta đất nước quản lý xã hội bằng pháp luật, nhưng luật không giải quyết được, mà đưa cho ông trùm làm người phán xử, kể cả phán xử cả lực lượng công an. Phán xử tất cả mà đưa vào đó chiếu trên giờ vàng thì ai chịu trách nhiệm về vấn đề này".

Trước ý kiến này, ê-kíp làm phim cũng như một số chuyên gia đã lên tiếng phản hồi.

Diễn viên Việt Anh - người vào vai con trai ông trùm Phan Quân (NSND Hoàng Dũng) trong phim Người phán xử cho rằng, khán giả, công chúng hoàn toàn có thể đánh giá được vai trò, giá trị của phim ảnh đối với đời sống.

Nam diễn viên nói: “Nếu xem trọn vẹn bộ phim, khán giả sẽ thấy vai trò của công an, vai trò của chính quyền và đây không phải bộ phim nói riêng về tội phạm mà còn nói về tình cảm gia đình, cha con. Câu nói của ông trùm Phan Quân đã nhận được hiệu ứng rất lớn từ khán giả: Gia đình là thứ tồn tại duy nhất, còn các thứ khác có hay không có không quan trọng".

Còn NSND Trung Anh - đóng Lương Bổng trong Người phán xử cho biết, so với bản gốc của Israel, phim được ê-kíp cắt đi rất nhiều tình tiết bạo lực, tình dục, tội phạm để phù hợp văn hóa Việt.

NSND Trung Anh cho rằng: "Theo tôi, phim phản ánh một phần thực tế xã hội, để người xem nhận ra cái xấu, cái ác, từ đó tránh được sai lầm. Không thể nói rằng Việt Nam không có những băng nhóm xã hội đen như thế. Trong thế giới ngầm có những vấn đề như thế. Hơn thế nữa, bản thân bộ phim này còn rất đề cao giá trị gia đình”.

Theo NSND Trung Anh, mỗi dòng phim đều có đặc điểm riêng, không phải dòng phim nào cũng giống dòng phim nào. "Phim hành động mà không có cảnh hành động, đánh đấm này nọ thế thì gọi gì là phim hành động." – Nghệ sĩ Trung Anh nói.

Phim "Người phán xử".

Phim "Người phán xử".

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Văn, Ủy viên Hội đồng duyệt phim Quốc gia cho rằng, cần phải rất thận trọng khi đưa ra ý kiến cho rằng sau phim Người phán xử, tỷ lệ tội phạm tăng lên vì phải có những con số xác thực để chứng minh điều đó, ví dụ trước khi phim Người phán xử được chiếu thì tỷ lệ tội phạm cụ thể như thế nào, sau đó tỷ lệ tội phạm tăng lên bao nhiêu…

Trong khi đó, biên kịch Chu Thơm lại cho rằng, trước ý kiến này, những người làm phim cũng như công chúng không nên vội vàng phản ứng.

Ông Chu Thơm chia sẻ, vào khoảng năm 2014 -2015, ông kết hợp với sân khấu Hồng Vân thực hiện vở kịch Làm đĩ, dựa trên tác phẩm văn học nổi tiếng của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, tên vở kịch không phù hợp, dễ gây hiểu lầm là cổ súy cho hành vi không phù hợp trong xã hội. Do đó, ông và ê-kíp buộc phải đổi tên vở kịch thành Làm....

Khi vở kịch được công chiếu, sân khấu kịch Hồng Vân không bán vé cho khán giả dưới 18 tuổi. Khi vở diễn tham dự Liên hoan Sân khấu Kịch nói Toàn quốc, Cục Nghệ thuật Biểu diễn cũng đưa ra yêu cầu không bán vé cho khán giả dưới 18 tuổi.

Biên kịch Chu Thơm.

Biên kịch Chu Thơm.

Theo biên kịch Chu Thơm, sân khấu, điện ảnh, truyền hình cần bám sát đời sống, phản ánh đúng một phần thực tế xã hội một cách có chọn lọc, tránh trường hợp chạy theo thị hiếu đám đông, cổ súy cho những tệ nạn trong xã hội.

Những người làm nghệ thuật cũng cần phải nhận thức rõ những tác phẩm của mình có tác động rất lớn tới tâm lý, tình cảm, suy nghĩ và hành động của công chúng, đặc biệt là phim truyền hình - loại hình nghệ thuật rất phổ biến hiện nay nhưng lại có nhiều bất cập trong công tác quản lý.

Tuy nhiên, các cơ quan quản lý không nên đưa ra những quy định quá cứng nhắc, làm ảnh hưởng tới sự sáng tạo của các nghệ sĩ, cũng như kim hãm sự phát triển của nghệ thuật.

Phim truyền hình phải đóng mác tuổi, khung giờ phát

Ông Chu Thơm cho rằng, đối với phim điện ảnh, chúng ta đã có quy định rõ ràng về việc phân loại phim, phân loại khán giả. Những bộ phim có yếu tố bạo lực hay nhạy cảm được gán mác sẽ chỉ được tiếp cận với những khán giả trưởng thành.

Trong khi phim truyền hình lại chưa có sự phân định đó. Những bộ phim khai thác cuộc sống của xã hội đen cũng như những vấn đề nhạy cảm vẫn được phát sóng vào khung giờ vàng. Đó là khung giờ thu hút nhiều đối tượng người xem nhất, trong đó có những khán giả trẻ tuổi, nhận thức còn chưa rõ ràng, dễ bị tác động bởi những yếu tố tiêu cực.

"Những người làm truyền hình cần nghiêm túc xem xét khung giờ phát sóng, không nên chỉ chạy theo việc có nhiều người xem, thu được nhiều lợi nhuận từ quảng cáo. Những bộ phim có yếu tố bạo lực, khai thác các yếu tố nhạy cảm nên được chiếu ở khung giờ phù hợp để đảm bảo đối tượng xem phim là những người đã trưởng thành, có đủ nhận thức để phân biệt đúng sai, tránh việc những trẻ em, những người trẻ tuổi xem và bị ảnh hưởng" - Biên kịch Chu Thơm nói.

Hoàng Anh

Nguồn VTC: https://vtc.vn/phim-hinh-su-co-lam-tang-toi-pham-bang-nhom-xa-hoi-den-ar636642.html