Phim về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gây tranh cãi về cách phát hành

Trước ngày khởi chiếu, ê-kíp 'Em và Trịnh' công bố sẽ phát hành hai bản phim khác nhau cùng lúc. Một số khán giả đánh giá đây chỉ là chiêu trò để quảng bá phim.

Là phim điện ảnh đầu tiên về cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Em và Trịnh nhanh chóng thu hút sự chú ý ngay từ khi những thông tin đầu tiên được công bố. Sau nhiều lần hoãn chiếu, dự án – do Phan Gia Nhật Linh đạo diễn, Nguyễn Quang Dũng sản xuất - chốt lịch ra rạp vào tháng 6 nhưng tiếp tục gây bất ngờ vì hình thức phát hành.

Khán giả không chỉ được xem một mà đến hai bản phim ra mắt cùng lúc. Cụ thể, phim Em và Trịnh có thời lượng 136 phút, nội dung trải dài từ khi Trịnh Công Sơn (Avin Lu) còn trẻ đến lúc bước qua tuổi trung niên. Trong khi đó, phim Trịnh Công Sơn dài 95 phút, kịch bản tập trung khai thác tuổi trẻ nhạc sĩ, xoáy sâu vào thời điểm ông sáng tác giữa những năm tháng chiến tranh.

Theo ông Lương Công Hiếu, đại diện phía sản xuất, ban đầu ê-kíp chỉ định làm “một tác phẩm điện ảnh thật chỉn chu”. Song, sau khi xem gần 1.000 giờ quay thì họ “phát hiện ra, có đến hai câu chuyện, hai góc nhìn khác biệt về người nghệ sĩ, mà khía cạnh nào cũng đặc biệt thú vị”.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử điện ảnh Việt Nam có một dự án chọn hướng đi khác thường. Tuy nhiên, những thông tin úp mở của nhà sản xuất vẫn không khỏi khiến khán giả hoang mang. Nhiều người không rõ hai tác phẩm sẽ hoàn toàn độc lập về nội dung lẫn cảnh quay, hay Em và Trịnh chỉ là phiên bản mở rộng (extended version) của Trịnh Công Sơn khi dàn diễn viên không đổi?

Hướng đi thách thức

Thực tế, cách thức phát hành nhiều bản phim cùng lúc không hề mới. Năm 1985, đạo diễn Jonathan Lynn từng thực hiện tác phẩm hài đen kết hợp trinh thám mang tên Clue. Ông dựng ba bản phim với ba cái kết khác nhau và chiếu cùng lúc ngoài rạp.

 Trước Em và Trịnh, trên thế giới có một số dự án cũng làm nhiều bản phim.

Trước Em và Trịnh, trên thế giới có một số dự án cũng làm nhiều bản phim.

Khi xem phim, khán giả có quyền lựa chọn bản phim mong muốn – theo tên gọi Kết A, Kết B, Kết C – hoặc xem ngẫu nhiên như trò may rủi. Một số rạp thậm chí còn không cho người mua vé biết mình sẽ xem bản nào.

Trung bình mỗi bản dài tầm 95 phút. Để xem hết ba cái kết, khán giả phải bỏ ra gần 300 phút ngoài rạp. Vì vậy, dù cách thức phát hành thú vị, Clue vẫn thất bại về doanh thu, chỉ đạt 14,6 triệu USD so với kinh phí 15 triệu USD.

Sau đó, một số đạo diễn cũng muốn thực hiện nhiều phiên bản, tạo những cái kết khác nhau cho phim. Nhưng các nhà sản xuất phim Hollywood không còn dũng khí để chọn hướng phát hành mạo hiểm như Clue.

Điển hình là dự án khoa học viễn tưởng The Butterfly Effect (2004) của hai nhà làm phim Eric Bress và J. Mackye Gruber có đến bốn kết thúc. Vì bất đồng nội bộ, chỉ có một bản phim được chiếu chính thức tại rạp. Khán giả chỉ có thể biết kết thúc thay thế (alternative ending) của các bản còn lại khi mua DVD xem tại nhà.

Năm 2014, đạo diễn Ned Benson cũng có ý tưởng khá táo bạo khi thực hiện dự án phim đầu tay The Disappearance of Eleanor Rigby. Anh kể lại một chuyện tình dưới ba góc nhìn khác nhau, chia thành ba phần và lần lượt đặt tên là Him (anh ấy), Her (cô ấy), Them (họ).

Trong đó, Her khai thác nỗi niềm của nhân vật nữ do Jessica Chastain đóng, Him tập trung hơn về nhân vật nam của James McAvoy, còn Them là cái nhìn toàn diện về mối quan hệ của bộ đôi, lý giải vì sao họ yêu nhau rồi lại chia tay. Sau khi công chiếu tại một số liên hoan phim, chỉ có hai bản Him Her ra rạp cùng lúc dưới dạng “double feature” (phim chiếu đôi).

Theo đạo diễn, đây không phải là ba bản phim mà là ba tác phẩm độc lập. Cách dàn dựng cũng rất khéo léo để khán giả khi xem cả ba không cảm giác câu chuyện trùng lặp hoặc nhàm chán, dù tổng thời lượng lên đến gần 320 phút.

Ý định của Ned Benson cũng khá tương đồng với ê-kíp Em và Trịnh khi mong muốn khán giả có cảm nhận rõ nét nhất về một câu chuyện. Nhưng khi phim ra mắt, nhiều người vẫn không biết nên xem Her hay Him trước.

Khán giả phản ứng

Chưa bàn đến chất lượng phim, cách phát hành của Em và Trịnh lập tức nhận phản hồi trái ngược khi công bố thông tin chính thức. Phần lớn ý kiến trên mạng xã hội cho rằng đây chỉ là chiêu trò của nhà sản xuất nhằm thu hút sự chú ý, nhất là khi dự án có phần giảm nhiệt sau nhiều lần hoãn chiếu.

 Hướng phát hành của ê-kíp gây tranh cãi.

Hướng phát hành của ê-kíp gây tranh cãi.

Một số khán giả thắc mắc vì sao ê-kíp không công bố từ đầu, mà gấp gáp trước khi phim có các suất chiếu sớm chỉ một tuần. Nhà sản xuất hoàn toàn có thể chọn thời điểm hoặc cách thức phát hành khác nhau cho hai bản phim, nhờ đó khán giả cũng dễ theo dõi hơn.

Trái lại, cũng có ý kiến bày tỏ sự ủng hộ khi quyết định sẽ xem cả hai phim. Người yêu nhạc Trịnh đã phải chờ đợi rất lâu để được chứng kiến cuộc đời tài hoa của cố nhạc sĩ trên màn bạc. Chuyện tình của ông với các nàng thơ cũng là một yếu tố hút khách, đặc biệt sau thành công của tác phẩm Thư tình gửi một người – tuyển tập 300 lá thư tình Trịnh Công Sơn từng gửi cho nàng thơ xứ Huế Dao Ánh.

 Nội dung hai bản phim có hoàn toàn độc lập vẫn là một câu hỏi.

Nội dung hai bản phim có hoàn toàn độc lập vẫn là một câu hỏi.

Giống trường hợp The Disappearance of Eleanor Rigby, phần lớn khán giả muốn xem phim không biết nên mua vé Em và Trịnh trước hay Trịnh Công Sơn trước. Lựa chọn này có thể ảnh hưởng đến quyết định và trải nghiệm xem bản phim còn lại.

Với kinh phí xấp xỉ 50 tỷ đồng, có thể xếp Em và Trịnh vào hàng bom tấn Việt. Tuy nhiên, thất bại của 578 – phát đạn của kẻ điên gần đây cho thấy con số tiền tỷ không nói lên được chất lượng phim.

Một bản phim làm đúng kế hoạch chưa chắc hay, hai bản phim ngoài kế hoạch phải thực sự xuất sắc, mới có thể đủ sức kéo khán giả ra rạp mua vé.

Sơn Phước

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phim-ve-nhac-si-trinh-cong-son-gay-tranh-cai-ve-cach-phat-hanh-post1323414.html