Phim tài liệu Việt Nam: Học hỏi để tiến xa hơn

Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 14 diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 6 đến 14-9 và tại Hà Nội trong thời gian tới.

Giống như những kỳ gần đây, Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả, trong đó ngày càng có nhiều người trẻ. Bên cạnh thưởng thức, công chúng và đặc biệt là giới nghề có cơ hội học hỏi về phong cách làm phim quốc tế để tiến xa hơn.

Cảnh trong phim “Đi về phía mặt trời” của đạo diễn Đào Đức Thanh.

Cảnh trong phim “Đi về phía mặt trời” của đạo diễn Đào Đức Thanh.

Những cuộc đối thoại thú vị

Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam là sự kiện văn hóa thường niên, do Hãng Phim tài liệu và khoa học trung ương cùng Hiệp hội các Viện Văn hóa và các Đại sứ quán châu Âu (EUNIC) và Israel phối hợp tổ chức. Trong lần tổ chức thứ 14 này, liên hoan có 22 bộ phim của Việt Nam và 9 quốc gia: Phần Lan, Đức, Thụy Điển, Bỉ, Italia, Tây Ban Nha, Anh, Áo, Israel tham dự. Năm nay, các phim nhấn vào văn hóa và tương lai của nhân loại - trẻ em.

Mỗi buổi chiếu tập trung giới thiệu một bộ phim tài liệu của Việt Nam và sau đó là phim tài liệu của nước ngoài với nhiều dụng ý. Chẳng hạn như, các cặp phim đều có những điểm tương đồng về đối tượng, chủ đề hay cách thể hiện, tạo nên những cuộc đối thoại thú vị và hấp dẫn giữa điện ảnh tài liệu Việt Nam và châu Âu. Có thể kể đến bộ phim “Ngọn lửa Đào Tấn” của Việt Nam và “Thiên đường Karaoke” của Phần Lan cùng chung chủ đề về nghệ thuật; trong đó, phim của nước chủ nhà mang những trăn trở về việc làm sao gìn giữ cho được nghệ thuật hát bội Bình Định một thời vang bóng trong đời sống hiện đại. Còn phim của nước bạn lại kể về hành trình tìm ra cách thức độc đáo là ca hát để xoa dịu nỗi đau. Hai bộ phim “Dòng sông ký ức” của Việt Nam và “Một người giữa triệu người” của Đức chiếu cùng ngày, kể về những người thành công trong sự nghiệp điện ảnh và thể thao. Cặp phim “Nói với con về giới tính” của Việt Nam và “Vòng tròn” của Italia cùng xoay quanh đối tượng trẻ em…

Theo Nghệ sĩ ưu tú Trịnh Quang Tùng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Hãng Phim tài liệu và khoa học trung ương, việc sắp đặt các tác phẩm như vậy nhằm làm nổi bật sự khác biệt về văn hóa, xã hội, qua đó tôn vinh sự đa dạng và kết nối xuyên biên giới của con người, đồng thời tạo ra cuộc đối thoại về nghề nghiệp cho những người làm phim Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Cùng với các buổi chiếu phim kể trên, trong khuôn khổ liên hoan phim năm nay, còn có suất chiếu 4 bộ phim của các tác giả độc lập đến từ nước chủ nhà, trong đó có “Con đi trường học” - phim đầu tay của “hiện tượng” điện ảnh tài liệu Việt Nam Hà Lệ Diễm.

Đưa điện ảnh tài liệu tiến xa

Chủ tịch EUNIC Việt Nam, Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội Oliver Brandt nhận định, phim tài liệu mang đến những góc nhìn độc đáo về những chủ đề hiếm gặp trong cuộc sống thường nhật, mời người xem nhìn nhận lại thế giới qua những lăng kính mới lạ. Chúng thách thức khán giả tái đánh giá quan điểm riêng, phơi bày các vấn đề xã hội và khuyến khích sự phát triển cá nhân. Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam được duy trì nhằm thúc đẩy những điều đó.

Trong khi đó, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Hãng Phim tài liệu và khoa học trung ương Trịnh Quang Tùng khẳng định, Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam được tổ chức những năm qua không chỉ đưa khán giả Việt Nam khám phá đất nước, con người, văn hóa các quốc gia khác, mà còn đem lại cơ hội học hỏi cho những người làm phim, nhà sản xuất tài liệu nước nhà. “Qua cọ xát từ các liên hoan phim hằng năm, đạo diễn nước ta đã dần thay đổi, biết cách gửi gắm nội dung muốn truyền tải vào nhân vật, để nhân vật tự cất tiếng nói, dẫn dắt chuyện phim. Đặc biệt, hiện nay, lực lượng trẻ làm phim tài liệu đang tăng mạnh. Ngay như ở Hãng Phim tài liệu và khoa học trung ương, đội ngũ 30-40 tuổi ở các vị trí đạo diễn, quay phim, biên kịch chiếm tỷ lệ lớn. Các bạn trẻ chịu tìm tòi góc nhìn mới, chăm chút hình ảnh, âm thanh và đặc biệt có ưu điểm khai thác hiện trường chi tiết, ngôn ngữ phim đa dạng”, Nghệ sĩ ưu tú Trịnh Quang Tùng nhận định.

Hà Lệ Diễm, đạo diễn nổi tiếng với bộ phim “Những đứa trẻ trong sương” từng lọt vào danh sách 15 phim đề cử tranh giải hạng mục Phim tài liệu dài của Oscar 2023, lần này tham gia liên hoan với tư cách nhà làm phim độc lập. “Con đi trường học” của đạo diễn Hà Lệ Diễm nói về người phụ nữ dân tộc Dao ở Bắc Kạn, bị nhiễm HIV/AIDS, hằng ngày vượt đường xa đưa con trai may mắn không bị nhiễm bệnh, đến trường học. Ngay từ bộ phim ngắn đầu tay này, Hà Lệ Diễm, chỉ với chiếc máy ảnh, đã trèo đèo, lội suối, băng rừng đồng hành với nhân vật trong thời gian dài để làm phim và đó là phong cách tạo nên thành công của chị.

Đã từng tham gia Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam và trong lần thứ 14 này có phim “Nói với con về giới tính”, đạo diễn 9X Đỗ Thị Huyền Trang chia sẻ về thói quen làm phim không có lời bình, chủ yếu khai thác nội tâm cũng như tâm sự của nhân vật. “Cách làm này giúp đến gần với khán giả hơn và khiến cho họ có thể đi đến tận cùng với cảm xúc của nhân vật”, đạo diễn Đỗ Thị Huyền Trang bày tỏ.

Khát vọng của các nhà làm phim tài liệu Việt Nam là đáp ứng nhu cầu khán giả trong nước và tiến xa hơn, vì vậy, những cơ hội nhưLiên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam sẽ giúp họ bắt kịp xu hướng làm phim của thế giới và dần có những bộ phim mang tính hội nhập cao.

An Nhi

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/phim-tai-lieu-viet-nam-hoc-hoi-de-tien-xa-hon-677134.html