Phim nhà nước đặt hàng: Xót tiền!
Trở lại sau thời gian dài tạm ngưng, các phim nhà nước đặt hàng, liên kết sản xuất bằng ngân sách vẫn chưa đạt được chất lượng mong muốn
Trong văn bản góp ý về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đề nghị cơ quan soạn thảo bãi bỏ các quy định về đặt hàng phim sử dụng ngân sách nhà nước. Theo VCCI, việc đặt hàng phim sử dụng ngân sách nhà nước trong thời gian qua lãng phí mà chưa đem lại hiệu quả như mong muốn. Thực tế, qua 4 phim sản xuất bằng vốn tài trợ, đặt hàng của nhà nước trình làng trong Liên hoan Phim (LHP) Việt Nam lần thứ 21 vừa qua đã chứng minh điều mà VCCI đề cập.
Phim chưa đủ sức thuyết phục
Sau phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" của đạo diễn Victor Vũ, làm bằng hình thức nhà nước góp vốn với tư nhân sản xuất, điện ảnh Việt không còn phim nhà nước tài trợ, đặt hàng một thời gian dài. Nhưng đến năm 2018-2019, dòng phim này xuất hiện trở lại với 4 tác phẩm được sản xuất: "Truyền thuyết về Quán Tiên", "Thạch Thảo", "Nơi ta không thuộc về" và "Hợp đồng bán mình". Về mặt chất lượng, cả 4 phim đều chưa đủ thuyết phục người xem, điểm trừ nhiều dù tâm huyết và nỗ lực của phía nhà sản xuất được ghi nhận.
Phim "Truyền thuyết về Quán Tiên" do Đinh Tuấn Vũ đạo diễn, đồng giải Bông sen bạc tại LHP Việt Nam lần thứ 21, được xem khá nhất so với các phim đặt hàng, tài trợ còn lại. Tuy nhiên, tác phẩm điện ảnh được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của cố nhà văn Xuân Thiều này bị chê lê thê, lời thoại văn học, kỹ xảo quá tệ. "Phim thể hiện được tâm huyết bằng sự tỉ mỉ trong bối cảnh, âm nhạc, góc quay. Điểm lạ được đưa vào phim là con vượn lớn dành sự quan tâm đặc biệt cho nhân vật Mùi - trưởng nhóm 3 cô dân quân quản lý Quán Tiên. Tuy nhiên, vì tập trung nhiều vào con vượn khiến sự ác liệt của chiến tranh bị giảm nhẹ. Sống trong rừng sâu thời gian dài, sự cô đơn, khát khao thường khiến tình yêu các cô gái này mãnh liệt hơn nhưng phim chưa làm tốt điều này. Một số chi tiết đã từng xuất hiện trong các tác phẩm cũ: "Rừng lạnh", "Người đàn bà mộng du" được lặp lại trong "Truyền thuyết về Quán Tiên". Nhìn chung, phim chưa tạo được xúc cảm chạm đến trái tim người xem" - nhà báo Cát Vũ nhận xét.
Cũng hoàn thành trong năm 2019, chờ cơ hội ra rạp sau LHP Việt Nam lần thứ 21, phim "Hợp đồng bán mình" của đạo diễn Trần Ngọc Phong cố gắng thể hiện khác đi để phù hợp thị hiếu khán giả hiện nay nhưng khó lòng cạnh tranh các phim ra rạp hiện nay. "Phim xem được ở góc độ giải trí, kịch bản còn nhiều lỗ hổng. Diễn viên vào vai nữ chính không phù hợp với nhân vật được miêu tả, diễn xuất cũng không đạt, chỉ hợp vai phản diện hơn là các cô gái ngây thơ, thánh thiện. Vì nữ chính diễn không đạt nên làm mất đi thông điệp chính của phim" - nhà phê bình Ngô Ngọc Ngũ Long nhận xét.
Phim "Thạch Thảo" đã ra rạp nhưng không để lại ấn tượng gì với doanh thu thấp, còn "Nơi ta không thuộc về" (do Điện ảnh Quân đội sản xuất) chỉ chiếu tuyên truyền, phục vụ trong quân đội.
Không "chọn mặt gửi vàng"?
Không có khả năng doanh thu như phim giải trí nhưng chất lượng nghệ thuật của phim do nhà nước tài trợ, đặt hàng cũng không hơn phim do tư nhân sản xuất là điều mà cả người trong và ngoài giới đều bức xúc. Giải Bông sen vàng LHP Việt Nam trao cho phim "Song lang" do Ngô Thanh Vân đầu tư vốn sản xuất mà không phải là những bộ phim do nhà nước tài trợ, đặt hàng đã chứng minh chất lượng chuyên môn, giá trị nghệ thuật trong những phim nhà nước tài trợ, đặt hàng có vấn đề.
Một thắc mắc không chỉ người trong giới mà khán giả cũng chưa lý giải được là vì sao phim nhà nước đặt hàng lại không có những đạo diễn tên tuổi như Charlie Nguyễn, Victor Vũ, Phan Gia Nhật Linh..., nhà sản xuất nổi tiếng của thị trường tham gia. Có cảm giác cơ quan quản lý vẫn chưa thoát khỏi tư duy tiền nhà nước bỏ ra là phải do các hãng phim của nhà nước sản xuất, một hình thức trợ cấp vốn chứ không phải muốn tạo ra những bộ phim thực sự có giá trị về nghệ thuật.
"Tôi mong nhà nước đặt hàng nhiều hơn cho điện ảnh nhưng phải có sự chọn lựa thận trọng, phải kiểm soát được đồng tiền và phải có sự giám sát chất lượng tác phẩm. Có những phim nhà nước đặt hàng nhưng phía đơn vị được giao thực hiện cắt xén 30%, thậm chí 40% kinh phí của phim với lý do trả tiền này, trả tiền nọ. Đến khi giao cho đạo diễn, nguồn kinh phí đôi lúc chỉ còn khoảng 50%. Với số tiền èo uột đó thì làm sao tạo ra được sản phẩm chất lượng, làm sao mà phim không "gầy gò, suy dinh dưỡng". Thêm vào đó, đơn vị làm phim nhà nước thường không chú ý đến quảng cáo, có thái độ thiếu trách nhiệm với tác phẩm. Họ chỉ hoàn thành phim với tâm thế có giải thưởng thì lấy đó báo cáo thành tích, nếu không chẳng sao cả. Phim ăn khách hay không, không là vấn đề gì với họ!" - đạo diễn Đào Bá Sơn Bức bày tỏ.
Đúng ra cơ quan quản lý nhà nước phải có trách nhiệm "chọn mặt gửi vàng", có phương thức chọn lựa kịch bản tốt và giao đạo diễn, đơn vị sản xuất có năng lực thực hiện khi bỏ vốn đầu tư, thông qua đấu thầu một cách công khai, minh bạch. Điều 13 Nghị định 54/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật Điện ảnh và Luật Điện ảnh sửa đổi quy định cơ chế lựa chọn dự án sản xuất phim có sử dụng ngân sách nhà nước là phải đấu thầu. Phương thức đấu thầu như quy định tại nghị định này sẽ gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhưng bảo đảm tính minh bạch, phù hợp xu thế thị trường và khả năng tạo ra nhiều tác phẩm có chất lượng. Đáng tiếc, quy định này không được thực hiện thấu đáo trong những dự án phim tài trợ, đặt hàng của nhà nước thời gian qua.
Cần những hình thức hỗ trợ hiệu quả
Phim "Song lang" không mang lại doanh thu lớn cho nhà đầu tư như một số phim thuần giải trí khác nhưng giá trị nghệ thuật và thông điệp mà nó mang lại được khán giả và người trong giới khen ngợi, giành được hàng loạt giải thưởng tại các LHP trong lẫn ngoài nước, đáng được hưởng kinh phí tài trợ để bù đắp chi phí và có động lực cho nhà sản xuất làm tiếp những phim có chất lượng cao hơn mà không lo rủi ro mất vốn. Theo nhà báo Cát Vũ, việc nhà nước đặt hàng những kịch bản phim lịch sử, chiến tranh, những thể loại mà các đơn vị tư nhân không đầu tư vốn thực hiện cũng là hình thức hỗ trợ tốt cho điện ảnh. Tuy nhiên, việc chọn đúng người, đúng đơn vị, giám sát tiến trình thực hiện để giao dự án là trách nhiệm của cơ quan quản lý. Bên cạnh đó, những phim thuộc dòng nghệ thuật do tư nhân thực hiện, thành phẩm được nhận định có chất lượng chuyên môn nhưng kén khán giả cũng là đối tượng cần được sự hỗ trợ của phía nhà nước như phim "Song lang". Những thành phẩm được kiểm định chất lượng thế này xứng đáng được xem xét hỗ trợ kinh phí sản xuất.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/phim-nha-nuoc-dat-hang-xot-tien-20191202212225801.htm