Phim truyền hình Người một nhà và những điểm cộng
Không drama, không có 'tiểu tam', cũng không quy tụ dàn diễn viên quá mức xinh đẹp, hotgirl, ấy nhưng, ngay từ tập phát sóng đầu tiên bộ phim truyền hình 'Người một nhà' đã thu hút sự chú ý của người xem. Ai cũng mong chờ tối thứ 5 lại đến để được xem 'Người một nhà'. Nhiều khán giả còn bày tỏ mong muốn tăng thời lượng phát sóng. Có ý kiến phát luôn cả tuần. Vì sao 'Người một nhà' lại có sức hút đến vậy?
Đề tài gia đình, về người từng một thời lầm lỗi chật vật, khó khăn khi tái hòa nhập với cộng đồng không phải là đề tài mới. Vậy nhưng, qua sự chấp bút của biên kịch Huyền Lê và qua "bàn tay" của đạo diễn Trịnh Lê Phong, "Người một nhà" đã đem đến cho người xem một dư vị thật mới mẻ, thú vị và hấp dẫn. Đây cũng là lần đầu tiên, phim truyền hình Việt Nam khai thác đậm nét tình cảm giữa 2 anh em trai.
Chuyện phim xoay quanh 2 anh em Trí (Duy Hưng) - Tuệ (Tuấn Tú) với một hoàn cảnh vô cùng éo le: Bố mẹ ly dị. Mẹ- bà Thư (Vân Dung) dắt Trí ra đi, để Tuệ sống với bố và ông nội khi còn rất bé. Hơn 10 năm sau, mẹ dắt Trí về giao cho ông nội rồi bỏ đi với "tình yêu" mới. Không may ông nội qua đời, 2 anh em Trí- Tuệ mồ côi nương tựa nhau mà sống. Trí lầm lì, kiệm lời nhưng tình cảm, suy nghĩ chín chắn, trượng nghĩa. Tuệ giàu tình cảm nhưng xốc nổi, bốc đồng. Vì em, Trí nghỉ học, theo nhóm anh chị để kiếm tiền lo cho em ăn học nên người. Do hoàn cảnh, Trí bỏ trốn, bị lừa qua nước ngoài lao động nhưng thực chất là trồng cần sa, bị kết án gần 10 năm tù. Ra tù, Trí về nước. Lúc này, Tuệ đã lập gia đình có một cô con gái, sống trong ngôi nhà ông nội để lại...
Trở về nhà với hai bàn tay trắng, vì không muốn em trai vì mình mà mâu thuẫn với vợ (Khanh do Thanh Hương đóng), Trí chọn cách ra đi, sống dưới gầm cầu, được Diệp (Quỳnh Châu) nhân viên làm ở tiệm bánh em dâu thương cảm, đưa về nhà ngủ nhờ. Sự việc sau đó được Khanh biết. Áy náy vì cách ứng xử chưa phải của mình, Khanh nhờ Diệp tìm giúp phòng trọ cho anh chồng, tiền thuê phòng cô bí mật trả…Trí bị bạn thân là Khải (Hà Việt Dũng đóng, cũng mới ra tù) hiểu nhầm, âm thầm theo dõi để tìm cơ hội trả thù. Ông Đông (Quốc Trọng)- cha dượng, với cú đập vào đầu bằng gạch do Trí (con riêng của vợ) gây nên bị liệt nửa người, nên lúc nào cũng găm trong mình mối thù phải trả…
Phim có chút màu "xã hội đen", mỗi một nhân vật đều mang trong mình những vết thương, nỗi đau riêng…Với kịch bản như thế, cứ tưởng phim sẽ rơi vào cảm giác nặng nề, nhưng thật lạ, người xem không hề có cảm giác đó. Phim nhẹ nhàng, sâu lắng, từ từ thấm, chạm đến tâm can người xem. Có những phân đoạn bật cười thích thú, lại có những phân đoạn lấy đi nước mắt, hồi hộp, âu lo, nhưng cho đến thời điểm này (12 tập phát sóng), phim không hề gây cho người xem một tâm trạng ức chế, khó chịu như một số phim truyền hình đang phát trên các khung giờ vàng khác của VTV. Điều làm nên thành công cho đến thời điểm này của "Người một nhà" chính là cách khai thác đi vào chiều sâu nội tâm của từng nhân vật, xoáy sâu vào tình anh em, tình người, không (hoặc chưa) lấy sự trả thù của thế giới "xã hội đen" làm "vũ khí" để đẩy kịch tính bộ phim lên thành cao trào, gây nặng nề, bức bối, ức chế cho người xem.
Hầu hết các diễn viên được chọn đóng trong bộ phim này đã lột tả sắc nét vai diễn mà mình đảm nhận. Trong đó, đặc biệt xuất sắc, tỏa sáng hơn cả là Duy Hưng và Tuấn Tú. Nhất là Duy Hưng. Với vai Trí, Duy Hưng vụt tỏa sáng, như thể nhân vật này được đạo diễn "đo ni đóng giày" cho anh vậy. Thành công ở bộ phim này còn ở lời thoại trong phim rất đắt. Như đoạn đối thoại giữa Trí với Tuệ: "Tao muốn sống tử tế tới cùng một lần, xem đời nó như thế nào"; "Anh không cần phải học cách sống tử tế đâu bởi vì bản chất anh là người rất tử tế. Đặc biệt là với em" đã lấy đi rất nhiều nước mắt của người xem. Hay câu trách móc của Tuệ với Khanh (vợ) khi thấy cô quá ích kỷ: "Nếu như người ngoài kỳ thị anh ấy thì anh có thể hiểu được. Nhưng chúng ta là người nhà. Người trong một gia đình mà em. Em làm như thế thì những người như anh Trí còn biết sống ở đâu trong xã hội này nữa hả em?". Hay đoạn Trí nhẹ nhàng xin lỗi em dâu, gửi gắm Khanh để ý chăm sóc rất ngắn mà đắt đã toát lên được tính cách cao thượng, nhẫn nhịn của người anh hết mực thương em, luôn bảo vệ em mình.
Dẫu tại cuộc họp báo trước khi ra mắt bộ phim, từ đạo diễn đến biên kịch, diễn viên không một ai đề cập đây là bộ phim "chữa lành", nhưng cho đến thời điểm này, có thể nói phim đang "chữa lành" khán giả xem truyền hình trước sự "bội thực" phim ảnh lấy drama, tiểu tam, ân oán. Hy vọng, mạch phim sẽ được ê-kíp làm phim triển khai theo hướng nhẹ nhàng, đáng yêu như thế. Đâu nhất thiết phim phải tràn ngập drama, tiểu tam mới cuốn hút người xem?
Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/phim-truyen-hinh-nguoi-mot-nha-va-nhung-diem-cong-post294619.html