Phim Việt thất bại: Vì chưa chạm tới trái tim khán giả
Chưa hết một tháng đầu năm của năm mới 2021 nhưng công chúng đã chứng kiến tổn thất hàng chục tỷ đồng từ thất bại của hàng loạt phim Việt.
Từ ngày 25/1, cụm rạp CGV và Lotte đã rút phim “Cậu Vàng” khỏi các rạp chiếu của mình vì tình trạng rạp vắng tanh, chi phí chiếu phim không đủ bù đắp chi phí vận hành.
Việc “Cậu Vàng” sớm bị rút khỏi phòng chiếu không hề bất ngờ, bởi từ khi chưa ra mắt, phim đã liên tục dính phải tranh cãi theo chiều hướng tiêu cực. Đầu tiên là tranh cãi về việc lựa chọn một chú chó giống Nhật Bản thay vì một giống chó Việt Nam đã khiến cộng đồng mạng phản ứng dữ dội.
Một cảnh trong phim “Cậu Vàng”.
Dù sau đó đoàn làm phim lên tiếng giải thích về lựa chọn rằng chó Shiba dễ huấn luyện để đóng phim hơn và sẽ sử dụng kỹ xảo, hóa trang để mang đến hình ảnh chú chó thuần Việt, nhưng các giải thích vẫn không làm thỏa mãn người hâm mộ.
Bên cạnh đó, nội dung “Cậu Vàng” làm không tốt, bộ phim được cho là nhạt nhẽo, nghiệp dư, không truyền tải được nhiều cảm xúc đến khán giả. Phim còn bị chê khi cố nhồi nhét nhiều tuyến truyện: lão Hạc, chuyện tình mợ Ba, gia đình Bá Kiến... khiến tổng thể tác phẩm chỉ là những mảnh ghép rời rạc. Ngoài ra, nhiều phát ngôn từ thành viên đoàn làm phim khá ngô nghê, thách thức khán giả, khiến bộ phim liên tiếp bị tẩy chay trên diện rộng.
Ước tính, doanh thu của “Cậu Vàng” đang rơi vào khoảng 3,5 tỷ đồng, lỗ khoảng hơn 20 tỷ sau 2 tuần công chiếu.
Một bộ phim khác là “Võ sinh đại chiến” kinh phí 22 tỷ, thu về chỉ 1 tỷ đồng vì lịch chiếu quá ít và rơi vào các khung giờ thấp điểm. Đạo diễn Bá Cường nói: “Có những rạp một ngày chỉ có 4 suất thì làm sao khán giả coi được?”.
Một thất bại khác của phim Việt trong những ngày đầu năm mới là “Người quên phải nhớ”. Dù không phải rút phim khỏi rạp nhưng “Người cần quên phải nhớ” cũng vấp phải thất bại nặng nề tại phòng vé khi chỉ thu được 1,9 tỷ đồng. Trong một cuộc tọa đàm, nhà sản xuất “Người quên phải nhớ”, Charlie Nguyễn cho biết bộ phim của anh thua lỗ 1 triệu USD (khoảng 23 tỷ đồng).
“Tôi không nghĩ “Người cần quên phải nhớ” là bộ phim tồi tệ. Nhưng tôi chắc chắn nó không phù hợp với nhu cầu thị trường này, không đáp ứng nhu cầu của khán giả bây giờ. Nhu cầu ấy thay đổi hằng ngày chứ không phải hằng năm. Khi làm phim, mình theo “trend” (xu hướng) này thì đến khi phim ra, “trend” đã thay đổi rồi. Nếu “Người cần quên phải nhớ” ra rạp vào mấy năm trước, sẽ có nhiều bạn trẻ hưởng ứng”, Charlie Nguyễn cho biết.
Phim “Sám hối” ra rạp ngày 15/1, đầu tư đến 50 tỷ đồng nhưng sau 10 ngày chiếu doanh thu ước đạt chưa tới 1 tỷ đồng bởi vấp nhiều lời chê bai về nội dung, tác phẩm lộ lỗ hổng kịch bản với câu chuyện người cha võ sĩ cứu con gái mắc bệnh nan y.
Với “Trạng Tí” của “đả nữ” Ngô Thanh Vân được đầu tư tới 43 tỷ đồng cũng khá ảm đạm khi chưa ra rạp đã gặp làn sóng tẩy chay. Nhiều khán giả tẩy chay “Trạng Tí” vì cho rằng ê-kíp vi phạm quyền tác giả khi làm việc với công ty Phan Thị - chủ sở hữu bản quyền truyện tranh Thần đồng đất Việt (kịch bản gốc), thay vì hợp tác với họa sĩ Lê Linh - cha đẻ nhân vật Trạng Tí.
Nhìn chung, nhiều nhà phân tích phim đều thống nhất rằng, các thất bại bạc tỷ này đều có điểm chung là còn yếu ở các khâu như truyền thông, tiếp thị; không có gương mặt diễn viên hút khán giả; phim mới dừng ở mức chỉn chu, sạch sẽ, chưa quá xuất sắc. Nhưng như chính Nhà sản xuất Charlie Nguyễn thừa nhận: “Tôi nghĩ một bộ phim thất bại vì câu chuyện chưa chạm tới trái tim khán giả. Nhà làm phim chưa kể một câu chuyện đủ hay”.
Chạm tới trái tim, chỉ có như vậy mới có thể thành công, nhất là khi công chúng ngày càng khó tính trong thưởng thức nghệ thuật.