Phố bích họa Phùng Hưng khoác 'áo mới' đón xuân Quý Mão

Sau thời gian cải tạo, với những sắc màu mới, đa dạng các hình vẽ, phố bích họa Phùng Hưng lại toát lên hình ảnh đậm nét hoài cổ, nghệ thuật nhưng đầy sáng tạo và hiện đại. Sự đổi mới đó đã giúp phố bích họa Phùng Hưng thu hút nhiều người dân và khách du lịch đến tham quan, chụp ảnh nhiều hơn.

Từ năm 2018, khi đưa vào khai thác sử dụng, phố bích họa Phùng Hưng đã trở thành điểm đến lý tưởng của người dân trong nước và du khách nước ngoài. Tuy nhiên, sau 4 năm đưa vào sử dụng, dưới sự tác động của môi trường và người dân, nhiều tác phẩm đã bị phai màu hư hỏng hoặc xuống cấp nặng nề, khiến du khách dần lãng quên con đường nghệ thuật này. Đứng trước thực trạng đó, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội đã phối hợp với nhóm nghệ sĩ tiến hành chỉnh trang, làm mới lại con phố trước thềm Tết Nguyên đán Quý Mão.

Các tác phẩm dần trở lại hiện trạng ban đầu

Phó trưởng ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, bà Trần Thị Thúy Lan, cho biết: “Không chỉ phố bích họa Phùng Hưng mà sự ra đời các không gian nghệ thuật công cộng khác đã mang lại rất nhiều lợi ích cho cộng đồng cũng như sự phát triển của đất nước. Những người dân sinh sống tại địa phương cũng có thể kinh doanh để kiếm thêm thu nhập cải thiện đời sống vật chất, tinh thần.

Đồng thời, nó còn góp phần bảo tồn các di sản văn hóa và giao lưu văn hóa vùng miền khác nhau cũng như thu hút được nhiều khách du lịch đến với Hà Nội nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung. Từ đó thúc đẩy phát triển ngành du lịch của đất nước. Chính vì thế, ngay khi nhận được phản ánh về sự xuống cấp của phố bích họa Phùng Hưng, chúng tôi đã phối hợp với các đơn vị tiến hành tu sửa, cải tạo”.

Các tác phẩm được tu sửa lại trở nên tươi sáng hơn

Các tác phẩm được tu sửa lại trở nên tươi sáng hơn

Sau một thời gian được nhóm nghệ sĩ phục chế nỗ lực trùng tu, các tác phẩm đã dần trở lại hiện trạng ban đầu, được gia cố nền, vẽ lại, sơn mới và sơn phủ lên tươi sáng hơn. Còn đối với những tác phẩm điêu khắc, các nghệ sĩ phải tìm vật liệu thay thế có độ bền tốt hơn, trám vào những chỗ bị hư hỏng.

Hôm nay, khi đã khoác lên mình một màu áo mới, con phố bích họa đã dần thu hút được nhiều người dân và du khách trở lại, thậm chí còn trở nên nhộn nhịp và sôi động hơn trước. Du khách vô cùng thích thú vì vừa cảm thấy thân quen, lại vừa như mới lạ trước không gian mới mẻ này.

Du khách vô cùng thích thú vì vừa cảm thấy thân quen, lại vừa như mới lạ trước không gian mới mẻ này

Du khách vô cùng thích thú vì vừa cảm thấy thân quen, lại vừa như mới lạ trước không gian mới mẻ này

Trở lại sau khi phố bích họa được tu sửa, chị Hoàng Thị Ngọc Diệp (26 tuổi) cảm nhận: “Cách đây mới một tháng thôi, mình có ghé qua phố bích họa Phùng Hưng để chụp ảnh đón năm mới nhưng nó khá cũ và xuống cấp rất nhiều, không còn đẹp như trước; nhiều người dân còn để xe lên vỉa hè, bán hàng rong… gây cản trở cho việc chụp hình của du khách.

Tuy nhiên, hôm nay trở lại đây, mình vô cùng bất ngờ và ấn tượng khi thấy những bức tranh trên các vòm đã được chỉnh trang lại. Những bức tường sống động, hình ảnh ngày xưa của Hà Nội như gợi về cho mình cả một vùng ký ức, và mình nghĩ nếu mọi người mặc áo dài đến đây chụp ảnh thì sẽ rất đẹp và phù hợp với không khí ngày Tết”.

Phố bích họa tươi vui sau khi được tu sửa

Phố bích họa tươi vui sau khi được tu sửa

Phát huy lợi ích đa chiều của nghệ thuật công cộng

Chỉ với chiều dài hơn 200m, phố bích họa là điểm giao lưu văn hóa cổ truyền với không gian chợ Đồng Xuân, phố Hàng Lược, phố Hàng Mã. Đến đây, du khách sẽ được vui chơi, tham gia nhiều hoạt động giải trí, gameshow…

Du khách nhộn nhịp tham quan sau khi phố bích họa được tân trang

Du khách nhộn nhịp tham quan sau khi phố bích họa được tân trang

Những tác phẩm mang dấu ấn từ truyền thống đến hiện đại, đặc biệt là các hình ảnh gắn liền với lịch sử Hà Nội như các quầy bán hàng bách hóa tổng hợp, những người phụ nữ gánh hàng rong, tàu điện “leng keng,” ông đồ cho chữ… trên các vòm cầu gợi nhớ ký ức đẹp của Hà Nội. Không chỉ có tranh bích họa, vào những ngày giáp Tết, phố Phùng Hưng cũng được trang trí đèn lồng và đặt các chậu hoa đào dọc vỉa hè tạo không khí ngập tràn sắc xuân.

“Hằng ngày tôi đi qua đây nhiều lần nhưng hôm nay mới có dịp dừng lại xem cách bức tranh một cách tỉ mỉ, ngắm nhìn những bức tranh này tôi như được trở về tuổi thơ của mình với hình ảnh gánh hàng rong, máy nước cũ hay xe cub… Và không gian này thực sự rất có ý nghĩa, phù hợp với tất cả các đối tượng: người cao tuổi sẽ được sống lại những hồi ức của mình, các bạn trẻ thì được xem lại những hình ảnh ngày xưa ông bà, bố mẹ đã sống. Đặc biệt nó còn giúp quảng bá văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế”, chị Lã Thị Hà (Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ.

Nhiều gia đình đưa con nhỏ đến tham quan, vui chơi

Nhiều gia đình đưa con nhỏ đến tham quan, vui chơi

Phố bích họa Phùng Hưng là một dự án do quận Hoàn Kiếm phối hợp với Quỹ Giao lưu quốc tế Hàn Quốc (Korea Foundation) và Ủy ban Định cư con người Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UN-Habitat) khai thác và đưa vào hoạt động với mục đích đưa nghệ thuật công cộng vào cuộc sống, phát huy giá trị di sản đô thị của khu phố cổ Hà Nội.

Các bạn trẻ mặc áo dài chụp ảnh đón Tết

Các bạn trẻ mặc áo dài chụp ảnh đón Tết

Rõ ràng, phố bích họa Phùng Hưng đã cho thấy nghệ thuật công cộng có lợi ích đa chiều. Ngoài chức năng làm đẹp không gian và tái hiện ký ức, nó còn khuyến khích người dân tham gia các hoạt động tương tác cộng đồng, tạo nên những gắn kết xã hội về mặt văn hóa, khơi gợi niềm tự hào và nâng cao nhận thức văn hóa chung.

Bài và ảnh: Mộc Trà

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/pho-bich-hoa-phung-hung-khoac-ao-moi-don-xuan-quy-mao-38154.html