Phổ biến, giáo dục pháp luật: Đa dạng hình thức, tăng hiệu quả

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) có vai trò quan trọng, là cầu nối đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đông đảo cán bộ và nhân dân. Thời gian qua, Sở Tư pháp đã tích cực phối hợp với các đơn vị, địa phương thực hiện nhiều giải pháp đổi mới hình thức, tăng hiệu quả, giúp đưa pháp luật đến gần người dân hơn.

Đổi mới, sáng tạo

Sau khi Luật Đất đai năm 2024 được ban hành, Phòng Tư pháp thị xã Việt Yên đã tham mưu cho Chủ tịch UBND thị xã ban hành kế hoạch tổ chức cuộc thi tìm hiểu kiến thức, pháp luật về đất đai. Đây là hoạt động nhằm cụ thể hóa việc đổi mới công tác PBGDPL theo chỉ đạo của Sở Tư pháp đối với các phòng tư pháp trên địa bàn tỉnh. Điểm mới của cuộc thi lần này so với trước đây là việc chọn đối tượng tham gia. Lần đầu tiên, cuộc thi không dành cho tất cả người dân mà chỉ dành riêng cho đội ngũ nòng cốt trực tiếp làm công tác tham mưu, quản lý, bao gồm lãnh đạo UBND, cán bộ hộ tịch - xây dựng các xã, phường.

 Báo cáo viên Sở Tư pháp tuyên truyền pháp luật về hôn nhân, gia đình cho người dân xã Hồng Kỳ, huyện Yên Thế.

Báo cáo viên Sở Tư pháp tuyên truyền pháp luật về hôn nhân, gia đình cho người dân xã Hồng Kỳ, huyện Yên Thế.

Cũng như ở thị xã Việt Yên, việc đổi mới công tác PBGDPL đã được Sở Tư pháp phối hợp với các đơn vị, địa phương khác trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện. Mới đây, hội nghị PBGDPL về hôn nhân, gia đình được Sở Tư pháp phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tổ chức tại bản Cầu Tư, xã Hồng Kỳ (Yên Thế). Thay vì cách làm cũ "người trên chỉ nói, người dưới chỉ nghe", báo cáo viên Phạm Văn Tĩnh, Phó trưởng Phòng Phổ biến và thi hành pháp luật (Sở Tư pháp) vừa kể chuyện bằng giọng dí dỏm, vừa đưa ra câu hỏi để bà con cùng thảo luận. Vì thế, hội nghị diễn ra sôi nổi, người dân chủ động chia sẻ những tâm tư, suy nghĩ của mình.

Bà Lê Thị Minh ở bản Cầu Tư, xã Hồng Kỳ rất tâm đắc với những kiến thức, thông tin mà báo cáo viên truyền đạt. Những ví dụ về pháp luật không còn khô cứng mà được kể lại mộc mạc, gần gũi. Bà Minh nói: “Tôi và bà con ở bản đã hiểu rõ nhiều điều để tránh vi phạm pháp luật. Đơn cử như khi con em mình không đủ tuổi thì chưa được kết hôn vì vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình”. Ngoài bản Cầu Tư, Sở Tư pháp cùng Ban Dân tộc tỉnh phối hợp tổ chức 8 chương trình PBGDPL hôn nhân, gia đình cho bà con các dân tộc ở 7 thôn, bản khác tại xã Hồng Kỳ - địa phương có hơn 80% dân số là người dân tộc Nùng, Tày…

Ông Bùi Ngọc Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Kỳ thông tin, để giúp người dân nâng cao hiểu biết pháp luật, Đảng ủy, UBND xã đã giao nhiệm vụ cho các đảng ủy viên phụ trách từng thôn, bản; mỗi đảng viên trong chi bộ thôn, bản phụ trách nắm tình hình đời sống của 10 đến 15 hộ dân tại đó. Xã chỉ đạo lồng ghép PBGDPL tại các hội nghị của các hội, đoàn thể; biên tập, đăng tải thông tin, chính sách mới trên các nhóm Zalo, Facebook thôn, bản. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, năm 2024 trên địa bàn xã Hồng Kỳ không xảy ra vụ việc vi phạm pháp luật, tình hình an ninh trật tự cơ bản ổn định.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Công tác PBGDPL là cầu nối đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đông đảo nhân dân. Vì thế, Sở Tư pháp đã chủ động tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, triển khai hiệu quả công tác giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh. Năm nay, lần đầu tiên, Sở Tư pháp tham mưu Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến 3 cấp phổ biến, quán triệt Luật Đất đai năm 2024 và Luật Căn cước năm 2023. Đây được coi là điểm mới, sáng tạo, được Bộ Tư pháp đánh giá cao trong việc thực hiện đa dạng các hình thức PBGDPL.

Bà Nguyễn Thị Huân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Bắc Lý (Hiệp Hòa) nói: “Gần đây, tôi được tham gia nhiều hội nghị, chương trình tập huấn do Sở Tư pháp và Phòng Tư pháp huyện tổ chức. Qua đó giúp tôi tiếp cận nhiều nguồn tin, tài liệu pháp luật mới ban hành, hỗ trợ tích cực cho việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tư vấn, hòa giải ở cơ sở”.

Với vai trò là đầu mối, Sở Tư pháp phối hợp với các cơ quan, đơn vị lựa chọn hình thức PBGDPL phù hợp với từng địa bàn, đối tượng. Trong đó quan tâm đến các đối tượng yếu thế, đặc thù, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đầu năm đến nay, các ban, ngành như: Ủy ban MTTQ tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tổ chức hàng chục chương trình tuyên truyền PBGDPL cho hơn 3 nghìn công nhân, người lao động, bà con dân tộc thiểu số...

Theo thống kê của Sở Tư pháp, từ năm 2021 đến nay, Sở đã đăng tải hơn 80 nghìn văn bản mới, tin, bài trên các website, nhóm Zalo, Facebook; tham mưu tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến, thu hút hàng trăm nghìn lượt theo dõi, tham gia. Đặc biệt, toàn tỉnh có hơn 2 nghìn mô hình PBGDPL các loại, tiêu biểu như: Phiên tòa giả định; đối thoại trực tiếp với nhân dân; câu lạc bộ nông dân với pháp luật...

Ông Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, thời gian tới, Sở tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác PBGDPL trong toàn tỉnh; quan tâm bồi dưỡng kỹ năng sử dụng và khai thác trang thông tin điện tử PBGDPL để phục vụ cán bộ và nhân dân. Các tin, bài tuyên truyền về pháp luật được đăng tải phải bảo đảm tính chính xác, ngắn gọn, dễ hiểu. Các cơ quan, đơn vị là thành viên của Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh tiếp tục đề xuất thực hiện giải pháp mới, sáng tạo nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục pháp luật. Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tuyên truyền pháp luật; nghiên cứu ban hành tài liệu hướng dẫn việc xây dựng mô hình điểm giáo dục pháp luật ở các thôn, bản, tổ dân phố.

Bài, ảnh: Tuyết Mai

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/pho-bien-giao-duc-phap-luat-da-dang-hinh-thuc-tang-hieu-qua-092638.bbg