Phổ biến kiến thức an toàn khi sinh nở, kéo phụ nữ khỏi cảnh 'cúng bái tại nhà'

Mỗi khi sinh nở hoặc ốm đau, nhiều đồng bào dân tộc Mông thường lựa chọn cách sinh nở tại nhà hoặc cúng bái để xua đuổi tà ma những mong khỏi bệnh. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thậm chí là tính mạng của người dân.

 Chị Mùa Thị N. đã trải qua 2 lần sinh nở tại nhà

Chị Mùa Thị N. đã trải qua 2 lần sinh nở tại nhà

Sinh nở tại nhà, ốm đau mời thầy cúng

Dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh Sơn La chiếm hơn 15% dân số toàn tỉnh. Trong những năm gần đây, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp nên nhiều hủ tục của đồng bào dân tộc Mông đã được bài trừ. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, tình trạng phụ nữ sinh vẫn con tại nhà hoặc cúng bái khi có người ốm thay vì đến các cơ sở y tế thăm khám vẫn diễn ra.

Chị Mùa Thị N. (20 tuổi) là người dân tộc Mông sinh sống ở cuối bản Suối Thịnh, xã Suối Bau, huyện Phù Yên, Sơn La). Quãng đường di chuyển từ nhà đến Trạm Y tế xã Suối Bau ước tính khoảng 8km, chính vì thế nên 2 lần sinh nở, chị N. đều sinh con tại nhà với sự giúp đỡ của chồng và mẹ chồng.

Trong suốt thời gian thai kỳ, phần vì đường xá xa xôi, đi lại khó khăn, phần vì hoàn cảnh kinh tế eo hẹp nên chị N. đều không đi thăm khám. Vậy nên, bản thân chị N. cũng không biết khi nào mình sẽ sinh con để chuẩn bị. Khi chuyển dạ, điều đầu tiên chồng chị N. nhớ đến là gọi mẹ đỡ đẻ cho vợ.

Cũng giống như chị N., chị Hạm Thị C. (32 tuổi, trú tại bản Tà Số, xã Chiềng Hắc, thị xã Mộc Châu, Sơn La) cũng đã trải qua 3 lần sinh nở tại nhà. Thuộc lớp người trẻ tuổi, từng được thông tin về những nguy hiểm khi sinh nở tại nhà nhưng chị C. chia sẻ bản thân "không có sự lựa chọn trong thời điểm chuyển dạ".

Chị Hạm Thị C. từng 3 lần trải qua việc sinh nở tại nhà.

Chị Hạm Thị C. từng 3 lần trải qua việc sinh nở tại nhà.

"Lúc ấy, người thân bảo thế nào thì tôi biết nghe thế chứ không thể tự lựa chọn được. Hơn nữa, trên đường đến trạm y tế có khi tôi sinh cháu mất rồi. Như thế còn nguy hiểm hơn", chị C. chia sẻ.

Theo chị C., người Mông ở bản Tà Số ngoài những khó khăn, vướng mắc để phải sinh nở tại nhà còn do bị bó buộc bởi những tập tục lạc hậu. Trong những tập tục đó, việc phụ nữ sinh nở tại nhà là điều hết sức bình thường. "Chẳng những thế, phụ nữ chúng tôi cũng chỉ được nghỉ khoảng 1 tháng sau sinh, còn lại đã phải đi nương, làm rẫy ngay sau đó", chị C. cho biết.

Không những tồn tại việc sinh nở tại nhà, theo ông Mùa A P., người dân tộc Mông ở bản Pha Đón (xã Lóng Sập, thị xã Mộc Châu, Sơn La) vẫn còn tồn tại tình trạng ốm đau không đến bệnh viện mà gọi thầy mo, thầy cúng về để cúng bái hòng xua đuổi ma quỷ quấy nhiễu thân thể con người gây ra bệnh tật.

"Với người dân tộc Mông thường là bệnh nặng họ mới bắt buộc phải đưa đến bệnh viện để chữa trị. Còn lại những bệnh như cảm hàn, sốt… có nhiều gia đình vẫn lựa chọn việc mời thầy mo, thầy cúng. Từng có trường hợp bệnh tình diễn biến nặng khi ốm đau nhưng vẫn chọn cách cúng bái ở nhà. Tuy nhiên, rất may trường hợp đó được cấp cứu kịp thời", ông P. thông tin.

Áp dụng nhiều giải pháp, thay đổi tư duy đồng bào

Bà Nguyễn Thị Sơn, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Suối Bau dẫn số liệu thống kê của Trạm Y tế xã Suối Bau cho thấy, trong năm 2024, có 34 trường hợp phụ nữ sinh sống trên địa bàn xã sinh nở tại nhà (chiếm hơn 60% tổng số trường hợp sinh nở). "Số ca sinh nở tại nhà vào những giai đoạn trước còn cao hơn", bà Sơn nói.

Bà Sơn cho rằng, tình trạng phụ nữ dân tộc thiểu số lựa chọn sinh con tại nhà không tách rời khỏi tình trạng tảo hôn. "Thực tế, không ít những cặp đôi lấy nhau khi chưa đủ tuổi, trốn tránh những quy định của pháp luật nên bản thân vợ chồng hoặc họ hàng lo sợ khi đến các cơ sở y tế sinh nở thì sự việc sẽ bị vỡ lở, chính quyền xử phạt. Vì vậy, họ chọn cách đối mặt với nguy hiểm khi sinh nở tại nhà thay vì đến các cơ sở y tế", bà Sơn chia sẻ.

Trạm Y tế xã Suối Bau

Trạm Y tế xã Suối Bau

Còn thống kê của Trạm Y tế xã Lóng Sập cũng cho thấy, trong năm 2024, trên địa bàn xã, số ca sinh nở tại nhà cũng chiếm 50%. Các sản phụ này đều là người dân tộc Mông, sinh sống ở các bản xa xôi của xã Lóng Sập.

Theo bà Hoàng Thị An, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Lóng Sập thì việc sinh nở tại nhà tiềm ẩn nhiều rủi ro, do không có kiến thức về sinh sản nên việc đỡ đẻ chủ yếu được họ làm theo thói quen, kinh nghiệm vì vậy rất dễ xảy ra nhiễm trùng, băng huyết, nhiễm khuẩn. Mặt khác, nếu gặp các biến chứng như sản giật, vỡ tử cung hay các ca đẻ khó sẽ không biết cách xử trí, dễ dẫn đến tử vong.

Bà Hoàng Thị An, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Lóng Sập

Bà Hoàng Thị An, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Lóng Sập

Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc phụ nữ đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn xã vẫn còn tình trạng sinh nở tại nhà, cúng bái khi có người ốm thay vì đến các cơ sở y tế thăm khám là do đường xá đi lại khó khăn. Ngoài ra, theo vị này, kinh tế cũng là một trong những nguyên nhân cản bước người dân đến với những tiến bộ của y tế.

Nhằm nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, trong các cuộc gặp gỡ hội viên, bà Mùa Thị Xua, Chủ tịch Hội LHPN xã Suối Bau thường dành phần lớn thời gian để phổ biến những kiến thức an toàn khi sinh nở; tuyên truyền, vận động phụ nữ có thai đến các cơ sở y tế để sinh con.

Bà Mùa Thị Xua, Chủ tịch Hội LHPN xã Suối Bau

Bà Mùa Thị Xua, Chủ tịch Hội LHPN xã Suối Bau

Trong các đợt triển khai chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản, tiêm chủng, Hội LHPN xã Suối Bau cũng phối hợp cùng cán bộ Trạm Y tế xã lồng ghép tuyên truyền, tư vấn cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cách chăm sóc thai nhi và sự an toàn khi sinh tại các cơ sở y tế...

Bên cạnh đó, việc phát triển và đẩy mạnh đội ngũ y tế thôn bản cũng được chú trọng. Đội ngũ này sẽ được cho đi học các lớp về sức khỏe sinh sản, sẵn sàng tâm thế là những cánh tay nối dài hỗ trợ ngành Y tế triển khai các hoạt động truyền thông, góp phần nâng cao nhận thức người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngọc Ánh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/pho-bien-kien-thuc-an-toan-khi-sinh-no-keo-phu-nu-khoi-canh-cung-bai-tai-nha-2025052215473873.htm