Phổ biến giáo dục pháp luật trong ngành giáo dục Thủ đô: mô hình hay, cách làm hiệu quả
Trong những năm qua, ngành giáo dục TP Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động hiệu quả để phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho học sinh, đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Vừa qua, tại hội thảo “Nâng cao công tác PBGDPL cho thanh, thiếu niên trong tình hình hiện nay” do Sở Tư pháp TP Hà Nội tổ chức, ông Vũ Công Thắng – Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Hà Nội cho biết, Sở đã chỉ đạo đa dạng hóa hình thức tuyên truyền PBGDPL, triển khai PBGDPL theo chương trình giáo dục chính khóa và hoạt động ngoại khóa. Qua triển khai hoạt động tuyên truyền PBGDPL, đã có nhiều mô hình, cách làm sáng tạo phát huy hiệu quả giáo dục pháp luật cho học sinh như: mô hình Câu lạc bộ pháp luật trong nhà trường, tổ chức nghiên cứu pháp luật, tham gia các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, giao lưu với các chuyên gia pháp luật... giúp học sinh tiếp cận với pháp luật, nâng cao kiến thức và kỹ năng pháp lý.
Mô hình Phiên tòa giả định, là mô hình tổ chức các phiên tòa do học sinh đóng vai thẩm phán, luật sư, công tố viên, bị cáo... để xét xử các vụ án giả định. Qua các phiên tòa giả định này, học sinh được trải nghiệm thực tế quá trình tố tụng, hiểu biết sâu hơn về hoạt động xét xử của tòa án.
Mô hình sinh hoạt dưới cờ, hàng tháng, nhà trường tổ chức chương trình sinh hoạt dưới cờ thông qua hình thức sân khấu hóa nội dung tuyên truyền pháp luật được lồng ghép thể hiện một cách sinh động, hấp dẫn, thú vị.
Mô hình Ban tư vấn pháp luật thông qua hoạt động phòng tâm lý học đường, đẩy mạnh hình thức tuyên truyền gắn với tư vấn học đường, giải dáp pháp luật tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận pháp luật ngay tại trường… Mô hình Hợp tác với cơ quan chức năng, phối hợp với các cơ quan chức năng, tổ chức, đoàn thể tổ chức các buổi tư vấn, hội thảo, gặp gỡ giữa học sinh và cán bộ công an, luật sư… tạo cơ hội cho học sinh tiếp xúc và học hỏi từ các chuyên gia, cán bộ chức năng, hoặc tham gia các hoạt động, sự kiện trong xã hội giúp mở rộng tầm nhìn và củng cố kiến thức pháp luật.
Các mô hình Ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng phần mềm, google fan face tổ chức thi tìm hiểu kiến thức pháp luật cho học sinh; mô hình ngoại khóa tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật theo mô hình “Đấu trường 100”, “Rung chuông vàng”...; mô hình Diễn đàn, đối thoại về pháp luật; mô hình Giáo dục pháp luật qua truyền thanh nội bộ…
Sáng kiến Giảng dạy thông qua trải nghiệm thực tế là một trong những phương pháp giảng dạy pháp luật hiệu quả tại các trường phổ thông ở Hà Nội là kết hợp lý thuyết với thực tiễn. Thay vì chỉ dựa vào sách vở, giáo viên đưa ra các tình huống thực tế, ví dụ và trò chơi mô phỏng để học sinh áp dụng kiến thức pháp lý vào cuộc sống hàng ngày. Điều này giúp học sinh không chỉ hiểu được lý thuyết mà còn biết cách áp dụng linh hoạt trong các tình huống khác nhau. Để thu hút sự chú ý và tạo sự hấp dẫn cho học sinh, trong giảng dạy, giáo dục pháp luật nhà trường, cơ sở giáo dục đã sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại như video, hình ảnh minh họa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quá trình giảng dạy tạo ra sự mới mẻ và sinh động tăng cường hiệu quả học tập. Để nâng cao chất lượng hiệu quả tuyên truyền PBGDPL cho học sinh trên địa bàn TP cần tiếp tục phát huy vai trò của cơ sở giáo dục cùng với đó cần có sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia vào công tác này.
“Việc tuyên truyền PBGDPL cho học sinh có vai trò quan trọng trong việc xây dựng một thế hệ trẻ có ý thức về pháp luật và tuân thủ pháp luật. Để đạt được hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền, chúng ta cần có sự hợp tác và đóng góp của nhiều bên, đồng thời áp dụng các mô hình và cách làm sáng tạo. Sở GD&ĐT mong muốn trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự phối hợp, đồng hành, chung tay của các cơ quan, đơn vị, các tổ chức trên địa bàn TP cùng ngành giáo dục và các nhà trường tiếp tục thực hiện có hiệu quả hoạt động tuyên truyền PBGDPL cho học sinh” - ông Vũ Công Thắng cho biết.