Phổ biến, quán triệt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ngày 17/12, tại Hà Nội, NHNN Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn, phổ biến, quán triệt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các văn bản liên quan trong ngành Ngân hàng. Hội nghị do Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú - Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của ngành Ngân hàng chủ trì.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 4, ngày 10/11/2022, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2023. Để hướng dẫn kịp thời, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2023/NĐ-CP ngày 14/8/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Hướng dẫn số 11/HD-TLĐ ngày 14/3/2024 về công đoàn tham gia thực hiện dân chủ ở cơ sở. Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là văn bản pháp lý cao nhất từ trước đến nay nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.
Cũng tại hội nghị, các báo cáo viên đã phố biến, giới thiệu những nội dung cơ bản của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Nghị định 59 và Hướng dẫn số 11, đồng thời giải đáp những chuyên đề thiết thực và bổ ích trên cả phương diện lý luận lẫn kinh nghiệm thực tiễn, qua đó giúp cán bộ công đoàn thực hiện ngày càng tốt hơn công tác phối hợp với Thủ trưởng cơ quan đơn vị thực hiện hiệu quả Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm công khai, minh bạch trong mọi hoạt động của cơ quan, đơn vị… tạo sự đoàn kết nội bộ, sự đồng thuận cao trong cơ quan, đơn vị góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Kết luận hội nghị, Phó Thống đốc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát huy dân chủ, nâng cao dân trí và thực hành dân chủ tại các cấp, ngành. Điều này cần được thực hiện thông qua sự minh bạch, trách nhiệm trong cải cách hành chính, công tác tiếp công dân, đối thoại, xử lý đơn thư, cũng như tinh thần phục vụ. Phó Thống đốc yêu cầu các đơn vị nghiên cứu và áp dụng kiến thức từ hội nghị, tổ chức quán triệt và phổ biến nội dung của Luật cùng các văn bản hướng dẫn thi hành cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Đây là nhiệm vụ quan trọng để thực hiện hiệu quả công tác này. Bên cạnh đó, Ban Chấp hành Công đoàn các cấp cũng cần thấy được vai trò, trách nhiệm to lớn của tổ chức Công đoàn là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động, phát huy hết trách nhiệm và quyền hạn để làm sao có cái nhìn thực sự dân chủ, khách quan, phát huy quyền kiểm tra, giám sát, xây dựng, đóng góp của mỗi đoàn viên, người lao động trong đơn vị.