Phim 'Tro tàn rực rỡ' của Bùi Thạc Chuyên: Nội dung cảm động, nhưng bối cảnh giả trân
Ghi điểm nhờ câu chuyện giàu sức nặng cùng phần thể hiện tròn vai của dàn diễn viên, tuy nhiên, 'Tro tàn rực rỡ' vẫn khiến người xem tiếc nuối bởi việc xây dựng không khí vùng sông nước miền Tây thiếu thuyết phục.
Là cái tên thu hút sự chú ý của cộng đồng yêu điện ảnh trong nước những ngày vừa qua, Tro tàn rực rỡ đã làm nên lịch sử khi thắng giải danh giá nhất tại Liên hoan Phim Quốc tế Ba Châu lục (Festival des 3 Continents), cũng như tạo tiếng vang lớn ở Liên hoan Phim Quốc tế Tokyo 2022.
Chuyển thể từ 2 truyện ngắn Tro tàn rực rỡ và Củi mục trôi về do nữ nhà văn Nguyễn Ngọc Tư chấp bút, dự án được đạo diễn kỳ cựu Bùi Thạc Chuyên cầm trịch, thai nghén suốt gần 10 năm. Lấy bối cảnh tại một xóm nghèo ven biển vùng Đất Mũi Cà Mau, nội dung phim xoay quanh 3 người phụ nữ có cuộc sống tình yêu đặc biệt khác thường.
Tình yêu của những “kẻ khùng”
Đó là thiếu nữ Hậu (Juliet Bảo Ngọc Doling) trẻ đẹp, căng tràn sức sống nhưng bị người chồng mới cưới tên Dương (Lê Công Hoàng) xa lánh. Bất chấp thái độ lạnh nhạt nơi anh, mỗi ngày, Hậu đều kể cho anh mấy mẩu chuyện vụn vặt xảy ra trong xóm, về quan hệ vợ chồng giữa Tam (Quang Tuấn) với Nhàn (Phương Anh Đào), bóng hình đã và vẫn đang làm trái tim Dương thổn thức.
Từng khiến bao người phải ngước nhìn, tiếc rằng, cuộc hôn nhân tưởng chừng viên mãn của Nhàn bỗng chốc trở thành cơn ác mộng kể từ lúc ông xã “phát điên.” Cứ hễ hôm nào say xỉn hoặc gặp chuyện gì chướng tai gai mắt, thì tối đến Tam lại đốt nhà mình rồi say sưa ngắm ngọn lửa nuốt chửng tất cả. Ấy vậy, Nhàn chẳng hề than thở, trách móc lấy nửa lời mà vẫn tiếp tục chung sống cùng hắn.
Trong khi đó, do bị xâm hại thuở bé, nên Loan (NSƯT Hạnh Thúy) lớn lên với sức khỏe tâm thần không ổn định. Vào ngày nọ, cô bất ngờ phát hiện gã đàn ông cưỡng hiếp mình năm xưa (Thạch Kim Long) nay đã trở về và đang tá túc ở ngôi chùa Thổ Sầu. Thế nhưng, thay vì căm ghét hay tìm cách trả thù, Loan lại nảy sinh tình cảm trước tên tội phạm hoàn lương này.
Cơn bão ngầm tại miền quê yên bình
Sử dụng sắc phim xám xịt tựa tro than cộng tiết tấu chậm rãi, Tro tàn rực rỡ đưa chúng ta khám phá thế giới nội tâm của người dân nghèo vùng sông nước. So với truyện ngắn, đứa con tinh thần do Bùi Thạc Chuyên cầm trịch mang đến lăng kính trung dung, khách quan hơn khi khai thác cặn kẽ loạt ẩn tình giữa 4 nhân vật Tam, Nhàn, Dương và Hậu.
Trải qua gần 120 phút thời lượng, khán giả sẽ dần thấu hiểu nguồn cơn khiến Dương chán ngán cô vợ mới cưới, chỉ mong đợi ngày đi biển để có cớ rời khỏi nhà; cảm giác tủi hổ, đố kỵ dẫn tới “thú vui” đốt nhà quái đản ở Tam lẫn vẻ “tỉnh rụi”, bình thản của Nhàn lúc dựng lại mái nhà tranh, dẫu chị biết rõ sớm muộn gì chồng mình cũng thiêu rụi nó tiếp.
Từ đó, tác phẩm cho thấy cuộc sống miền Tây vốn dĩ chẳng hề yên bình, tĩnh lặng giống vẻ bề ngoài. Mỗi phận đời khốn khó nơi đây thực ra đều cố kìm nén trong lòng những nỗi đau dày vò, những đấu tranh mãnh liệt chỉ chực chờ phút giây bùng cháy.
Vì vậy, hình ảnh ngọn lửa xuyên suốt câu chuyện còn mang ý nghĩa ẩn dụ, thể hiện khao khát yêu đương, mưu cầu hạnh phúc cháy bỏng của 3 cô nàng Nhàn, Hậu, Loan nói riêng lẫn phụ nữ nói chung. Họ muốn tình cảm mà mình dành cho đối phương tựa hệt ngọn lửa kia: Được người đàn ông họ thương “nhìn thấy”, đón nhận và đáp trả bằng ánh nhìn âu yếm, chân thành.
Quy tụ dàn diễn viên thực lực gồm Phương Anh Đào, Quang Tuấn, NSƯT Hạnh Thúy, Mai Thế Hiệp, Lê Công Hoàng… Tro tàn rực rỡ dễ dàng chinh phục khán giả bởi phần diễn xuất đồng đều, tròn vai.
Nếu vị sư thầy chùa Thổ Sầu (Mai Thế Hiệp) ghi điểm nhờ nét duyên dáng, “mất nết” hóm hỉnh giúp phim bớt phần bi kịch, thì nhân vật Nhàn lại đánh dấu bước tiến về diễn xuất của Phương Anh Đào. Chẳng cần quá nhiều câu thoại, thông qua biểu cảm gương mặt cùng ngôn ngữ hình thể, cô vẫn lột tả thành công hình tượng người vợ Nam bộ chịu thương chịu khó, yêu chồng con tới độ mù quáng.
Bức tranh miền Tây quá đỗi xa lạ
Nhờ các yếu tố vừa kể, không khó để Tro tàn rực rỡ gây ấn tượng trong mắt ban giám khảo Liên hoan Phim quốc tế. Ấy vậy, với những ai sinh ra, lớn lên hoặc có vốn trải nghiệm phong phú, thì hình ảnh làng quê Cà Mau dưới lăng kính đạo diễn Bùi Thạc Chuyên trông còn “lạ lẫm lắm.”
Theo chia sẻ từ phía ekip, đội ngũ sản xuất từng dành hẳn một tháng ăn ngủ cùng bà con nhằm thổi hồn vào phim sao cho sinh động, chân thực nhất. Quả thật, tác phẩm đã nỗ lực dàn dựng và tái hiện không ít khung cảnh thú vị, mang màu sắc miền Tây như đám rước cô dâu, đánh bắt hải sản ngoài biển hay cả con ngõ chung tay tát nước dập lửa, giúp gia đình Nhàn dựng lại căn nhà.
Tuy nhiên, hết thảy chúng chỉ mới dừng lại ở bề nổi. Nếu để ý kỹ, người xem sẽ dễ dàng nhận thấy khu xóm Thơm Rơm vẫn thiếu khá nhiều chi tiết cần thiết hòng làm nên bức tranh vùng quê sông nước Nam bộ hoàn chỉnh.
Đơn cử, đó là các cuộc nhậu, tiệc tùng đâu chỉ rôm rả giọng cười đùa mà còn văng vẳng cả tiếng chửi thề. Bởi lẽ, người miền Tây vui buồn đều chửi, yêu thương cháu con cũng chửi, thêm mấy xị rượu vào lại càng chửi khí thế hơn. Tại đấy, không một ai nói “đi về” (đi dìa), ngẩng mặt than thở “trời ơi” (mèn đét/quỷ thần thiên địa) hay xưng hô với nhau là “em – chị” (em – chế) hết.
Việc sử dụng văn nói trịnh trọng giữa bối cảnh xóm nghèo Đất Mũi đã vô tình làm mất đi cái chất bình dị, hào sảng vốn đặc trưng ở thôn quê phía Nam. Đài từ chưa thuần Việt của Juliet Bảo Ngọc Doling cũng góp phần làm người xem khó lòng tin rằng, nhân vật cô đang hóa thân là dân Cà Mau chính hiệu.
Tựu chung, xét theo khía cạnh nghệ thuật, Tro tàn rực rỡ sở hữu kịch bản ý nghĩa, giàu sức nặng bên cạnh phần diễn xuất chất lượng. Nỗ lực của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cùng ekip rất đáng để khích lệ khi dám chuyển thể một câu chuyện nặng về tâm lý, đậm chất miền Tây Nam bộ lên màn ảnh rộng và quảng bá với bạn bè quốc tế.
Tro tàn rực rỡ khởi chiếu trên toàn quốc từ ngày 2/12.