Phim Việt dự Oscar: Xét theo tiêu chí nào?
Với 'Đào, phở và piano', một lựa chọn tham dự Oscar năm nay, đây có thể là phim từng gây sốt phòng vé vì một vài lý do có tính tức thời.
Theo thông tin từ Cục Điện ảnh, bộ phim “Đào, phở và piano” (đạo diễn Phi Tiến Sơn) đại diện Việt Nam tham dự vòng sơ tuyển cho hạng mục Phim truyện quốc tế tại giải thưởng Oscar lần thứ 97.
Là giải thưởng hằng năm của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ, Oscar có sức ảnh hưởng lớn, quy tụ những nhà làm phim và nghệ sĩ hàng đầu thế giới.
Từ năm 1993, Việt Nam bắt đầu gửi tác phẩm tham dự giải thưởng danh giá này. Có những năm bị gián đoạn. 10 năm trở lại đây, chúng ta đều đặn tham dự. Song cũng chưa có tín hiệu khả quan nào, ngoại trừ bộ phim “Mùi đu đủ xanh” (đạo diễn Trần Anh Hùng) được vào vòng đề cử. Ngay bộ phim này cũng chỉ lấy quốc tịch Việt Nam cho hợp lệ, không phải là phim của điện ảnh Việt.
Phim truyện Việt không qua được vòng loại giải Oscar hàng năm có lẽ là điều mà đơn vị quản lý như Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lường trước được. Khán giả và các nhà làm phim cũng không bất ngờ, hiểu rõ mình đang ở đâu, và mục đích ban đầu của việc gửi tác phẩm tham dự là gì.
Chỉ có điều, dường như tiêu chí chọn tác phẩm tham dự giải thưởng điện ảnh này chưa được thống nhất về tiêu chí. Khi là phim doanh thu cao phòng vé, khi là phim từng đoạt giải thưởng ở liên hoan phim quốc tế nào đó, khi là phim về lịch sử - chiến tranh. Thậm chí có phim chẳng rõ chọn theo tiêu chí nào.
Với “Đào, phở và piano”, một lựa chọn tham dự Oscar năm nay, đây có thể là phim từng gây sốt phòng vé vì một vài lý do có tính tức thời. Đây cũng là phim tốt về mặt đề tài, được làm từ ngân sách Nhà nước. Song nhìn ở góc độ chuyên môn, thì “Đào, phở và piano” chưa xứng tầm với những lời khen ngợi có cánh, mặt khác còn vụng về, thô mộc.
Với một nền điện ảnh thiếu sức bật như điện ảnh Việt Nam hiện nay, việc tham dự giải Oscar nghiêng nhiều về khía cạnh giao lưu, quảng bá văn hóa. Các tác phẩm lựa chọn tham dự vòng loại cần có ngôn ngữ điện ảnh hàm súc, góc khai thác mang đậm dấu ấn tâm hồn Việt, văn hóa Việt.
Mặt khác, Oscar cũng là cơ hội lớn của mọi nền điện ảnh. Bộ phim “Ký sinh trùng” của Hàn Quốc đoạt 4 giải thưởng Oscar năm 2020 là một dẫn chứng tiêu biểu, đem tới vinh quang và cả lợi nhuận khổng lồ dưới góc nhìn công nghiệp văn hóa. Song ai cũng hiểu để có được vinh quang ấy, Hàn Quốc phải chuẩn bị, lao động nghệ thuật cật lực và chờ đợi rất nhiều năm.
Vậy nên, thay vì gửi phim tham dự Oscar có tính bị động, đối phó, gửi cho có thì điện ảnh Việt cần một lộ trình dài hơi để nâng cấp vị thế, nâng tầm các tác phẩm điện ảnh. Cần một tầm nhìn dài hơi với những hành động quyết liệt chứ không phải là tư duy theo nhiệm kỳ cùng thái độ như thể “cha chung không ai khóc”.
Thay đổi bản thân luôn là điều rất khó. Liệu chúng ta có thay đổi được không?
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/phim-viet-du-oscar-xet-theo-tieu-chi-nao-post703219.html