Phim 'ngã ngựa' sớm ngoài rạp - Những bài học quý giá

Hai năm trở lại đây, các rạp chiếu ghi dấu ấn sự trở lại mạnh mẽ của phim Việt, với hàng loạt phim được đầu tư phong phú đa dạng về đề tài, cách thể hiện. Một số phim đạt kỷ lục doanh thu nhưng không phải phim nào cũng có may mắn như vậy khi nhiều phim phải rời rạp chiếu sớm hơn dự định với doanh thu không như mong đợi.

"Sáng đèn", bộ phim thất bại ngoài rạp chiếu một cách rất đáng tiếc.

"Sáng đèn", bộ phim thất bại ngoài rạp chiếu một cách rất đáng tiếc.

Nếu như trước đây, phim Việt ra rạp chủ yếu là vào dịp Tết và phải chịu sự lép vế của phim nhập khẩu, đặc biệt là bom tấn Hollywood thì thời gian gần đây phim Việt đã công chiếu ngoài rạp gần như tất cả các mùa trong năm, ở nhiều thời điểm. Thậm chí, có những phim không còn ngần ngại “tránh né” bom tấn, tự tin cạnh tranh với phim ngoại.

Phim Việt ngoài những gương mặt làm phim quen thuộc, những năm gần đây còn có sự tham gia của nhiều lứa đạo diễn trẻ, dám nghĩ dám làm, dám đưa những cách thử nghiệm mới lên màn ảnh rộng, vừa thử sức mình, cũng là thử sức hấp dẫn đối với khán giả. Tuy nhiên, không phải ai cũng thành công, vượt qua được “ải” phim ngoại, thậm chí là phim trong nước. Thực tế cho thấy, nhiều bộ phim đã “ngã ngựa”, hoặc phải sớm rời rạp chiếu vì không bán được vé, hoặc thu không đủ bù số kinh phí bỏ ra để sản xuất.

Có thể kể đến những phim doanh thu không đủ chi phí sản xuất, phải rút khỏi rạp chiếu sớm như “Trà”, “Quý cô thừa kế 2”, “Đóa hoa mong manh”, “B4S: Trước giờ yêu”, “Sáng đèn”… và gần đây là “Cái giá của hạnh phúc” và “Án mạng lầu 4”.

“Trà” và “Sáng đèn” là hai trường hợp dự định ra mắt trong dịp Tết nhưng phải lùi lại để “tránh” cạnh tranh với những phim có sức hút lớn như “Mai” của Trấn Thành hay “Gặp lại chị bầu” của đạo diễn Nhất Trung. “Trà” đánh dấu sự trở lại của đạo diễn kỳ cựu Lê Hoàng nhưng cách lựa chọn đề tài cũng như cách thể hiện không phù hợp, khiến bộ phim ít được đón nhận ngoài rạp. “Trà” thu về vỏn vẹn hơn 1,6 tỷ đồng sau vài ngày chiếu, phải rút lui sớm khỏi rạp chiếu.

Ê-kíp diễn viên phim "Sáng đèn". (Ảnh: Fanpage phim)

Ê-kíp diễn viên phim "Sáng đèn". (Ảnh: Fanpage phim)

“Sáng đèn” là trường hợp vô cùng đáng tiếc. Lựa chọn nghệ thuật truyền thống làm đề tài, phim được xây dựng chỉn chu, kỹ càng, với sự thể hiện rất tốt của dàn diễn viên. Phim có câu chuyện cảm động, đậm tính nhân văn, pha trộn nhiều yếu tố văn hóa bản địa đặc trưng của vùng đất Tây Nam Bộ. Phim kể câu chuyện các thành viên trong một gánh cải lương điển hình phải vật lộn để tồn tại trong thời buổi cạnh tranh.

“Sáng đèn” mang hơi hướng của “Song Lang”, khi cùng lựa chọn đề tài về nghệ thuật truyền thống, và cùng ít thu hút được sự chú ý của khán giả. Phim không tạo được hiệu ứng truyền thông, ít được quảng bá, do đó chỉ thu về hơn 3,4 tỷ đồng (theo thống kê của trang Box Office Việt Nam).

Cảnh trong phim "Quý cô thừa kế 2".

Cảnh trong phim "Quý cô thừa kế 2".

“Quý cô thừa kế 2” được đạo diễn Hoàng Duy thực hiện với mong muốn kế thừa thành công của “Quý cô thừa kế” năm 2018. Phim có sự tham gia của nhiều diễn viên ăn khách hiện nay như Quyên Qui, Song Luân, Liên Bỉnh Phát, Ngân Khánh, vợ chồng diễn viên Hứa Minh Đạt và Lâm Vỹ Dạ, đặc biệt là có sự trở lại của Trang Nhung sau 10 năm vắng bóng trên màn ảnh.

“Quý cô thừa kế 2” cũng sớm rời rạp chiếu chỉ sau chưa đầy 1 tháng trụ rạp. Doanh thu của phim, theo Box Office Việt Nam, chỉ vỏn vẹn hơn 6,4 tỷ đồng. Lý do bộ phim không thu hút được sự chú ý của khán giả, là do kịch bản có sự thiếu hợp lý, lại ôm đồm, lạm dụng yếu tố giật gân.

“Cái giá của hạnh phúc” là bộ phim ghi dấu ấn lần đầu tiên siêu mẫu Xuân Lan bước vào lĩnh vực sản xuất điện ảnh. Phim có sự tham gia của cái tên từng là “bảo chứng phòng vé” Thái Hòa, cũng với chính Xuân Lan trong vai trò diễn viên.

Phim được đánh giá là một trong số ít phim được làm tốt, có chất lượng trên thị trường điện ảnh. Tuy nhiên, phim cũng không tạo được hiệu ứng truyền thông, không thu hút khán giả ngoài rạp, cho nên cũng phải rời rạp chiếu sớm, với doanh thu khoảng gần 27 tỷ đồng. Lý do là khâu quảng bá còn yếu và gặp phải sự cạnh tranh của nhiều phim mạnh khác, trong đó có “Lật mặt 7: Một điều ước”. Đây là điều khá đáng tiếc đối với một phim được đánh giá là tương đối ổn như “Cái giá của hạnh phúc”.

Mai Thu Huyền trong "Đóa hoa mong manh".

Mai Thu Huyền trong "Đóa hoa mong manh".

Cũng rời rạp chiếu sớm là “Đóa hoa mong manh” của Mai Thu Huyền. Phim được kỳ vọng khá cao khi thu hút nhiều gương mặt quen thuộc nhưng lâu rồi mới trở lại màn ảnh như Maya, cố người mẫu Đức Tiến, Mai Thu Huyền, Quốc Cường, danh ca Nhật Hạ, Trizzie Phương Trinh… Theo đạo diễn Mai Thu Huyền, phim được làm khá kỳ công khi được quay hầu hết ở một số thành phố lớn của Mỹ.

Phim cũng từng được công chiếu, quảng bá rộng rãi tại nhiều nước như Mỹ, Pháp, Ấn Độ… Đạo diễn Mai Thu Huyền cho biết, “Đóa hoa mong manh” cũng đem về một số giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế.

Phim "Đóa hoa mong manh" được đầu tư bối cảnh rất công phu.

Phim "Đóa hoa mong manh" được đầu tư bối cảnh rất công phu.

Tuy nhiên, khi ra rạp ở Việt Nam, “Đóa hoa mong manh” không đem lại kết quả như mong đợi. Phim thu về vỏn vẹn gần 431 triệu đồng, được coi là phim Việt lỗ nặng nhất nửa đầu năm 2024 (theo thống kê từ Box Office Việt Nam) và phải rời rạp chiếu sớm. Đạo diễn Mai Thu Huyền cũng vướng lùm xùm khi chia sẻ về việc bị chèn ép suất chiếu.

Mới đây nhất, “Án mạng lầu 4”, có sự trở lại của ca sĩ Lương Bích Hữu trong vai trò diễn viên và sự tham gia của Trương Thế Vinh. Phim được xây dựng lại từ kịch bản phim “Melbourn” của điện ảnh Iran, thuộc thể loại kịch tính, căng thẳng. Phim được quảng bá khá mạnh nhưng lại không được khán giả yêu thích vì sự chưa tới cả về nội dung, kịch bản và diễn xuất. Nhiều khán giả nhận xét, phim còn nhiều chỗ chưa hợp lý, được Việt hóa chưa phù hợp.

“Án mạng lầu 4” rời rạp sau hơn 3 tuần công chiếu với doanh thu chỉ gần 2 tỷ đồng.

"Mai", bộ phim có doanh thu cao nhất từ trước đến nay ở thị trường trong nước của Trấn Thành.

"Mai", bộ phim có doanh thu cao nhất từ trước đến nay ở thị trường trong nước của Trấn Thành.

Thị trường phim Việt những năm gần đây sôi động hơn và có những cái tên gần như bảo đảm doanh thu, cứ ra phim là chắc thắng như Trấn Thành, Lý Hải, Victor Vũ… Tiến sĩ, nhà phê bình điện ảnh, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương Ngô Phương Lan cho biết, những năm gần đây, điện ảnh trong nước đã có sự phát triển mạnh mẽ. Số lượng phim nội trong năm 2023 đã chiếm tới 40%, trong khi năm 2022 mới chỉ là 30%. Tiến sĩ Ngô Phương Lan cũng đánh giá, doanh thu phim Việt được đẩy lên nhanh một phần nhờ các phim của Trấn Thành.

Phim trong nước được chú ý hơn, đó là dấu hiệu đáng mừng. Nhưng thị trường điện ảnh lại chính là phép thử vô cùng khắc nghiệt cho các phim nội, vốn xưa nay vẫn đang loay hoay giải bài toán khó về nhu cầu của khán giả. Như Cục trưởng Điện ảnh Vi Kiến Thành từng chia sẻ, hiện nay bài toán khó nhất là cái gì đang thu hút khán giả đến rạp chiếu. Đây là thách đố đối với cả ngành điện ảnh và sản xuất phim, chưa có lời giải. “Không ai tiên đoán được một bộ phim ra rạp có thu hút khán giả hay không”, ông Vi Kiến Thành nhấn mạnh.

Chính vì thế, những bộ phim “ngã ngựa” sớm cũng chính là những bài học vô cùng giá trị đối với các nhà làm phim nói chung, từ việc lựa chọn đề tài, cách thể hiện, sự đầu tư cho sản phẩm của mình… cho đến cả việc lựa chọn cách quảng bá, thời điểm ra rạp,...

Khán giả thì vẫn mong chờ sẽ ngày càng có nhiều phim Việt thật chất lượng, cạnh tranh sòng phẳng với phim ngoại ngoài rạp. Bởi vì một nền điện ảnh mạnh không chỉ trông chờ vào những bộ phim đi thi quốc tế và giành giải, mà còn phải đến từ sức cạnh tranh ngay trên sân nhà, ở những bộ phim lâu nay vẫn được gọi chung là thương mại, giải trí.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/phim-nga-ngua-som-ngoai-rap-nhung-bai-hoc-quy-gia-post814347.html