Phim khoa học viễn tưởng đầu tiên của điện ảnh Việt: Sản xuất hoàn toàn bằng AI trên… điện thoại

Tính đến thời điểm này, 'Chạm' của đạo diễn Phạm Vĩnh Khương là bộ phim được tạo ra hoàn toàn dựa vào trí tuệ nhân tạo (AI) với tổng thời gian sản xuất lên đến 3.000 giờ. Đây được cho là một cuộc cách mạng trong cách làm phim ở Việt Nam.

Một cuộc cách mạng công nghệ

Lý do khiến “Chạm” (Touch) của Phạm Vĩnh Khương được chú ý trong thời gian qua là bởi toàn bộ quá trình sản xuất bộ phim, từ khâu lên ý tưởng ban đầu cho đến những thước phim cuối cùng, đều được thực hiện hoàn toàn bằng AI. Đây là một bước đột phá chưa từng có tiền lệ trong lịch sử điện ảnh Việt.

Khâu lên ý tưởng, vốn thường được coi là một quá trình sáng tạo mang đậm tính cá nhân của nhà làm phim, nay đã được AI hỗ trợ một cách đáng kể. Các thuật toán AI có thể phân tích hàng triệu dữ liệu, từ các bộ phim hiện có, xu hướng thị trường, đến cả tâm lý khán giả để đưa ra những gợi ý sáng tạo độc đáo.

Sau khi có ý tưởng ban đầu, AI tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc thiết kế hình ảnh, tạo ra những khung cảnh sống động và chân thực. Từ việc thiết kế nhân vật, xây dựng bối cảnh cho đến việc tạo ra các hiệu ứng đặc biệt phức tạp, AI đều có thể “cân” tất.

Điều kinh ngạc thứ hai khán giả dành cho “Chạm” là toàn bộ quá trình sản xuất phim đều được thực hiện trên thiết bị di động. Việc sử dụng điện thoại thông minh để tạo ra một bộ phim hoàn chỉnh là một ý tưởng táo bạo, phá vỡ mọi giới hạn về không gian và thời gian của quá trình sản xuất phim truyền thống.

Cách làm này chứng minh rằng bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu, đều có thể trở thành một nhà làm phim.

Nhờ sự trợ giúp của AI, đạo diễn Phạm Vĩnh Khương có thể làm một bộ phim hoàn chỉnh chỉ với điện thoại thông minh

Nhờ sự trợ giúp của AI, đạo diễn Phạm Vĩnh Khương có thể làm một bộ phim hoàn chỉnh chỉ với điện thoại thông minh

Lấy bối cảnh một thế giới đang bên bờ vực tận thế, nơi sự sống đang dần lụi tàn, “Chạm” đưa khán giả vào một hành trình đầy cam go. Những nhân vật, từng bị cuốn theo vòng xoáy của tham vọng và danh vọng, giờ đây phải đối mặt với sự sụp đổ của tất cả những gì họ từng cho là quan trọng.

Khi thế giới bên ngoài đầy rẫy hiểm nguy, họ nhận ra rằng giá trị đích thực của cuộc sống nằm ở những mối quan hệ bền chặt và tình yêu thương, giữa sự bất định, tình yêu và mối quan hệ giữa các cá nhân nổi lên như những điểm neo kiên cường nhất.

Được sản xuất trên cơ sở phi lợi nhuận, Phạm Vĩnh Khương nói rằng, “Chạm” mong muốn đóng góp tiếng nói có ý nghĩa cho các kết nối cộng đồng. Đạo diễn coi bộ phim vừa là một thử nghiệm vừa là một thử thách cá nhân, nỗ lực tạo ra trải nghiệm điện ảnh mạnh mẽ với nguồn lực tối thiểu.

Ai cũng có thể nhờ AI làm phim

Cảnh trong phim “Chạm”

Cảnh trong phim “Chạm”

Phạm Vĩnh Khương được biết đến là “ông trùm làm phim bằng điện thoại” ở Việt Nam. Trước đó, năm 2023, trong “Liên hoan phim trí tuệ nhân tạo” (AIFF) do Runway AI - một công ty Mỹ chuyên nghiên cứu và sản xuất nền tảng AI - tổ chức, “Hay là chúng ta cứ như vậy một vạn năm” của Khương đã nhận được nhiều lời khen ngợi của ban tổ chức.

Bộ phim ngắn do anh thực hiện bằng AI trên điện thoại thuộc thể loại “siêu tưởng”, kết hợp giữa trường phái trừu tượng, chất chứa nhiều ẩn dụ. Những nhân vật kỳ ảo gửi gắm sự quan ngại của loài người đối với sự phát triển vượt bậc của công nghệ tương lai, đặt ra câu hỏi “tại sao chúng ta nỗ lực chạy đua công nghệ, song lại ngờ vực tương lai phải đối đầu với nó”.

Mới đây, đạo diễn trẻ này tiếp tục trình làng bộ phim “Bức tranh Đại Việt” dài hơn năm phút. Bộ phim là một lời ca ngợi vẻ đẹp và lịch sử của Việt Nam, được thực hiện hoàn toàn bằng AI trên điện thoại di động. Giới chuyên môn dự đoán nếu dùng máy quay và cách sản xuất như truyền thống, “Bức tranh Đại Việt” phải ngốn ít nhất ba tỷ đồng.

Song, nhờ AI, chi phí sản xuất phim chỉ gói gọn trong 3 triệu đồng. Với kinh nghiệm thực tế, Phạm Vĩnh Khương cho rằng, công nghệ AI mở ra giải pháp cho các nhà làm phim mới chập chững dấn thân vào điện ảnh, chưa có khả năng tiếp cận và thuyết phục các nhà đầu tư lớn rót vốn.

Mặc dù có nhiều ưu điểm, song chính Phạm Vĩnh Khương cũng thừa nhận: việc sử dụng AI trong làm phim cũng đặt ra một số thách thức. Ví dụ, việc tìm kiếm và xử lý dữ liệu để huấn luyện AI là một công việc đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Ngoài ra, việc tạo ra những câu chuyện có chiều sâu và ý nghĩa bằng AI cũng là một bài toán khó.

Để giải quyết những thách thức này, Phạm Vĩnh Khương đã có sáng kiến thu thập một lượng lớn hình ảnh về Việt Nam, từ những bức ảnh lịch sử đến những bức ảnh đời thường, để làm giàu cho kho dữ liệu của AI. Đồng thời, anh cũng kết hợp các công cụ AI khác nhau để tạo ra những hiệu ứng đặc biệt và những cảnh quay ấn tượng.

[ HẠ ĐAN ]

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/phim-khoa-hoc-vien-tuong-dau-tien-cua-dien-anh-viet-san-xuat-hoan-toan-bang-ai-tren-dien-thoai-post1664622.tpo