Phổ biến thông tin về phòng vệ thương mại cho các cơ quan báo chí

Ngày 19.11, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Công thương tổ chức Hội nghị phổ biến thông tin về phòng vệ thương mại cho các cơ quan báo chí theo hình thức trực tuyến tại hai điểm cầu Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy và Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh chủ trì Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, với tác động của tiến trình hội nhập kinh tế thế giới, năng lực của nhiều ngành sản xuất, xuất khẩu của nước ta đã tăng cao hơn, hàng hóa thâm nhập và cạnh tranh sòng phẳng trên nhiều thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, cùng với quá trình hội nhập, hàng hóa nhập khẩu cũng nhiều hơn và cạnh tranh quyết liệt với hàng sản xuất trong nước. Để bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng trong bối cảnh mở cửa của nền kinh tế, các nhà đàm phán về kinh tế đã thiết kế công cụ phòng vệ thương mại, góp phần tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước.

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy phát biểu tại hội nghị

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy phát biểu tại hội nghị

Ảnh: Thanh Hải

Thứ trưởng Bộ Công thương cũng cho biết, biện pháp phòng vệ thương mại không chỉ mang lại một số lợi ích trước mắt mà có tác động nhiều mặt và lâu dài. Biện pháp này được áp dụng ở chiều xuất khẩu và nhập khẩu nên nhận được sự quan tâm của các cơ quan báo chí, cũng như nhiều doanh nghiệp trong thời gian qua. Do vậy, Bộ Công thương đã tổ chức nhiều hoạt động cung cấp thông tin về phòng vệ thương mại cho các cơ quan báo chí.

Tại Hội nghị, đại diện Bộ Công thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã chia sẻ những thông tin quan trọng về phòng vệ thương mại: Tổng quan về các Hiệp định Thương mại tự do và tác động với kinh tế Việt Nam; Hoạt động của Cục Phòng vệ thương mại trong công tác hướng dẫn doanh nghiệp ứng phó và sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp; Thực tiễn ứng phó và sử dụng công cụ phòng vệ thương mại từ góc độ doanh nghiệp và lưu ý với các cơ quan báo chí trong truyền thông về các vụ việc phòng vệ thương mại.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy cho rằng, dù biện pháp phòng vệ thương mại đã được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm hơn, nhưng nhiều doanh nghiệp, hiệp hội còn thụ động, phải chịu nhiều thiệt hại khi không cạnh tranh được với hàng nhập khẩu hoặc bị nước ngoài điều tra, áp thuế phòng vệ thương mại, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hơn nữa, trong bối cảnh dịch Covid-19 gây ra suy thoái trầm trọng và khủng hoảng kinh tế toàn cầu, làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng có xu hướng gia tăng. Nước ta đã và đang phải đối đầu với gần 50 vụ việc phòng vệ thương mại, tương đương với 22% tổng số lượng vụ việc từ trước đến nay. Điều này tạo nên sức ép không nhỏ đến sản xuất trong nước, khiến nhiều ngành phải thu hẹp sản xuất và thị phần ngay trên sân nhà, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và công ăn việc làm của người lao động.

Toàn cảnh hội nghị

Toàn cảnh hội nghị

Ảnh: Thanh Hải

Trong thời gian qua, báo chí đóng vai trò rất quan trọng trong cung cấp thông tin, sự hiểu biết về phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp một cách chính xác, kịp thời. Đặc biệt, thông tin để doanh nghiệp nắm được khi có những vụ việc xảy ra thì cần liên hệ cơ quan chức năng nào để có hướng xử lý phù hợp. “Việc phối hợp tổ chức Hội nghị giữa Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Công thương là hoạt động rất kịp thời, chủ động trong cung cấp thông tin về phòng vệ thương mại cho các cơ quan báo chí, nhất là các đồng chí phóng viên theo dõi lĩnh vực kinh tế, đã góp một góc nhìn mới mẻ, cung cấp cho báo chí cái nhìn sâu sắc, toàn cảnh về lĩnh vực phòng vệ thương mại trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta với các nước”, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung uơng Phan Xuân Thủy nhấn mạnh.

Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/pho-bien-thong-tin-ve-phong-ve-thuong-mai-cho-cac-co-quan-bao-chi-jobhfqofch-66502