Phim hoạt hình - mảnh đất màu mỡ

Đến nay, hoạt hình Việt Nam mới có phim 'Wolfoo và hòn đảo kỳ bí' ra rạp năm 2023.

Tác phẩm này chỉ thu được hơn 5 tỉ đồng, không đủ để nhà đầu tư chú ý, yên tâm bỏ vốn vào phim hoạt hình

"Na Tra 2: Ma đồng náo hải" do Sủi Cảo đạo diễn, ra rạp Trung Quốc dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, đến ngày 19-2 đã thu về hơn 12,3 tỉ nhân dân tệ (hơn 1,68 tỉ USD). Phim này đã vượt qua "Inside Out 2" (thu 1,46 tỉ USD toàn cầu), trở thành phim hoạt hình có doanh thu cao nhất thế giới tính đến nay.

Hollywood phải ngỡ ngàng

"Na Tra 2: Ma đồng náo hải" là một tác phẩm ấn tượng của hoạt hình Trung Quốc khi vượt qua hàng loạt phim hoạt hình Hollywood - điều mà trước đây ít ai nghĩ sẽ xảy ra. Bởi lẽ, Hollywood có nhiều hãng phim hoạt hình lớn, sở hữu những thương hiệu nổi tiếng, được khán giả nhiều nước yêu thích.

Phim “Na Tra 2: Ma đồng náo hải” .Ảnh: TÂN HOA XÃ

Phim “Na Tra 2: Ma đồng náo hải” .Ảnh: TÂN HOA XÃ

Trước "Na Tra 2: Ma đồng náo hải", hoạt hình Trung Quốc đã xây dựng thành công thương hiệu "Kung Fu Panda" với nhân vật và bối cảnh tại đất nước này. "Kung Fu Panda" ra mắt năm 2008 và thắng lớn doanh thu trên toàn cầu. Đến năm 2015, phim "Tây du ký: Đại thánh trở về" (Monkey King: Hero is back) ra rạp với doanh thu 153 triệu USD.

Thế nhưng, đây cũng chỉ là những tia sáng lẻ loi lóe lên bởi những phim được kỳ vọng tiếp theo đều không tạo được dấu ấn. Khán giả Trung Quốc phải chờ đợi đến năm 2019 mới được thưởng thức "Na Tra: Ma đồng giáng thế", tác phẩm gặt hái doanh thu đến 742,5 triệu USD. Đến năm 2025, "Na tra 2: Ma đồng náo hải" đưa hoạt hình Trung Quốc lên tầm cao mới về doanh thu, khiến kinh đô điện ảnh Hollywood phải ngỡ ngàng.

Đáng chú ý, "Na Tra 2: Ma đồng náo hải" gặt hái doanh thu cao với 99% từ thị trường nội địa, mở ra kỳ vọng lớn cho giới làm phim hoạt hình của nước này. Doanh thu sẽ tiếp tục tăng khi tác phẩm này đang trụ rạp trong nước và chiếu nhiều hơn ở thị trường quốc tế.

Ngoài phần kỹ xảo được đầu tư chi tiết, hai phần phim về Na Tra có câu chuyện được kể hấp dẫn, sáng tạo, truyền tải thông điệp nhân văn. Trong đó, phần 1 kể câu chuyện truyền kỳ của Na Tra - một cậu bé đã đứng lên chống lại số phận bị áp đặt và những định kiến khi con người không chịu chung sống hòa bình với những người bị coi là dị biệt. Phần 2, phim tiếp tục câu chuyện về Na Tra lần lượt xô đổ các quy tắc và định kiến, khẳng định thiện hay ác không liên quan chủng tộc. Phim cũng nêu lên những vấn đề thời đại khác.

Tiềm năng lớn, chất liệu nhiều

Thành công của 2 phần phim về Na Tra nói riêng, sự bứt phá của phim hoạt hình Trung Quốc nó chung, cho thấy phim hoạt hình có vị thế không hề nhỏ trong điện ảnh thế giới. Tại Việt Nam, nhiều khán giả cũng rất yêu thích hoạt hình nhưng lâu nay chỉ có thể thưởng thức phim của nước ngoài như Hollywood, Nhật Bản…

Tại hội thảo "Đầu tư và thương mại hóa hoạt hình" - thuộc khuôn khổ chuỗi sự kiện Liên hoan Phim Hoạt hình lần thứ I "Dòng khát vọng" năm 2024, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc nội dung CJ CGV Việt Nam, tiếc rẻ: "Hollywood xem Việt Nam là đất nước của hoạt hình, bởi tất cả phim Hollywood và châu Âu khi phát hành tại nước ta đều đạt doanh thu rất tốt. Thị trường được Hollywood công nhận như vậy mà mình lại đang đánh mất cơ hội trên sân nhà".

Tiềm năng lớn, chất liệu cũng không thiếu bởi Việt Nam có kho tàng cổ tích dân gian, thần thoại, lịch sử… với nhiều nhân vật đủ sức tạo đựng nên câu chuyện hoạt hình ấn tượng. Việt Nam cũng có đội ngũ nhân lực trẻ, giỏi nghề, trình độ kỹ thuật về phim hoạt hình không thua kém nước ngoài. Không ít công ty sản xuất còn nhận gia công cho những dự án lớn của Hollywood.

Tiếc rằng đến nay, hoạt hình Việt Nam mới có phim đầu tiên "Wolfoo và hòn đảo kỳ bí" ra rạp năm 2023. Tác phẩm này thu được hơn 5 tỉ đồng, không đủ sức tạo chú ý với nhà đầu tư để họ an lòng bỏ vốn vào phim hoạt hình.

Lý giải về điều này, nhiều ý kiến cho rằng phim hoạt hình Việt Nam còn hạn chế về nhiều mặt, như thiếu kinh phí đầu tư, kịch bản không sáng tạo, thiếu sự liên kết giữa các nhà sản xuất. Nhiều người trong cuộc cho rằng phim hoạt hình thương mại Việt Nam vẫn mới ở giai đoạn đầu, cần thêm thời gian để có được những "Na Tra", "Tây du ký"… như Trung Quốc.

Tại buổi ra mắt "Hiệp hội Kỹ xảo điện ảnh và Hoạt hình Việt Nam" (VAVA) mới đây, ông Đoàn Trần Anh Tuấn - Giám đốc Colory Animation Studio, Phó Chủ tịch VAVA - cho rằng thành công của phim về Na Tra là quả ngọt hái được sau rất nhiều năm gieo trồng. Hoạt hình là một phần của điện ảnh, trong khi điện ảnh Trung Quốc phát triển mạnh, có nhiều hệ sinh thái và nhân tài.

"Việt Nam có kỹ năng làm phim hoạt hình nhưng thiếu sự gieo trồng. Các công ty sản xuất chủ yếu phát triển theo hướng riêng lẻ cá nhân, không có nhiều nguồn đầu tư. Muốn có sự đột phá thì cần liên kết, phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các đơn vị. Phải gieo trồng thì mới gặt hái được quả ngọt" - ông Tuấn ví von.

Cả 2 phim về Na Tra đều phải mất đến 5 năm để sản xuất. Trong đó, "Na Tra 2: Ma đồng náo hải" có chi phí lên đến 600 triệu nhân dân tệ, quy tụ hơn 4.000 người tham gia. Nhà sản xuất Lưu Văn Chương cho biết số lượng nhân vật trong phim này gấp 3 lần phần trước. Phim có hơn 2.400 cảnh quay, bao gồm hơn 1.900 cảnh quay có hiệu ứng đặc biệt. Với những tác phẩm hoạt hình hoành tráng, đòi hỏi nhân lực, vật lực lớn như thế thì chỉ có sự đoàn kết mới tạo được sức mạnh tổng thể, mang đến sản phẩm ấn tượng.

Theo các nhà chuyên môn, hoạt hình Việt Nam đang ở giai đoạn đầu. Việc thành lập VAVA được kỳ vọng tạo ra diễn đàn kết nối, chia sẻ, thúc đẩy sự hợp tác giữa các chuyên gia trong nước và quốc tế; bảo vệ quyền lợi các studio và cá nhân trong ngành, hỗ trợ giải quyết các vấn đề liên quan bản quyền, hợp đồng và tiêu chuẩn chất lượng… Tất cả đều mong rằng đây sẽ là bước đệm, tạo động lực, sức mạnh và niềm tin để phim hoạt hình Việt Nam phát triển hơn trong tương lai.

Bốn dự án phim hoạt hình Việt Nam dự kiến ra rạp trong năm 2025-2026 gồm: "Chiến binh gốm - Blank Blank", "Wolfoo và cuộc đua Tam giới" (hoạt hình 2D), "Zombie mắt lác" (hoạt hình 3D) và "Trạng Quỳnh nhí: Truyền thuyết Kim Ngưu" (hoạt hình 3D).

Để làm một phim hoạt hình 3D hoành tráng tại Việt Nam, kinh phí hiện dao động khoảng 3-4 triệu USD (hơn 100 tỉ đồng). Số tiền này rất khó kêu gọi đầu tư ở thời điểm hiện nay, khi Việt Nam chưa có phim hoạt hình nào thành công về doanh thu.

MINH KHUÊ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/phim-hoat-hinh-manh-dat-mau-mo-196250220203219065.htm