Phim truyền hình về hôn nhân, gia đình lên ngôi

Phim truyền hình Việt gần đây đang có những chuyển biến tích cực, nhiều bộ phim đã để lại ấn tượng, thương nhớ với khán giả. Đáng chú ý, bên cạnh những mảng đề tài về tình yêu, tuổi học trò, các tệ nạn xã hội… thì phim truyền hình Việt về đề tài gia đình đang nổi lên như một thế lực trên màn ảnh nhỏ.

Không khó để nhận thấy phim truyền hình về đề tài hôn nhân gia đình đang là một “đặc sản” đối với khán giả Việt hiện nay. Nhiều bộ phim đã có hàng triệu lượt người xem cả trên mạng xã hội lẫn sóng truyền hình, cho thấy sức hút của dòng phim này.

Cảnh trong phim “Về nhà đi con”

Cảnh trong phim “Về nhà đi con”

“Về nhà đi con” là một trong những phim truyền hình Việt về đề tài gia đình đang tạo nên cơn sốt với khán giả cả nước kể từ khi ra mắt khán giả từ tháng 4 năm nay. Bộ phim này do Nguyễn Danh Dũng làm đạo diễn, được Việt hóa từ kịch bản nước ngoài. Ban đầu “Về nhà đi con” được sản xuất 68 tập (30 phút/tập) nhưng mới đây, do sức hút và sự yêu mến của khán giả, ê-kíp làm bộ phim này đã quyết định làm thêm 14 tập.

“Về nhà đi con” gây sốt bởi đây là bộ phim tâm lý tình cảm đặc sắc ấn tượng về gia đình Việt mang đến những câu chuyện gia đình, cảm động và hấp dẫn. Phim này phản ánh một câu chuyện trong gia đình có 4 người, ông bố Sơn và 3 chị em gái Huệ, Thư, Dương, mất mẹ từ nhỏ. Huệ dịu dàng điềm đạm, cô hai Anh Thư xinh đẹp, sắc sảo thực dụng. Cô út Ánh Dương bộc trực, hoang dã, như một cậu con trai. Mỗi người một tính cách, trải qua nhiều biến cố riêng và chung, họ càng cảm thấy quý giá tình cảm cha con, chị em, càng cố gắng đem lại niềm vui, hạnh phúc cho người thân.

Cũng đang được khán giả chờ đón vào các tối đầu tuần vào khung giờ vàng, bộ phim truyền hình “Nàng dâu Oder”. Hơn chục tập đã lên sóng, “Nàng dâu Order” cho khán giả sẽ thấy một màu sắc mới, thú vị và độc đáo khi đạo diễn Bùi Quốc Việt và biên kịch Lê Huyền khai thác đậm nét mối quan hệ cháu dâu - bà nội chồng trong một gia đình 3 thế hệ cùng chung sống.

Phim xoay quanh cuộc sống làm dâu của Hoàng Yến, nữ nhà văn có bút danh Lam Lam (Lan Phương thủ vai). Sau cuộc tình sét đánh với Phong (Thanh Sơn), Hoàng Yến quyết định làm đám cưới chỉ sau 1 tháng quen biết. Tuy nhiên nàng dâu mới về nhà chồng vốn chỉ giỏi viết lách và dùng mạng xã hội không đơn giản, nhất là khi bà nội chồng (NSƯT Minh Vượng) thì coi trọng truyền thống và nữ công gia chánh trong khi cô cháu dâu lại không hề biết nấu ăn và tất tật đều đặt hàng qua mạng. Đây là một bộ phim phản ánh đời sống hôn nhân một cách thực tế và chân thật. Bên cạnh những tình huống vui nhộn, gây tiếng cười cho khán giả; “Nàng dâu Order” còn gửi gắm nhiều thông điệp khiến khán giả phải suy ngẫm về cuộc sống thời hiện đại.

Trước đó, hàng loạt phim về hôn nhân gia đình đã lên ngôi. Bộ phim “Gạo nếp, gạo tẻ” được Việt hóa từ kịch bản phim của Hàn Quốc. Phim xoay quanh những câu chuyện đời sống của gia đình bà Mai và ông Vương, trong đó khai thác mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu giữa bà Mai và mẹ chồng cũng như những câu chuyện gia đình của con gái bà Mai - nàng dâu thời hiện đại. Mỗi tập phim “Gạo nếp, gạo tẻ” tạo sức hút từ những câu chuyện của gia đình cùng những tình huống ứng xử gần gũi với đời sống mà mỗi người có thể gặp ở đâu đó quanh mình.

Bên cạnh đó, “Sống chung với mẹ chồng” (NSƯT Vũ Trường Khoa đạo diễn) - bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Trung Quốc, mang hết những mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu lên phim để khiến ai cũng phải thấy mình trong đó, rồi bàn tán, mổ xẻ có hàng triệu lượt người xem. 70 tập phim “Cả một đời ân oán” xoay quanh những câu chuyện đầy kịch tính của một gia đình. Những mối quan hệ nhạy cảm và rắc rối như vợ cả, vợ lẽ, con chung, con riêng, tình cũ, tình mới… tất cả tạo nên một vòng xoáy cuốn quanh các nhân vật. Thế nhưng, bằng sự tài tình trong việc Việt hóa và sắp xếp kịch bản, nhà sản xuất đã làm rất tốt việc truyền đạt ý tưởng cho người xem. Mạch phim nhanh vừa đủ, mạch lạc; dàn diễn viên diễn xuất sắc, cộng với đó là hiệu ứng âm thanh, hình ảnh tốt nên khán giả sẽ không thể rời mắt.

Rõ ràng, những bộ phim truyền hình kể trên về đề tài hôn nhân gia đình như một món ăn tinh thần chứa nhiều dưỡng chất cho khán giả Việt. Trước hết những bộ phim này tạo thói quen xem “phim nội” cho khán giả. Quan trọng hơn cả, thông qua những bộ phim này, khán giả tự tìm thấy “bản sao” từ hệ thống nhân vật để loại bỏ đi sự ích kỷ, lòng đố kỵ, tính ghen tuông... và tự cảm nhận được chính mình ở trong đó.

Đồng thời, các bộ phim cũng hướng người xem cần biết lắng nghe, sẻ chia, thấu hiểu và tha thứ lỗi lầm cho nhau để có cuộc sống gia đình ấm êm, hạnh phúc. Những điều đó giúp cho phim truyền hình Việt về đề tài gia đình ngày càng có sức lan tỏa và là một phần không thể thiếu trong “bàn tiệc” phim để công chúng thưởng thức, lựa chọn.

Khôi Nguyên

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/phim-truyen-hinh-ve-hon-nhan-gia-dinh-len-ngoi-88821.html