Phim kinh dị trước khi hay phải đúng
Thành công của Kẻ ăn hồn và Quỷ cẩu có thể chỉ là những bước khởi đầu nhưng rõ ràng đã mang đến sinh khí mới cho phim kinh dị Việt. Và quan trọng hơn, nó giúp củng cố niềm tin cho các nhà làm phim, để họ kiên định với lựa chọn của mình.
“Quả ngọt”
Tính đến sáng 15-1, theo Box office Vietnam, Quỷ cẩu (đạo diễn Lưu Thành Luân) đã vượt mốc doanh thu 80 tỷ đồng tại phòng vé. Đây là tuần thứ 3 liên tiếp bộ phim dẫn đầu phòng vé. Đáng chú ý hơn, doanh thu cuối tuần thứ 3 vừa rồi của phim (từ ngày 12 đến 14-1) còn vượt tuần trước đó dù ít hơn về số lượng suất chiếu. Bộ phim đạt hơn 11,2 tỷ đồng với 3.892 suất chiếu so với 10,4 tỷ đồng cùng 4.270 suất chiếu của cuối tuần liền kề (từ ngày 5 đến 7-1). Đây cũng được xem là cú ngược dòng ấn tượng với một phim Việt dù đã có mặt ở phòng vé đến tuần thứ 4. Trước đó, khi phim vượt mốc 67 tỷ đồng, phía nhà sản xuất đã công bố Quỷ cẩu trở thành phim kinh dị Việt thuần có doanh thu cao nhất mọi thời đại.
Khởi chiếu trước phim Quỷ cẩu, Kẻ ăn hồn (đạo diễn Trần Hữu Tấn) cũng có một tuần đứng đầu doanh thu phòng vé và hiện cũng đạt doanh thu gần 67 tỷ đồng. Đây cũng được xem là thành công ấn tượng với bộ đôi nhà sản xuất Hoàng Quân và đạo diễn Trần Hữu Tấn - những người khá bền bỉ theo dòng phim kinh dị thuần Việt.
Trước đó, dự án kinh dị nhưng được thực hiện theo dạng series phát trên K+ - Tết ở làng Địa Ngục cũng đã thu về thành công vang dội khi luôn thống lĩnh vị trí tốp 1 lượt xem trên K+ và một nền tảng quốc tế khác trong 6 tuần phát sóng. Chỉ riêng trên TikTok, các nội dung liên quan đến bộ phim vượt mốc 1,1 tỷ lượt xem. Phim cũng được vinh danh “Hiện tượng phim ảnh” tại giải thưởng Ngôi sao của năm 2023.
Sau thành công của các phim nói trên, đạo diễn Trần Hữu Tấn hé lộ sẽ tiếp tục với dòng phim kinh dị và tác phẩm tiếp theo có tên Con Cám, lấy cảm hứng từ truyện cổ tích Tấm Cám. Đạo diễn Võ Thanh Hòa, nhà sản xuất của Quỷ cẩu, cũng chia sẻ: “Đây chính là dự án mở đường cho chuỗi dự án điện ảnh với chủ đề kinh dị. Đồng thời cũng là kế hoạch chúng tôi đã ấp ủ được 3 năm qua và hy vọng có thể đưa đến khán giả, để có thể phần nào mang được văn hóa của người Việt mình đi xa hơn”.
Tạo lối đi riêng
Điểm chung trong thành công của 3 phim kinh dị nói trên là tính bản địa với những câu chuyện mang màu sắc tâm linh gần gũi. “Tất cả những hiện tượng tâm linh trong Quỷ cẩu như “Chó đội nón mê” được ê kíp chúng tôi đọc và nghiên cứu rất nhiều để chọn lọc và mô phỏng theo. Hầu hết chúng đều đến từ các câu chuyện dân gian truyền miệng và được chúng tôi thêm thắt một số “gia vị” để tăng sự hấp dẫn nhằm thu hút người xem”, đạo diễn Lưu Thành Luân chia sẻ.
Hay như hình tượng đã rất quen thuộc với khán giả Việt - “Đám cưới chuột” cũng đã được “kinh dị hóa” trong Kẻ ăn hồn khá thuyết phục, tạo sự gần gũi cho khán giả. Ngoài ra, nếu để ý kỹ trong phim, ê kíp còn sử dụng một bài vè ám ảnh đến rợn người. Vè vốn là một thể loại văn học dân gian Việt Nam được sáng tác bằng văn vần, sử dụng nhiều hình thức khác nhau: câu bốn chữ, năm chữ, lục bát, hát giặm, nói lối. Yếu tố thuần Việt trong phim cũng được thể hiện thông qua: bối cảnh, phục trang, nhà cửa…
Trên thực tế, không phải đến thành công của 3 tác phẩm kể trên, các nhà làm phim mới nhận ra sức nặng của các yếu tố dân gian trong phim kinh dị Việt. Năm 2012, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên từng lôi cuốn khán giả bởi những phong tục và truyền thuyết kỳ lạ liên quan đến cây ngải của người dân tộc Sắng La với Lời nguyền huyết ngải. Hay chính đạo diễn Trần Hữu Tấn trong tác phẩm đầu tay Bắc kim thang cũng gây ấn tượng mạnh với hình tượng con bù nhìn và những yếu tố kinh dị xung quanh bài đồng dao cùng tên.
Ngay cả với thể loại phim ngắn, trong Người hộ tang đạo diễn trẻ Đỗ Quốc Trung cũng khá thành công khi khai thác những yếu tố văn hóa tâm linh Việt. Tuy nhiên, cả nhà sản xuất Hoàng Quân cũng như đạo diễn Trần Hữu Tấn đều nhìn nhận, để đưa những yếu tố dân gian lên màn ảnh phải có sự thẩm thấu nhất định, “trước khi hay phải đúng”. Bên cạnh đó, để một phim kinh dị thành công còn là sự tổng hòa của kịch bản, diễn xuất, phục trang, bối cảnh, hóa trang…
Thành công của các phim kinh dị gần đây cũng ghi nhận sự nới lỏng về thẩm định, phân loại. Khi thông báo hoãn phát hành vì chưa được cấp phép, không ít ý kiến lo ngại Kẻ ăn hồn sẽ không giữ được sự toàn vẹn, nhưng cuối cùng bộ phim vẫn ra rạp tương đối tròn trịa. Quỷ cẩu cũng giữ được trọn vẹn nội dung sau kiểm duyệt. Với rất nhiều chất liệu văn hóa Việt sẵn có, điều quan trọng tiếp theo là các nhà làm phim sẽ lựa chọn và khai thác như thế nào nhằm thuyết phục khán giả - những người luôn đứng về phía các tác phẩm chất lượng, chỉn chu và hợp thị hiếu.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/phim-kinh-di-truoc-khi-hay-phai-dung-post723226.html