Phim truyền hình Việt 'hồi sinh': Kỳ vọng ở tương lai

Phim truyền hình Việt Nam thời gian gần đây được khán giả mến mộ và liên tiếp là từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên Google. Bên cạnh đầu tư về chất lượng đạo diễn, diễn viên, không thể phủ nhận phim truyền hình cũng sở hữu nhiều yếu tố 'xúc tác' góp phần lấy lại vị thế trong lòng khán giả.

Theo nhiều chuyên gia trong ngành, để đưa phim truyền hình trở lại thời kỳ vàng son, các đơn vị làm phim cần nhìn nhận nghiêm túc và thay đổi theo thị hiếu khán giả, nếu không tất yếu sẽ chìm nghỉm trong cơn bão thị trường.

Tìm lại “hào quang”

Cách đây vài năm, phim truyền hình VTV đã ghi dấu ấn mạnh mẽ với nhiều bộ phim ăn khách, mỗi tập phim được khán giả chờ đón, mỗi tình tiết được bình luận rôm rả. “Người phán xử”, “Quỳnh búp bê”, “Về nhà đi con”, “Hương vị tình thân”… chính là những cái tên mà đến bây giờ nhắc lại, khán giả vẫn nhớ rõ các nhân vật, các chi tiết trong phim.

Một cảnh trong phim "Biệt dược đen" - bộ phim "làm mưa, làm gió" thời gian gần đây.

Một cảnh trong phim "Biệt dược đen" - bộ phim "làm mưa, làm gió" thời gian gần đây.

Chững lại khoảng 2- 3 năm, thời gian gần đây, phim giờ vàng dường như tìm lại hào quang nhờ vào những bộ phim được bảo chứng về chất lượng. Không chỉ được đầu tư về kịch bản, diễn viên, phim truyền hình cũng có nhiều yếu tố “xúc tác” góp phần lấy lại vị thế trong lòng khán giả.

Đơn cử như hai bộ phim “Biệt dược đen” và “Cuộc chiến không giới tuyến”. Những đổi mới về cách làm phim, đặc biệt là việc tập trung khai thác nhiều câu chuyện, góc nhìn chân thực và cũng đầy sự mới mẻ, sáng tạo đã giúp những bộ phim này lấy được cảm tình từ khán giả.

Những bộ phim có tư duy đổi mới góp phần bảo chứng cho sức hút của phim truyền hình.

Những bộ phim có tư duy đổi mới góp phần bảo chứng cho sức hút của phim truyền hình.

Trước đó, những bộ phim nặng tính chính luận như: “Đấu trí”, “Sinh tử”, “Hành trình công lý”... đến các phim về đề tài tình yêu gia đình: “Sống chung với mẹ chồng”, “Hướng dương ngược nắng”, “Cuộc đời vẫn đẹp sao”... đều đạt thứ hạng cao trên bảng xếp hạng rating phim Việt, liên tiếp là từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên Google.

Tuy còn nhiều “sạn” thế nhưng không thể phủ nhận, phim truyền hình đã có những thay đổi đáng kể để kéo khán giả về lại với màn ảnh. Những lời khen ngợi, những tranh luận xung quanh những bộ phim phát sóng ngày càng nhiều... chứng tỏ khán giả đã trở lại và quan tâm hơn tới phim truyền hình.

Theo đạo diễn Ngô Quang Hải – người từng là diễn viên, đạo diễn sáng giá của làng phim Việt, một trong những sức hút của phim truyền hình ăn khách chính là khai thác yếu tố từ sự gần gũi của đời sống thường nhật.

Kỳ vọng hướng đi mới

“Với những thay đổi tích cực theo hướng đi mới, phim truyền hình dần thoát khỏi lối mòn làm phim xưa cũ, “một màu” và “cường điệu hóa” với những ảnh hưởng nhiều từ sân khấu kịch. Phim truyền hình giờ đây đã phần nào tiếp cận gần với điện ảnh hơn, với lối làm phim hiện đại, gẫy gọn, hấp dẫn trong từng tập”, đạo diễn Ngô Quang Hải nêu ý kiến.

Đạo diễn phim “Nhà của Pao” cho rằng: “Phim truyền hình Việt là một cuộc chơi dành cho những nhà sản xuất có tâm, cùng lòng đam mê. Khán giả ngày càng khó tính, họ không bao giờ chấp nhận những bộ phim thực hiện cẩu thả, kịch bản thiếu hợp lý, nội dung kém hấp dẫn.

Vì vậy, hơn hết những người làm phim phải luôn ý thức được tình yêu với sản phẩm của chính mình. Bởi, thị trường phim truyền hình đang trong giai đoạn cạnh tranh khốc liệt, những đơn vị làm phim nếu không có định hướng rõ ràng, không đầu tư lâu dài sẽ dần rời khỏi “sân” chơi”.

NSƯT Nguyễn Quốc Hưng - Phó Giám đốc Hãng phim TFS - từng nhận định: “Phim ảnh bây giờ không có "cửa" cho những tay chơi nghiệp dư, làm phim theo kiểu chộp giật. Có thể nói rằng, một cuộc chơi mới đã bắt đầu, một trật tự mới được xác lập và tất nhiên, sẽ xuất hiện những tay chơi mới. Tất cả sẽ chỉ quy về 2 chữ "chuyên nghiệp" - chuyên nghiệp trong ý tưởng kinh doanh, thực hiện phim và cả trong cách PR, phát hành”.

Trong guồng quay không ngừng của xã hội, truyền hình Việt cũng cần có sự bắt nhịp và nỗ lực để thay đổi, không chỉ trong cách làm phim, mà còn cần đa dạng hóa cách phát hành, quảng bá, tiệm cận hơn đến giới trẻ, để những thành công mới sẽ đến, kéo dài một kỷ nguyên hồi sinh thực sự của phim truyền hình Việt, chứ không phải chỉ là “một phút huy hoàng ngắn ngủi rồi chợt tắt”. Và rõ ràng, khán giả Việt chưa bao giờ quay lưng lại với phim ảnh nước nhà, chỉ là đang mong đợi nhiều hơn những sản phẩm thực sự chất lượng và hấp dẫn.

Hoàng Vân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/phim-truyen-hinh-viet-hoi-sinh-ky-vong-o-tuong-lai-5742791.html