Phim Việt đang 'đầu voi đuôi chuột'
Sau thời gian đầu năm bùng nổ và thăng hoa cả về chất lượng nghệ thuật cũng như doanh thu, liên tiếp những tháng gần đây phim Việt không những chững lại mà còn có dấu hiệu đi xuống.
Nhạt nhòa
Là một trong những thời điểm được kỳ vọng trong năm, nhưng dịp lễ Quốc khánh 2-9 vừa qua, phim Việt hoàn toàn thất thu ở phòng vé. Hai phim ra mắt vào thời điểm này gồm: Ngôi nhà bươm bướm (đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh) và Anh thầy ngôi sao (đạo diễn Đức Thịnh) cùng một số tác phẩm ra mắt trước đó 1 tuần: Cậu chủ ma cà rồng (đạo diễn Trần Nhân Kiên) hay Cha ma (đạo diễn Bá Vũ) không ăn khách như mong đợi. Theo đại diện một đơn vị phát hành, trong số những bộ phim nói trên, Anh thầy ngôi sao được xem là có chất lượng nhỉnh hơn, lại không bị gắn nhãn hạn chế khán giả, nhưng doanh thu cũng không đột biến. “Việc phim hòa vốn ở thời điểm này đã là một thành công với các đơn vị sản xuất”, nhà phát hành này cho biết. Chính bởi chất lượng chỉ ở mức trung bình nên các phim nhanh chóng bị đá văng khỏi rạp chiếu, nhường chỗ cho các phim ngoại nhập vừa phong phú, đa dạng về thể loại, vừa phù hợp tâm lý và thị hiếu khán giả Việt.
Nếu lấy mốc điểm là tháng 5, thời điểm bắt đầu mùa phim hè ở Hollywood, cho đến khi kết thúc vào tháng 8, chỉ có 2 sự kiện liên quan đến phim Việt nhưng lại đáng nhớ theo cách không mong muốn. Đầu tiên là trường hợp của Vợ ba (đạo diễn Nguyễn Phương Anh), vừa ra mắt đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt liên quan đến việc sử dụng diễn viên 13 tuổi đóng cảnh nóng. Chỉ sau vài ngày ngắn ngủi công chiếu tại rạp, đơn vị sản xuất đã xin rút phim khỏi hệ thống các rạp chiếu và chấp nhận đóng phạt hành chính. Kế đó, 2 bộ phim thanh xuân vườn trường: Thưa mẹ con đi của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh (dù được đánh giá khá cao nhưng cũng ngậm ngùi chịu cảnh không được ưu ái tại phòng vé) và Tháng 5 để dành của đạo diễn Lê Hà Nguyên (bộ phim hiếm hoi lấy bối cảnh miền quê Bắc bộ khá trong trẻo, hồn hậu cũng ảm đạm không kém).
Hơn 10 phim còn lại, gần như không kèn không trống lặng lẽ rời rạp và chất lượng đang là câu hỏi đáng báo động. Cà chớn, anh đừng đi (đạo diễn Đỗ Cường) tùy tiện và dễ dãi. Thật tuyệt vời khi ở bên em (đạo diễn Luk Vân) hay Tìm chồng cho mẹ (đạo diễn Thủy Trần) lỏng lẻo về kịch bản, thậm chí là phi logic. Ngay cả Ước hẹn mùa thu, dự án Việt hóa của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, nhận được khá nhiều kỳ vọng nhưng cũng không thể tạo nên kỳ tích. Mới đây nhất, Siêu quậy có bầu (đạo diễn Đức Thịnh) với mục đích mang đến cho khán giả một bộ phim mang tính thời sự, xã hội, nhưng cách thể hiện cũng chưa đủ sức lan tỏa.
Có thể thấy, phim điện ảnh Việt hiện nay đang cố gắng bắt nhịp với hơi thở cuộc sống. Ngôi nhà bươm bướm, Thưa mẹ con đi, Siêu quậy có bầu, Tìm chồng cho mẹ… là những câu chuyện mà ta có thể bắt gặp đâu đó trong cuộc sống này. Thế nhưng, từ ý tưởng đến kịch bản và sản phẩm cuối cùng là những thước phim trên màn ảnh rộng, không phải lúc nào cũng được thể hiện một cách thuyết phục, đánh trúng tâm lý khán giả.
Thể nghiệm cũng thất bại
Khi những đề tài về thanh xuân, vườn trường hay những câu chuyện ngôn tình không còn đủ sức níu kéo khán giả đến rạp, nhiều ê kíp sản xuất chấp nhận mạo hiểm khai phá những đề tài mới. Những Vô gian đạo, Người lạ ơi, Cậu chủ ma cà rồng… xứng đáng nhận được lời khen cho tinh thần đột phá đó, nhưng về chất lượng thì không thể bao biện.
Đạo diễn Trần Việt Anh (phim Vô gian đạo) giữ lời hứa khi các tình tiết trong phim cố gắng thật nhất, đời nhất. Nếu về mặt giải trí, bộ phim có thể chấp nhận được, nhưng những hạn chế về đường dây câu chuyện, sự phát triển tính cách và tâm lý nhân vật cũng như cao trào của các cảnh hành động chưa được đẩy lên đỉnh điểm, chưa đủ làm hài lòng khán giả. Tương tự, với Cậu chủ ma cà rồng, đạo diễn Trần Nhân Kiên từng thừa nhận: “Tôi không muốn mọi người cho rằng bộ phim chỉ đang làm màu bằng cái tên ma cà rồng, mà muốn tất cả người xem nhận ra sự nghiêm túc của ê kíp trong việc xây dựng cốt chuyện xoay quanh đó”. Xét về mặt ý tưởng, bộ phim rõ ràng là một món ăn mới lạ, nhưng so với kỳ vọng và mục tiêu ban đầu, phim có vẻ đi chệch hướng và cuối cùng, trở thành tác phẩm đầy những sự vô lý, chắp vá. Trường hợp của Người lạ ơi với một kịch bản thuộc diện “xưa nay hiếm” của điện ảnh Việt nhưng bộc lộ không ít sự vụng về, lúng túng và cả phần gượng gạo.
Không còn những doanh thu hàng trăm tỷ đồng như thời điểm các tháng đầu năm, nhiều phim Việt đã ra mắt trong vòng nửa năm qua chỉ mong hòa vốn, nhưng đa phần đều lặng lẽ rời rạp. Ba tháng cuối năm 2019, liệu thị trường có khởi sắc trở lại? Người hâm mộ điện ảnh Việt vẫn đang hy vọng vào một số tác phẩm đã được chú ý thời gian qua. Đó là phim kinh dị Việt dựa trên vụ án có thật từng gây chấn động Thất sơn tâm linh (tên cũ là Thiên linh cái); Mắt biếc được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh; Chị chị em em, tác phẩm đầu tay của đạo diễn Kathy Uyên với tham vọng là “bom tấn” xứng tầm Hollywood của điện ảnh Việt; Hoa hậu giang hồ (đạo diễn Lương Mạnh Hải), về cuộc chiến nhan sắc… Một số dự án khác có thể kể đến như Nắng 3 - Lời hứa của cha (đạo diễn Đồng Đăng Giao), Anh trai yêu quái (đạo diễn Vũ Ngọc Phượng), Bắc kim thang (đạo diễn Trần Hữu Tấn), Pháp sư mù (đạo diễn Lý Minh Thắng - Huỳnh Lập)…
“Bộ phim ăn khách thực sự phải có chất lượng, có điểm mạnh... Nhà làm phim phải đạt thang điểm trong mắt và sự đánh giá của khán giả mới có thể bán vé”, chia sẻ của đạo diễn Đức Thịnh khá thấm thía.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/phim-viet-dang-dau-voi-duoi-chuot-619537.html