Phố cà phê đường tàu càng cấm càng đông - cần 'cách giải' khác cho bài toán du lịch?
Hà Nội những ngày gần đây lại nóng lên câu chuyện về phố cà phê đường tàu, sau lệnh cấm của chính quyền thành phố. Điều gì khiến cà phê đường tàu trở thành điểm đến 'không thể cấm' dù nguy hiểm luôn rình rập?
Nằm dọc theo tuyến đường sắt tiếp giáp ba phường Điện Biên, Cửa Nam và Hàng Bông, phố cà phê đường tàu – trải dài qua các đoạn Trần Phú, Phùng Hưng và Lê Duẩn – từ lâu đã trở thành điểm đến thu hút sự chú ý. Phố cà phê đường tàu khá nổi tiếng trên mạng xã hội, thậm chí được nhiều tờ báo quốc tế giới thiệu - trở thành điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách nước ngoài khi tới Hà Nội.
Từng bị yêu cầu ngừng hoạt động từ năm 2019 nhằm đảm bảo an toàn, nhưng "bằng một sức hút nào đó" khu phố này vẫn luôn là địa điểm thu hút đông đảo du khách, đặc biệt là giới trẻ và du khách nước ngoài, vào thời điểm các chuyến tàu lăn bánh.

Phố cà phê đường tàu càng cấm càng đông - cần 'cách giải' khác cho bài toán du lịch?
Trải nghiệm "độc nhất vô nhị"
Phố cà phê đường tàu trở thành hiện tượng viral, được không ít hãng truyền thông quốc tếca ngợi như "một trong những trải nghiệm cafe độc đáo nhất thế giới". Không chỉ thu hút du khách bởi những không gian độc đáo, đồ uống hay món ăn ngon, mỗi lần tàu chạy qua con phố này đều là một trải nghiệm rất lạ, như một du khách chia sẻ - đó là một cảm giác gì đó đặc biệt, cảm nhận rõ sự kịch tính khi chỉ ngồi cách đoàn tàu đang chạy một vài bước chân.
Tuyến phố cà phê đường tàu Hà Nội từng là "huyết mạch giao thông" quan trọng trong hệ thống đường sắt xuyên Đông Dương. Như Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer từng viết trong hồi ký Xứ Đông Dương (1905), đây là tuyến đường sắt chiến lược nối Hà Nội với Lạng Sơn (tuyến Hà Nội - Đồng Đăng) và xa hơn là tới Côn Minh (Trung Quốc), được coi là "xương sống" trong công cuộc khai thác thuộc địa của người Pháp cuối thế kỷ 19.
Hơn một thế kỷ sau, tuyến đường ray lịch sử trở thành một địa điểm trải nghiệm "độc nhất vô nhị" thu hút du khách đến từ nhiều nơi trên thế giới. Các quán cà phê nhỏ mọc lên dọc đường tàu được khách trải nghiệm cảm nhận như một điểm đến của sự giao thoa giữa quá khứ và hiện tại.
Theo các chuyên gia du lịch, sự hấp dẫn, hút khách của phố cà phê đường tàu nằm ở yếu tố "độc và lạ". Không giống bất kỳ địa điểm thưởng thức cà phê nào khác, nơi đây mang đến một cảm giác mạo hiểm, phóng khoáng và gần gũi với nhịp sống đô thị.
Không phải ngẫu nhiên mà phố cà phê đường tàu lại trở thành “điểm đến trong mơ” của nhiều du khách quốc tế. Trải nghiệm ngồi sát đường ray, chỉ cách đoàn tàu lướt qua vài bước chân mang lại cảm giác mạo hiểm khó quên. Chính sự hồi hộp, kịch tính ấy tạo nên luồng adrenaline khiến nhiều người say mê. Trên mạng xã hội, không thiếu những đoạn video du khách hét lên thích thú khi tàu tới gần – như một trò chơi cảm giác mạnh giữa lòng thành phố yên bình.
Bên cạnh yếu tố “thót tim”, nơi đây còn ghi điểm bởi không gian đậm chất sống ảo với những góc check-in cổ kính, bụi bặm và đầy nghệ thuật.
“Bạn sẽ không tìm thấy trải nghiệm độc đáo như thế này ở nơi khác”, Alex – một du khách Nga chia sẻ. Sự kết hợp giữa văn hóa cà phê Việt, chiều sâu lịch sử và khung cảnh đường tàu xuyên qua khu dân cư đã biến phố cà phê đường tàu Hà Nội trở thành một kiểu du lịch rất riêng, hiếm có. Càng cấm, người ta lại càng tò mò; càng giới hạn, nơi đây lại càng khiến du khách muốn được đến tận nơi khám phá và cảm nhận.

Du khách chờ đợi giây phút hấp dẫn nhất khi đoàn tàu lướt qua ở phố cà phê đường tàu.
Hơn cả một điểm đến gây sốt, nơi đây còn là sự giao thoa giữa đời sống người dân và văn hóa cà phê rất Việt Nam. Việc ngồi bên đường tàu, thưởng thức một tách cà phê phin truyền thống hay ly bạc xỉu mộc mạc trong không gian nhộn nhịp, sống động của đường phố là trải nghiệm không phải ở đâu cũng có. Chính sự kết hợp ấy đã biến phố cà phê đường tàu thành một "đặc sản" du lịch - nơi du khách quốc tế có thể đến để “cảm nhận” nhịp sống của một thành phố chuyển mình.

Gia đình anh James đến từ Australia chụp ảnh tại phố cà phê đường tàu.
Gia đình anh James đến từ Australia cũng chia sẻ lý do đặc biệt khiến họ quyết định ghé thăm phố cà phê đường tàu. “Chúng tôi không thể không đến đây sau khi nhìn thấy những bức hình chụp nơi này lan truyền trên mạng”, anh nói.
“Ở nước tôi, địa điểm này đã trở thành một hiện tượng. Ai chuẩn bị du lịch Hà Nội cũng đều nhắc đến nó như một điểm đến nhất định phải tới”. "Sự nổi tiếng" vượt biên giới ấy càng góp phần làm tăng sức hấp dẫn của phố cà phê "độc và lạ" này.
Cấm cứng - giải pháp không hiệu quả?
Sở Du lịch Hà Nội đã đưa ra công văn yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, vận chuyển khách du lịch không được giới thiệu, tổ chức các tour đưa khách tới khu vực hoạt động kinh doanh cà phê đường tàu thuộc 3 phường Cửa Nam, Hàng Bông và Cửa Đông (Hà Nội).
Trên thực tế, dù đã có lệnh cấm từ chính quyền, việc kiểm soát lượng du khách tới đây vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Những tấm rào chắn cứng không thể ngăn chủ quán và cả du khách “lách luật” - mở cửa “âm thầm”, hoạt động theo giờ thấp điểm vào các khung giờ trưa hay tối, hoặc chỉ đón khách quen... Một số quán còn có người canh gác ở đầu phố để báo hiệu khi lực lượng chức năng tới kiểm tra.
Trong khi đó, nhiều hộ dân tại đây cho biết, việc kinh doanh cà phê ở phố đường tàu là nguồn sống chính của họ suốt nhiều năm qua.
“Chúng tôi không muốn vi phạm, nhưng đây là kế sinh nhai của cả gia đình. Nếu có quy định rõ ràng để được hoạt động hợp pháp và an toàn, chắc chắn chúng tôi sẽ tuân thủ. Vừa qua, sau thông báo của chính quyền, quán chúng tôi đã buộc phải đóng cửa suốt nhiều tuần. Nhưng khách nước ngoài vẫn tìm đến, không ít người đứng từ ngoài rào chắn ngóng vào trong tiếc nuối”, bà Nguyễn Thị Hòa – một chủ quán cà phê trên phố Phùng Hưng chia sẻ.
Tất nhiên, ở góc độ quản lý, việc cấm triệt để là dễ làm nhất, nhưng hiệu quả thực tế lại rất hạn chế. Các hành vi “lách luật” vẫn diễn ra, còn nguy cơ tai nạn thì vẫn hiện hữu. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi: "Cấm có phải là cách duy nhất?".
Cần cái nhìn dài hạn cho một điểm đến độc đáo
Thay vì tiếp tục giằng co giữa các lệnh cấm và nỗ lực “né cấm”, nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội có nên chăng thay đổi cách tiếp cận - thay vì tìm cách xóa bỏ hoàn toàn, mà xem xét quy hoạch phố cà phê đường tàu thành điểm du lịch có kiểm soát, đảm bảo trải nghiệm an toàn cho du khách và tuân thủ các quy định pháp lý.

Sự hấp dẫn, hút khách của phố cà phê đường tàu nằm ở yếu tố "độc và lạ".
Thực tế tại một số nơi như Thái Lan hay Đài Loan (Trung Quốc), các tuyến đường sắt đi qua khu dân cư vẫn có thể trở thành điểm du lịch hút khách nếu được quản lý bài bản.
Tại chợ đường tàu Maeklong (Thái Lan) hay khu phố cổ Thập Phần (Pingxi, Đài Loan, Trung Quốc), chính quyền địa phương áp dụng các biện pháp như lắp đặt hệ thống cảnh báo tàu đến, quy định khung giờ tham quan, thiết kế lối đi riêng và thu phí bảo trì để đảm bảo trật tự và an toàn cho cả người dân và khách du lịch.
Nhiều chuyên gia đề xuất Hà Nội có thể tiếp cận theo hướng linh hoạt hơn, quy định khung giờ hoạt động cụ thể, giới hạn số lượng khách trải nghiệm ở mỗi thời điểm; cấp phép cho các hộ kinh doanh đủ điều kiện an toàn; tổ chức tour trải nghiệm có kiểm soát với lực lượng hỗ trợ; đồng thời bổ sung hệ thống biển báo, rào chắn mềm và thông tin đa ngôn ngữ để tăng cường an toàn, minh bạch.
Phố cà phê đường tàu là minh chứng cho sự giao thoa giữa văn hóa địa phương và nhu cầu du lịch mới mẻ. Câu hỏi không còn là “có nên cấm hay không?”, mà là “làm cách nào để tổ chức hợp lý một điểm đến đặc biệt?”. Thiết nghĩ, nếu có chiến lược quản lý thông minh, nơi từng bị xem là nguy hiểm này hoàn toàn có thể trở thành một "đặc sản" du lịch trải nghiệm hút khách của riêng Hà Nội.