Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 4 tuổi: Hà Nội quyết tâm đi tiên phong
Cùng với cả nước, năm 2020 đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của bậc học mầm non thành phố Hà Nội với sự khởi sắc toàn diện cả về quy mô và chất lượng, sau 10 năm thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Đây là tiền đề để Hà Nội sẵn sàng và quyết tâm đi tiên phong trong việc thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 4 tuổi.
Hà Nội đang đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao trình độ cho giáo viên để công tác giáo dục mầm non đạt kết quả tốt nhất. Trong ảnh: Hoạt động ngoài trời của trẻ tại Trường Mầm non Sao Mai (quận Ba Đình). Ảnh: Quang Thái
Khởi sắc toàn diện về quy mô và chất lượng
Thành phố Hà Nội hiện có 1.140 trường mầm non, với hơn 535.000 trẻ. Thực hiện Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 9-2-2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015, thành phố Hà Nội đã tăng cường đầu tư cho cấp học mầm non, nhằm tạo nền tảng phát triển bền vững của trẻ ở các cấp học sau.
Bà Hoàng Thanh Hương, Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) cho biết, sau 10 năm thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, các trường mầm non trên địa bàn thành phố đã có sự khởi sắc toàn diện cả về quy mô và chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Đáng chú ý, Hà Nội là một trong số 6 tỉnh, thành phố đầu tiên của cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi từ năm 2013. Tỷ lệ trẻ trong độ tuổi nhà trẻ đến trường hiện đạt 53,5%, so với 10 năm trước tăng 17,1%.
Đây cũng là giai đoạn cấp học mầm non được quan tâm đầu tư mạnh về cơ sở vật chất, trang thiết bị. So với 10 năm trước, quy mô giáo dục mầm non của thành phố Hà Nội hiện tăng thêm 303 trường, hơn 9.000 phòng học; tỷ lệ phòng học kiên cố đạt hơn 97%, tăng 22,1%. Ngoài phòng học, các nhà trường đều được bổ sung phòng chức năng, bảo đảm các điều kiện để trẻ phát triển toàn diện.
Theo Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mỹ Đức Lê Văn Hiến, so với 10 năm trước, diện mạo của các trường mầm non trên địa bàn huyện thay đổi rõ rệt. Hiện tại, 27 trường mầm non của huyện đều có cơ ngơi khang trang, rộng rãi, duy trì vững chắc tỷ lệ 100% trẻ em 5 tuổi đến trường.
Còn bà Nguyễn Hoài Lan, phụ huynh học sinh Trường Mầm non Sao Mai (quận Ba Đình) chia sẻ: "Dù mới gửi con ở trường được 2 tháng, song gia đình tôi rất yên tâm. Bởi, không chỉ chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, nhà trường còn quan tâm xây dựng cảnh quan môi trường, với nhiều cây xanh, đồ chơi ngoài trời và các trang thiết bị, giúp trẻ tăng cường vận động".
Một giờ học của học sinh Trường Mầm non Vân Hồ (quận Hai Bà Trưng). Ảnh: Đỗ Tâm
Xây dựng trường học hạnh phúc
Sự chuyển mình toàn diện kể trên đã tạo động lực để các đơn vị, trường học trên địa bàn Hà Nội tiếp tục nỗ lực và quyết tâm đi tiên phong trong việc thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 4 tuổi, tạo điều kiện chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non ngày càng tốt hơn.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện điều đó là tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường lớp. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân Phạm Gia Hữu cho biết, nhằm đáp ứng chỗ học cho trẻ ở địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh, phòng đã chủ động tham mưu cho UBND quận rà soát mạng lưới trường học, đặc biệt quan tâm tới các ô đất đã được quy hoạch xây dựng trường học để “giữ chỗ” và đề xuất xin đất tại các địa điểm doanh nghiệp phải di dời ra khỏi khu vực nội thành. Hiện tại, quận Thanh Xuân đang xây dựng thêm 2 trường mầm non; sáp nhập một số trường mầm non quy mô nhỏ để đầu tư xây dựng theo tiêu chí chuẩn quốc gia.
Trong khi đó, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh cho hay, phòng đã tích cực tham mưu cho UBND huyện xây dựng bổ sung trường học, bảo đảm mỗi lớp có một phòng học để trẻ được chăm sóc 2 buổi/ngày. Ngoài ra, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện còn vận động phụ huynh của 31 xã, thị trấn trên địa bàn có con ở độ tuổi mầm non, nhất là trẻ 4 và 5 tuổi là người dân tộc thiểu số đến trường đều đặn để làm quen với tiếng Việt trước khi vào lớp 1.
Còn theo bà Đào Thị Mây, Hiệu trưởng Trường Mầm non Mậu Lương (quận Hà Đông), giải pháp được nhà trường duy trì là xây dựng trường học hạnh phúc một cách thực chất, tạo sự yên tâm, tin tưởng cho phụ huynh. Nhà trường quan tâm động viên, tạo điều kiện để đội ngũ giáo viên yên tâm gắn bó với nghề và cam kết không vi phạm đạo đức nhà giáo.
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, năm học 2020-2021, một trong những nhiệm vụ quan trọng của phòng giáo dục và đào tạo các quận, huyện, thị xã là tham mưu với chính quyền địa phương phát triển quy mô trường, lớp; làm tốt công tác huy động trẻ mầm non đến trường và nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; khắc phục dần hiện tượng số trẻ/lớp cao hơn quy định ở một số nơi, nhằm duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi trong giai đoạn 2021-2030, từng bước phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em ở các độ tuổi còn lại.
“Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ tham mưu cho UBND thành phố ban hành Đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2020-2030; hỗ trợ các đơn vị xây dựng phương án gom điểm lẻ, hạn chế tình trạng một trường có quá nhiều điểm lẻ, tạo điều kiện cho giáo viên học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp để mọi trẻ đến trường đều được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tốt nhất”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng nhấn mạnh.