Phim truyền hình Việt hóa: Từ bom tấn đến bom xịt

Từ 'Người phán xử' (2017) đến 'Hành trình công lý' (2022) có thể coi là một bước lùi của phim Việt hóa.

Tại buổi ra mắt phim Hành trình công lý, lãnh đạo VFC chia sẻ quá trình xây dựng kịch bản bộ phim kéo dài 2 năm. VFC phải làm việc chặt chẽ với đơn vị nắm giữ bản quyền phim The Good Wife là CBS của Mỹ trong quá trình Việt hóa (remake) bộ phim. Tác phẩm này với sự tham gia của một ê kíp đình đám có kinh nghiệm từng được kỳ vọng là tác phẩm bom tấn của truyền hình Việt năm 2022 nhưng nhanh chóng rơi vào cảnh đầu voi đuôi chuột với kịch bản rối rắm, ngày càng đuối và tỏ ra không hề liên quan đến tên phim.

The Good Wife là series truyền hình Mỹ lên sóng đài CBS từ năm 2009 và kết thúc vào năm 2016 sau 7 mùa. Tác phẩm lấy đề tài pháp luật và chính trị từng thắng 5 giải Emmy và được mệnh danh là "tác phẩm truyền hình vĩ đại cuối cùng".

Trong The Good Wife bản Mỹ, Alicia Florrick (Julianna Margulies) là vợ của một luật sư danh tiếng. Cô trở lại làm việc tại văn phòng luật sau khi chồng thân bại danh liệt vì dính vào một vụ scandal mại dâm và tham nhũng chính trị. Bản thân Florrick cũng là một nữ luật sư sáng giá nhưng 15 năm trước đã quyết định tạm lui về hậu trường để chăm lo cho gia đình.

Thành công của bộ phim lớn đến nỗi rất nhiều quốc gia đã mua bản quyền remake The Good Wife, trong đó có Hàn Quốc. Tuy nhiên, bản phim gốc lấy đề tài pháp luật và chính trị vốn rất hấp dẫn đã được chuyển thành phim đề tài tâm lý gia đình để tránh đụng chạm. Điều đáng nói, Hành trình công lý có kịch bản lan man, nhiều tình tiết vô lý khiến người xem ức chế và khó nắm bắt.

Xem gần hết phim, khán giả vẫn chưa hiểu hành trình công lý của phim là gì, bảo vệ công lý cho ai. Những tưởng nhân vật chính Phương trở lại nghề luật sư sau hơn 10 năm làm nội trợ để tìm lại công lý cho chồng nhưng hóa ra không phải. Qua nhiều tập phim, vụ án của Hoàng bị bỏ ngỏ, phim chỉ điểm xuyết vào vụ án đơn lẻ và lại sa đà vào chuyện tình cảm của luật sư Quân với Phương.

Điều quan trọng hơn, khán giả thấy xa lạ với hình ảnh của Phương, về các hành xử của cô với chồng, với Quân. Hình ảnh Phương giận chồng là lái ô tô lao ra đường với tốc độ như tên bắn hay thường xuyên cùng bạn thân ra trò chuyện ở quán sang khiến người xem không thấy giống như ở Việt Nam. Rồi chuyện Quân đến gặp người bố từng phụ bạc mẹ mình để chuyển chiếc thẻ ngân hàng chứa số tiền bán tài sản cuối cùng của bà như di nguyện trước khi mất cũng làm khán giả bức xúc.

Điều này chắc chắn không hoặc rất ít tồn tại ở Việt Nam. Bản Việt hóa của The Good Wife đã đi quá xa so với bản gốc và có thể nói đó là một bản Việt hóa thất bại. Trên thực tế, không ít phim Việt hóa ở Việt Nam mới dừng ở việc "dịch" bản gốc sang bản Việt nên khán giả thấy xa lạ, xem không "trôi", kết quả là bộ phim bị tẩy chay và không có người xem.

 Người phán xử có thể nói là phim Việt hóa thành công nhất.

Người phán xử có thể nói là phim Việt hóa thành công nhất.

Tuy nhiên rất may đó chỉ là số ít. Phải thừa nhận nhiều tác phẩm truyền hình đã được Việt hóa thành công, tiêu biểu là 2 cú nổ màn ảnh năm 2017 là Người phán xử Sống chung với mẹ chồng. Người phán xử được Việt hóa từ kịch bản gốc The Arbitrator của Israel - tác phẩm thu hút 6 tỷ lượt xem ở nước này.

Còn Sống chung với mẹ chồng được biên kịch Đặng Thiếu Ngân chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết của tác giả Giả Hiểu, Trung Quốc. Đây được coi là hai tác phẩm Việt hóa thành công nhất bởi đã có nhiều sáng tạo so với bản gốc và lồng rất nhiều nét đời sống, văn hóa trong xã hội Việt Nam vào phim khiến khán giả xem thấy rất gần gũi. Khi về Việt Nam, Người phán xử đã được chỉnh sửa tới 60% so với bản gốc, cắt bớt những chi tiết quá bạo lực hoặc quá "nóng".

Còn những khác biệt về văn hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc được thay đổi hợp lý hơn trong Sống chung với mẹ chồng. Trong truyện, con gái của nhân vật Trang (bạn thân nữ chính) bị mẹ chồng bán đi để ép vợ chồng Trang đẻ con trai. Khi lên phim Việt, chi tiết này được chuyển thành bé bị kẻ xấu bắt cóc.

Đội ngũ biên kịch đã rất sáng tạo để có bản phim Việt hóa thành công trên nền sự gợi ý nội dung tốt từ các kịch bản nước ngoài. Một bộ phim khác gây bão màn ảnh năm 2018 là Về nhà đi con thực chất cũng là tác phẩm được làm lại từ phim Khi người đàn ông góa vợ bật khóc trước đó của đạo diễn Trường Khoa.

Tuy nhiên tác phẩm được biên kịch Thu Thủy viết lại và phát triển trên nền nội dung gốc là cuộc sống của ông bố đơn thân một mình nuôi 3 cô con gái trong một hoàn cảnh mới. Tác phẩm thành công và gây xúc động đặc biệt cũng do hiệu ứng diễn xuất từ các diễn viên nhưng phải thừa nhận Về nhà đi con là một tác phẩm remake thành công.

Hai bộ phim dài hơi gần đây là Hương vị tình thânThương ngày nắng về cũng được các biên kịch kỳ cựu của VFC Việt hóa kịch bản từ những bộ phim rất thành công của Hàn Quốc là Mother of MineMy only one. Tuy vậy, cả Hương vị tình thânThương ngày nắng về đều được đặt trong bối cảnh Việt Nam với những câu chuyện tình phụ tử, mẫu tử nên khiến khán giả rung động. Tất nhiên không thể tránh được sự so sánh giữa bản làm lại và bản gốc nhưng có thể thấy nỗ lực của các nhà biên kịch đầu tư vào tác phẩm mà đôi khi trên nền chất liệu cũ quá thành công, mọi sự sáng tạo đều là thách thức.

Bắt nguồn từ tiểu thuyết Trung Quốc, Sống chung với mẹ chồng được biên kịch "dịch" rất hợp với hoàn cảnh Việt Nam.

Bắt nguồn từ tiểu thuyết Trung Quốc, Sống chung với mẹ chồng được biên kịch "dịch" rất hợp với hoàn cảnh Việt Nam.

Biên kịch là công việc đòi hỏi nhiều sáng tạo và chất xám. Kịch bản cũng là khâu quyết định sự thành bại của mỗi bộ phim bên cạnh các yếu tố khác như đạo diễn, diễn viên. Do vậy, vai trò của biên kịch rất quan trọng. Để làm ra một bộ phim thu hút không đơn giản bởi ý tưởng từ các bộ phim gốc vốn đã thành công sẽ là nền tảng và gợi ý quan trọng để họ biến hóa thành một tác phẩm mới, chinh phục khán giả Việt. Gần đây, các bộ phim hầu hết được sản xuất theo hình thức cuốn chiếu, vừa làm vừa hoàn thiện kịch bản và nhiều khi các tình huống cũng được bẻ theo mong muốn của số đông khán giả.

Tuy vậy, nghề biên kịch ở Việt Nam vẫn thường được đặt sau khâu đạo diễn hay diễn viên. Trong khi ở các nền sản xuất phim tiên tiến, tiêu biểu như Hàn Quốc, thu nhập của biên kịch thường vào top đầu với thù lao khoảng 1 tỷ đồng/tập phim, con số gấp cả trăm lần các biên kịch ở Việt Nam. Họ có quyền lực và giữ vai trò quyết định đến sự thành bại của dự án.

Ở Hàn Quốc, không ai có thể thay thế vai trò của biên kịch trong công nghiệp phim truyền hình. Thậm chí, địa vị của biên kịch còn được xếp cao hơn hẳn đạo diễn và diễn viên. Tiếng nói của các biên kịch chiếm 50% quyết định của nhà sản xuất trong việc lựa chọn diễn viên cũng như khâu quảng bá. Họ còn đo ni đóng giày vai diễn cho diễn viên và nhắm trước sẽ chọn ai vào nhân vật nào.

Khi đề cập tới thù lao cho mỗi kịch bản phim, một biên kịch phim truyền hình kỳ cựu của VTV đã từ chối tiết lộ, cho đó là phạm vi nhạy cảm. Một nhà văn từng viết kịch bản nhiều phim chính luận đình đám thập niên 2000 cũng từ chối trả lời vì cho rằng mọi thông tin rất đụng chạm đến đồng nghiệp. Từ đó cho thấy lĩnh vực biên kịch, đặc biệt là phim Việt hóa vẫn là đề tài nhạy cảm với nhiều người trong cuộc.

Trích đoạn phim 'Hành trình công lý' đang phát sóng

Quỳnh An

Bài 2: 'Điều tối kỵ với người làm phim là không thấy hồn Việt'

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/phim-truyen-hinh-viet-hoa-tu-bom-tan-den-bom-xit-2094967.html