Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk: Tri thức số là chìa khóa vàng của tương lai

Chuyển đổi số tạo ra kinh tế số, phát triển bền vững, tiêu hao ít tài nguyên thiên nhiên, vừa tạo ra tài nguyên mới, góp phần nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, vì môi trường số không biên giới, không khoảng cách.

Con đường tất yếu để đi đến thành công

Sáng 15/7, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức chương trình "Đắk Lắk số". Đây chính là bước khởi đầu cho một hành trình phát triển nhanh hơn, bền vững hơn của tỉnh Đắk Lắk.

Tại chương trình, các đại biểu đã tham quan khu vực trưng bày công nghệ của VNPT Đắk Lắk, Viettel Đắk Lắk, trải nghiệm thực tế các nền tảng số, ứng dụng AI hỗ trợ cán bộ, công chức và người dân trong tra cứu quy định, quy trình liên quan đến phân cấp, phân quyền và AI hỗ trợ cán bộ, người dân trong thực hiện thủ tục hành chính công.

Toàn cảnh chương trình "Đắk Lắk số".

Toàn cảnh chương trình "Đắk Lắk số".

UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã đánh giá kết quả bước đầu triển khai các nền tảng số phục vụ chính quyền địa phương 2 cấp, đặc biệt là thí điểm tại 3 phường Ea Kao, Tân Lập, Tân An và chính thức nhân rộng cho tất cả các xã, phường trong toàn tỉnh.

Các lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk đã chính thức nhấn nút khởi động thi công dự án "Xây dựng hạ tầng chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030".

Đây là dự án hạ tầng số trọng điểm, tạo nền móng căn bản, đồng bộ, lâu dài cho hành trình phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, công dân số. Dự án này đang được đề xuất là công trình chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk nhiệm kỳ 2025-2030.

Bà Hồ Thị Nguyên Thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, đến thời điểm hiện nay, chính quyền mới 2 cấp đã vận hành tròn 15 ngày, tạo nên dấu mốc lịch sử quan trọng trong tổ chức bộ máy hành chính địa phương, cũng như lịch sử phát triển của đất nước.

Bộ máy mới đi vào hoạt động ở tỉnh Đắk Lắk, đã kịp thời giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp, không để gián đoạn, ách tắc việc thực hiện thủ tục hành chính theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương.

Bà Hồ Thị Nguyên Thảo – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại chương trình.

Bà Hồ Thị Nguyên Thảo – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại chương trình.

Nhờ có sự lãnh đạo, vận hành thử nghiệm và rút kinh nghiệm nên cán bộ, công chức của Đắk Lắk từ cấp tỉnh đến 102 xã, phường đã thích ứng nhanh với nhiệm vụ mới, tỉnh thần trách nhiệm được nâng cao hơn.

Đây là khởi đầu quan trọng, khẳng định hiệu quả bước đầu của mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, tiến tới xây dựng nền hành chính hiện đại, minh bạch, phục vụ nhân dân tốt hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh Đắk Lắk trong giai đoạn mới.

"Tỉnh Đắk Lắk của chúng ta muốn vươn lên trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển, có thu nhập cao, đảm bảo tốt các vấn đề an sinh xã hội cho đồng bào các dân tộc của tỉnh, thì chuyển đổi số là con đường tất yếu để đi đến thành công.

Chuyển đổi số tạo ra kinh tế số với tốc độ tăng trưởng GRDP cao; phát triển bền vững, tiêu hao ít tài nguyên thiên nhiên, vừa tạo ra tài nguyên mới là dữ liệu dùng chung. Từ đó, góp phần nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, vì môi trường số không biên giới, không khoảng cách.

Chuyển đổi số thành công giúp cho bất cứ ai, ở bất cứ đâu, chỉ cần có sóng di động và điện thoại thông minh là có thể tiếp cận dịch vụ số", bà Hồ Thị Nguyên Thảo nhấn mạnh.

Các lãnh đạo tỉnh nhấn nút khởi động thi công dự án "Xây dựng hạ tầng chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030".

Các lãnh đạo tỉnh nhấn nút khởi động thi công dự án "Xây dựng hạ tầng chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030".

Phát động 100 ngày cao điểm thực hiện "Bình dân học vụ số"

Đặc biệt, tại chương trình, Ban Chỉ đạo tỉnh Đắk Lắk đã phát động 100 ngày cao điểm thực hiện phong trào "Bình dân học vụ số", triển khai đến từng thôn, buôn, khu phố, nhằm phổ cập tri thức số, kỹ năng số cho người dân.

Từ đó, để mọi người dân đều có thể nắm bắt, khai thác và thụ hưởng thành quả mà khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số mang lại.

Chương trình diễn ra trong 100 ngày, từ 15/7-25/10/2025, với hệ thống 10 mục tiêu, chỉ tiêu chính cần đạt được trong công tác chuyển đổi số, triển khai bình dân học vụ số tại địa phương.

Hệ thống mục tiêu, chỉ tiêu này được xây dựng theo hướng "mở" và "động", được rà soát bổ sung, cập nhật, điều chỉnh thường xuyên sau mỗi giai đoạn, đảm bảo phù hợp thực tiễn và khả năng triển khai của tỉnh Đắk Lắk.

Ông Đỗ Hữu Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh Đắk Lắk phát động 100 ngày cao điểm thực hiện phong trào "Bình dân học vụ số".

Ông Đỗ Hữu Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh Đắk Lắk phát động 100 ngày cao điểm thực hiện phong trào "Bình dân học vụ số".

Phát biểu phát động chương trình, ông Đỗ Hữu Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh Đắk Lắk cho hay, 100 ngày cao điểm thực hiện "Bình dân học vụ số" là khoảng thời gian cực kỳ quý giá cho chúng ta triển khai thật nhanh, thật hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, thiết thực, nhất là trong bối cảnh mô hình chính quyền địa phương 2 cấp mới chính thức đi vào hoạt động đúng 15 ngày, còn nhiều khó khăn, vướng mắc, bỡ ngỡ của cán bộ công chức và người dân.

Ông Đỗ Hữu Huy đề nghị cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở phải vào cuộc một cách đồng bộ, chủ động và quyết liệt. Các sở, ban, ngành, địa phương cần chủ động đầu tư trang thiết bị, đảm bảo nguồn nhân lực. Đồng thời, rà soát lại chương trình đào tạo, tổ chức các lớp phổ cập kỹ năng số phù hợp với từng đối tượng.

Mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên các tổ chức chính trị - xã hội phải là những người đi đầu, gương mẫu trong việc học và hỗ trợ người dân tiếp cận công nghệ. Các trường học, trung tâm giáo dục cộng đồng, thư viện, nhà văn hóa cần mở cửa rộng rãi, trở thành nơi lan tỏa tri thức số đến từng bản làng, thôn, xóm.

Các đơn vị ký cam kết đồng hành cùng 100 ngày cao điểm thực hiện phong trào "Bình dân học vụ số".

Các đơn vị ký cam kết đồng hành cùng 100 ngày cao điểm thực hiện phong trào "Bình dân học vụ số".

Doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp về công nghệ, doanh nhân, các tổ chức xã hội hãy cùng chung tay: hỗ trợ thiết bị, xây dựng nội dung đào tạo, chia sẻ giải pháp số, đồng hành cùng chính quyền để không ai bị bỏ lại phía sau...

"Chúng ta hãy cùng bắt đầu từ hôm nay, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, nhưng với niềm tin lớn nhất, rằng: "Tri thức số là chìa khóa vàng của tương lai, là sức mạnh của nhân dân, là nền tảng của một Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc và hạnh phúc.

Tôi kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, bà con nhân dân, từ phường trung tâm đến các xã vùng xa, miền núi, từ đồng bào Kinh đến các dân tộc anh em Ê Đê, M’nông, Tày, Nùng… hãy cùng nhau nỗ lực, học tập, lan tỏa tinh thần phong trào "Bình dân học vụ số", vì một Đắk Lắk đổi mới và phát triển", ông Đỗ Hữu Huy cho hay.

Khánh Ngọc

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/pho-bi-thu-tinh-uy-dak-lak-tri-thuc-so-la-chia-khoa-vang-cua-tuong-lai-204250715093419284.htm