Phim Việt và tham vọng tái dựng bối cảnh sát lịch sử
Phục trang, tạo hình, bối cảnh trong phim có yếu tố lịch sử ngày càng được điện ảnh Việt chăm chút. Loạt cú 'ngã ngựa' đau điếng của phim lịch sử cẩu thả về 'phần nhìn' trở thành bài học nhãn tiền cho nhà sản xuất đi sau. Dù khó, dù kinh phí lớn, nhưng họ hiểu: đầu tư 'phần nhìn' không chỉ là công thức ăn khách mà còn góp công lớn trong việc gìn giữ và truyền bá văn hóa dân tộc.
Đạo diễn Victor Vũ vừa công bố clip hậu trường dàn dựng bối cảnh bộ phim “Người vợ cuối cùng”, dự kiến ra rạp vào đầu tháng 11 tới. Dù chưa ra mắt nhưng qua thước phim hậu trường cùng những hình ảnh, trailer công bố trước đó, đây là dự án hiếm hoi nhận được “cơn mưa” lời khen từ công chúng, giới chuyên môn và nhà nghiên cứu lịch sử cho phần phục trang, bối cảnh.
“Người vợ cuối cùng” không phải là phim chính sử, mà chỉ mượn bối cảnh làng quê Bắc bộ thế kỷ XIX để kể câu chuyện về nỗi đau của người phụ nữ thấp cổ bé họng. Tuy vậy, đạo diễn Victor Vũ mong muốn bộ phim mang đến những khung hình chân thực nhất, tiệm cận hình ảnh tư liệu để người xem, nhất là khán giả trẻ được dịp tiếp cận và tự hào về nét đẹp văn hóa của người xưa.
Clip hậu trường hé lộ sự nỗ lực và kỳ công của ekip để phục dựng ngôi làng Cua Ngộp - một làng quê Bắc bộ đặc trưng với phiên chợ quê, mái đình, bến nước, cổng làng, phủ quan… Điều được khen ngợi hơn cả chính là phục trang bám sát trang phục của người dân Bắc bộ thế kỷ XIX. Váy đụp, áo ngũ thân, nón quai thao đến những tiểu tiết như kiểu tóc búi bánh lái, tóc vắn, kiềng cổ, chiếc nơm, chén bát… được chăm chút tỉ mỉ, trung thành với các tư liệu lịch sử để lại. Ekip vẫn có sự sáng tạo khi phối hợp nhuần nhuyễn nét đẹp văn hóa ba miền, đồng thời làm bật lên cá tính nhân vật qua mỗi bộ trang phục.
Nhà sản xuất, diễn viên Đinh Ngọc Diệp chia sẻ: "Toàn bộ cổ phục đều được may đo riêng cho từng diễn viên. Hàng trăm diễn viên là hàng trăm bộ đồ, hàng nghìn mét vải. Chính tôi cũng rất ngạc nhiên với sự chăm chút tỉ mỉ trong từng chi tiết của ekip mỹ thuật. Một bộ trang phục thời xưa thường có từ ba đến bốn lớp, và dù cho những lớp bên trong không được nhìn thấy đi chăng nữa thì ekip mỹ thuật vẫn yêu cầu diễn viên mặc đầy đủ để cảm nhận được hết giá trị của bộ trang phục cha ông”.
“Tết ở làng Địa Ngục” vừa lên sóng Netflix và K+ nhanh chóng leo lên top thịnh hành nhờ câu chuyện hấp dẫn cùng bối cảnh, tạo hình diễn viên được đầu tư kỹ lưỡng. Câu chuyện kinh dị, u ám xảy ra ở ngôi làng Địa Ngục cũng diễn ra ở miền thôn quê Bắc bộ thời phong kiến. Từ mái lá, vách nứa đến hoa văn trên áo nhân vật đều được tổ thiết kế chăm chút tỉ mỉ.
Cách đây ba năm, series phim “Phượng Khấu” được coi là bộ phim lịch sử đầu tiên nhận được “cơn mưa” lời khen cho “phần nhìn”. Với tuyên bố sẽ làm phim sát sử nhất có thể, bộ phim của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh giành được nhiều kỳ vọng của khán giả lẫn giới sử học bởi đây là dự án đầu tiên nghiên cứu và sử dụng khá chính xác trang phục thời Nguyễn. Phim kể về cuộc đời thăng trầm của Thái hậu Từ Dụ với bao sóng gió chốn hậu cung. Ekip chịu chi kinh phí lớn cho khâu phục trang, từ tà áo, mũ mão đến chiếc khuy đều được gia công tỉ mỉ bởi những người thợ xứ Huế.
So với trước đây, điện ảnh Việt ngày càng ưu tiên cho chất lượng. Số phim có mức đầu tư lên đến hàng triệu đô la không còn thuộc diện hiếm thấy khó tìm. Trong đó, phần ngốn kinh phí nhiều nhất là bối cảnh, tạo hình nhân vật sao cho thuyết phục. Với phim xưa, nhất là phim khai thác về các triều đại phong kiến, nhà sản xuất phải chịu chi thì mới có thể làm nên bộ phim ra tấm ra món. Đạo diễn Victor Vũ tuy không tiết lộ con số cụ thể để phục dựng bối cảnh, phục trang của “Người vợ cuối cùng” nhưng anh cho biết mức đầu tư gấp đôi so với các dự án trước đây. NSND Hồng Vân thừa nhận sự chăm chút cho phục trang, tạo hình giúp diễn viên dễ dàng hóa thân và thăng hoa hơn trong vai diễn.
Sự cẩu thả của các phim lịch sử như “Huyền sử vua Đinh” hay trang phục na ná Trung Quốc trong nhiều phim Việt khiến khán giả lên án dữ dội. Dù chưa xem nội dung, nhưng sự đầu tư hời hợt cho “lớp áo” bề ngoài đã khiến khán giả ít nhiều đoán được nội dung dở tệ của bộ phim. “Phần nhìn” mãn nhãn là yếu tố quan trọng bảo chứng cho chất lượng, giúp tác phẩm ghi điểm đầu tiên với công chúng. Xem qua trailer của “Người vợ cuối cùng”, rất nhiều khán giả háo hức đặt vé sớm, nóng lòng chờ ngày công chiếu.
Dẫu biết vai trò quan trọng của trang phục, bối cảnh nhưng không phải nhà sản xuất nào lắm tiền cũng dễ dàng thực hiện. Sở dĩ “Người vợ cuối cùng”, “Tết ở làng Địa Ngục” và “Phượng Khấu” được khen ngợi bởi niên đại trong phim chưa quá xa. Những hình ảnh, tư liệu, hiện vật về người Việt thế kỷ XIX và các triều vua Nguyễn vẫn còn được lưu giữ khá nhiều trong sách ảnh của người Pháp, trong các bảo tàng, di tích… Đạo diễn Victor Vũ cho biết ekip may mắn khi tiếp cận được nhiều nguồn tham khảo, trong đó có sách của một số tác giả người Pháp và các nhà cố vấn lịch sử. “Phượng Khấu” thì được sự giúp sức của nhóm nghiên cứu cổ phục “Ỷ Vân Hiên” và nhiều nhà sử học tên tuổi như GS Lê Văn Lan, TS Nguyễn Khắc Thuần, nhóm “Thiên Nam Lịch đại Hậu phi”. Nhờ nguồn tham khảo đáng tin cậy, nhà sản xuất dễ dàng phục dựng sát sử, ít vấp phải ý kiến phản biện, chê bai.
Thế khó thuộc về phim khai thác những triều đại xa hơn, chẳng hạn như thời nhà Lê, nhà Trần, hay thời Âu Lạc... Nguồn tư liệu, hình ảnh về trang phục, bối cảnh thời kỳ này rất ít ỏi, hầu hết đã mất mát, thất lạc.Công chúng đòi hỏi ở điện ảnh tính chân thực, nhất là phim mang tính chính sử. Dù là phim dã sử, yếu tố này cũng phải được tôn trọng phần nhiều bởi sai lệch một chi tiết nhỏ cũng dễ gây ra lùm xùm không đáng có, phá nát tinh thần tác phẩm. Chính yêu cầu khắt khe này nên các nhà làm phim tỏ ra chùn tay trước phim có yếu tố lịch sử.
Mới “nhá” vài hình ảnh đầu tiên về tạo hình nhân vật Thái hậu Dương Vân Nga trong dự án “Quỳnh hoa nhất dạ”, nhà sản xuất - diễn viên Thanh Hằng liên tục bị công chúng lên án, công kích là trang phục lai căng, lệch sử. Riêng các bộ phim lịch sử trước đây lại thường bị cho là như sân khấu, nặng tính ước lệ, lòe loẹt và không đúng niên đại.
Lên kế hoạch quay “Huyết rồng”, nhưng mãi đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh vẫn chưa thể khởi động vì còn quá nhiều thứ chưa chuẩn bị xong. Trong đó, trang phục thời vua Lê Long Đĩnh là một thử thách không nhỏ. Mặc dù nhiều nhóm nghiên cứu cổ phục tái hiện phần nào vài trang phục ở thời Tiền Lê, thời Lý, nhưng chừng đó không đủ để làm nên một bộ phim cần hàng trăm bộ trang phục cho vua quan đến nô tì, thường dân. Cùng cảnh ngộ, dự án phim “Trưng Vương” của nhà sản xuất, diễn viên Trương Ngọc Ánh tái hiện cuộc chiến hào hùng của Hai Bà Trưng vẫn giậm chân tại chỗ sau nhiều năm công bố. Trang phục, đạo cụ sao cho sát sử, nêu bật tinh thần dân tộc là bài toán hóc búa khó giải.
Dẫu biết chăm chút cho phục trang, bối cảnh là yếu tố bảo chứng ban đầu nhưng trường hợp của “Phượng Khấu” khiến khán giả vẫn lắc đầu ngao ngán: chiếc áo không làm nên thầy tu. Trang phục sát sử đến từng đường kim mũi chỉ, bối cảnh tái hiện cung đình Huế uy nghiêm, lộng lẫy nhưng cuối cùng “Phượng Khấu” lại là một bộ phim thất bại. Hàng loạt lỗi kỹ xảo và sự vô lý, vụng về của kịch bản, sự chênh lệch tuổi tác diễn viên so với tuổi thật nhân vật khiến bộ phim sượng trân và rất kịch. Vậy nên, sự đầu tư phải đồng bộ, “phần nhìn” ổn thì “phần nghe”, “phần cảm” cũng phải tương xứng.