Phnom Penh tiến hành giải tỏa vài trăm nhà thuyền của người gốc Việt
Hôm nay, chính quyền thủ đô Phnom Penh của Campuchia bắt đầu giám sát việc tháo dỡ các xóm nhà nổi trên sông Tonle Sap, dù nhiều người dân sống lâu năm ở đó nói rằng họ không có nơi nào để đi.
Có khoảng 2.000 ngôi nhà ở xóm nhà nổi Phat Sanday. (Ảnh: CNA)
Suốt mấy thế hệ, những ngôi nhà thuyền bằng gỗ ở Phnom Penh vừa là nơi ở vừa là phương tiện kiếm sống của nhiều gia đình gốc Việt.
“Ông bà bố mẹ chúng tôi đã sống ở đây”, Kith Dong, 54 tuổi, nói với Reuters khi ông và gia đình đang dỡ ngôi nhà làm bằng khung gỗ và mái tôn ở huyện Prek Pnov.
Ông nói rằng thành phố không cho gia đình ông đủ thời gian để chuyển chỗ ở. “Nếu họ cho thêm vài tháng, chúng tôi sẽ có thời gian làm một ngôi nhà”, ông nói.
Chính quyền Phnom Penh nói rằng các xóm nhà nổi gây ra các vấn đề y tế, khi những túi rác và nước thải không được xử lý bị xả trực tiếp xuống sông.
Ngày 11/6, ông Si Vutha, trưởng ban quản lý đất đai của huyện Prek Pnov, bắt đầu giám sát việc dỡ nhà.
“Có 316 ngôi nhà mà chúng tôi phải di dời trong hôm nay. Những ngôi nhà này ảnh hưởng đến vẻ đẹp của thành phố và môi trường. Nếu ngồi trên thuyền, mùi bốc lên rất khó chịu”, ông Si Vutha nói với Reuters.
Quan chức này cho biết việc trục xuất các gia đình là để làm sạch thủ đô trước khi Phnom Penh đăng cai SEA Games 2023, vì một sân vận động mới xây chỉ nằm cách đó vài kilomet.
“Có hàng trăm loại virus ở đây, các du khách nước ngoài sẽ đến và nhìn đất nước chúng tôi như thế này sao?” ông Vutha nói.
Nhưng các gia đình nói rằng việc giải tỏa được tiến hành quá sớm và đặt câu hỏi vì sao họ phải chuyển đi từ bây giờ khi SEA Games còn hơn 1 năm nữa mới diễn ra.
Ông Si Vutha không nói cụ thể vì sao việc dọn dẹp phải được thực hiện bây giờ.
Dang Van Chau, 57 tuổi, di cư từ Việt Nam sang Campuchia cách đây hơn 20 năm. Gia đình ông sống dựa vào nguồn cá từ nguồn nước xung quanh nhà nổi của họ. Ông nói rằng năm nay ít cá, nên gia đình ông không có tiền để chuyển nhà. “Tôi không biết đi đâu, tôi không có mảnh đất nào cả”, ông Chau nói.
Việt Nam đề nghị Campuchia có lộ trình hợp lý
Cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia cho biết ngày 2/6, chính quyền Phnom Penh đã thông báo kế hoạch di dời các công trình là nhà nổi, bè nuôi cá trên mặt sông Mekong khu vực Phnom Penh, trong đó có các công trình của người gốc Việt.
Ngày 7/6 vừa qua, tại cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Vương quốc Campuchia Prak Sokhonn, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã đề nghị Campuchia tiếp tục quan tâm, giải quyết vấn đề địa vị pháp lý cho người gốc Việt tại Campuchia.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị các cơ quan chức năng của Campuchia trong quá trình triển khai các chính sách, biện pháp về kinh tế - xã hội cần lưu ý có lộ trình hợp lý, bảo đảm quyền lợi và an sinh của người gốc Việt, tạo điều kiện cho những người bị ảnh hưởng sớm ổn định cuộc sống, duy trì hoặc chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp và tiếp cận đầy đủ các dịch vụ thiết yếu.
Ngày 4/6, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Vũ Quang Minh trực tiếp đến thăm hỏi, động viên bà con gốc Việt tại khu vực bị di dời. Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) và Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia đã trao đổi với phía Campuchia, đề nghị tạo điều kiện thuận lợi, có các biện pháp hỗ trợ thiết thực cho bà con tái định cư, đảm bảo tính nhân đạo và quyền lợi chính đáng của người dân.
Phía Campuchia ghi nhận các ý kiến của Việt Nam, khẳng định Chính phủ Campuchia sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên, doanh nghiệp việt Nam học tập, làm ăn và người gốc Việt sinh sống ổn định tại Campuchia.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, Việt Nam thông hiểu chính sách phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ cảnh quan, môi trường của Campuchia, đồng thời mong rằng việc di dời được triển khai với lộ trình hợp lý và khả thi, có bố trí khu vực tái định cư với đầy đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu, giúp người dân thuộc diện di dời sớm ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội.
Trong thời gian qua, các Cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia đã hỗ trợ Hội Khmer – Việt Nam tại Campuchia giúp nhiều hộ dân người gốc Việt chuyển đến nơi ở mới theo chủ trương của Chính phủ Campuchia. Đến nay, cuộc sống của một số bà con đã di dời bước đầu đi vào ổn định.
Bà Hằng cũng cho biết, các Cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình triển khai kế hoạch di dời của Campuchia và tình hình của cộng đồng người gốc Việt ở Campuchia, phối hợp với Hội Khmer - Việt Nam tại Campuchia kịp thời có các biện pháp thiết thực hỗ trợ bà con.