Phổ cập trí tuệ nhân tạo: Cơ hội nâng cao hiệu suất lao động

Trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo (AI) được coi là công cụ quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất và hiệu quả công việc trong mọi lĩnh vực, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện. Thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ đang nỗ lực phổ cập Al cho cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.

Quang cảnh lớp tập huấn hướng dẫn khai thác, sử dụng ứng dụng GenAI cho đại diện công chức, viên chức, Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh do Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số tổ chức. Ảnh: Minh Quang

Quang cảnh lớp tập huấn hướng dẫn khai thác, sử dụng ứng dụng GenAI cho đại diện công chức, viên chức, Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh do Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số tổ chức. Ảnh: Minh Quang

Hiệu quả ứng dụng AI

Bằng cách sử dụng các công cụ và thuật toán AI như Gemini AI và ChatGPT, nhiều giáo viên trong tỉnh đã dễ dàng biên soạn, tùy chỉnh nội dung bài giảng cho phù hợp với từng đối tượng học sinh; học sinh cũng có thể dễ dàng sử dụng để tra cứu, tìm hiểu thêm những bài tập khó góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong là đơn vị tiêu biểu đi đầu trong sử dụng AI phục vụ việc dạy và học. Thông qua khả năng phân tích dữ liệu, tự động hóa quy trình nhờ sử dụng các công cụ và thuật toán AI, giáo viên đã tạo ra những bài giảng chất lượng, phù hợp với từng đối tượng học sinh, tạo sự hấp dẫn và hiệu quả của quá trình học tập. Ngoài ra, AI cũng giúp tăng cường sự tương tác giữa giáo viên và học sinh nhà trường thông qua các hoạt động học tập sáng tạo, thú vị.

Công nghệ AI cũng được áp dụng hiệu quả trong nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau như Khoa học và Công nghệ, Thuế, Bảo hiểm xã hội, Nông nghiệp và Môi trường, bước đầu đã mang lại hiệu quả cao. Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực hành chính, AI còn từng bước len lỏi vào các ngành sản xuất, dịch vụ, mở ra hướng đi mới nâng cao hiệu suất lao động. Khối doanh nghiệp cũng đã ứng dụng AI thông qua việc sử dụng trợ lý ảo tư vấn khách hàng; đầu tư hệ thống robot tích hợp AI vào dây chuyền sản xuất để kiểm soát chất lượng hàng hóa và phân tích thị trường.

Đồng chí Vũ Xuân Trung, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Với tính năng ứng dụng cao, AI đã tự len lỏi vào cộng đồng. Việc ứng dụng AI vào thực tế công việc không chỉ giúp nâng cao hiệu suất lao động mà còn góp phần hiện đại hóa nền hành chính công, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện. Tuy nhiên việc ứng dụng AI vẫn còn tự phát; ở nhiều lĩnh vực quản lý Nhà nước, việc ứng dụng công nghệ AI vào công việc chuyên môn có phần “dè dặt” do quy trình làm việc chặt chẽ, yếu tố bảo mật thông tin và tính đồng bộ của hệ thống phần mềm dùng chung… Và đặc biệt là chưa đáp ứng được theo tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/ TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia: “Tập trung đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ với các quốc gia có trình độ khoa học và công nghệ, chuyển đổi số phát triển, nhất là các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo…”.

Hơn thế nữa, AI sẽ chỉ phát huy hiệu quả khi đội ngũ cán bộ, công chức, người dân được trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để tiếp cận, khai thác công nghệ cũng như cần phải đảm bảo tính bảo mật và đạo đức trong việc sử dụng dữ liệu của người dùng. Bên cạnh đó thì việc tích hợp công nghệ này vào hệ thống phần mềm xử lý công việc chuyên môn của mỗi tổ chức, cá nhân cũng đòi hỏi sự quan tâm đầu tư nhất định về tư duy, cơ sở hạ tầng và tài chính. Đây là những yêu cầu tất yếu đặt ra của cơ quan quản lý Nhà nước khi khai thác AI trên diện rộng.

Nhanh chóng biến AI thành công cụ đắc lực

Để đưa công nghệ AI vào sử dụng sâu, rộng, hỗ trợ tích cực cho công việc chuyên môn, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các chuyên gia công nghệ tập trung nâng phổ cập AI cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở các địa phương, các sở, ngành chức năng; khối các cơ quan Đảng; người dân và doanh nghiệp. Nội dung tập trung vào việc hướng dẫn tổng quan về AI, xu hướng chuyển đổi số, các nội dung cơ bản về ứng dụng AI trong việc nâng cao hiệu quả công việc và quản lý hành chính Nhà nước; những ứng dụng AI cụ thể và công cụ AI hữu ích đối với cán bộ, công chức, viên chức công tác ở từng lĩnh vực. Tại các buổi tập huấn, 100% học viên đã sử dụng thành thạo công nghệ AI và có kỹ năng sử dụng AI khoa học và trách nhiệm.

Chị Nguyễn Thị Hằng, chuyên viên Sở Nội vụ cho biết: “Đặc thù công việc trong giai đoạn chuyển đổi, sắp xếp lại đơn vị hành chính nên khối lượng văn bản hành chính lớn, nhiều nội dung phải xử lý gấp. Nếu như phân tích dữ liệu, xử lý văn bản thủ công trước đây rất mất thời gian; tuy nhiên khi có sự hỗ trợ của AI, tôi có thể soạn thảo, rà soát chính tả, phân tích nội dung chính yếu chỉ trong vài phút. Công việc nhờ đó được chính xác hơn, hiệu suất công việc từ đó cũng tăng đáng kể. Tôi sẽ tích cực ứng dụng và huấn luyện cho trợ lý ảo ngày càng “thông minh”, thạo việc theo chuyên môn của tôi để có thể hỗ trợ công việc của tôi một cách sát thực nhất”.

Sau một thời gian triển khai phổ cập ứng dụng AI, đến nay, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh được tiếp cận và bước đầu ứng dụng các công cụ AI trong công việc đã đạt trên 45%, tăng gần gấp đôi so với cuối năm 2024. Đây là cơ sở để cán bộ, công chức dễ dàng ứng dụng các phần mềm, nền tảng tích hợp AI như trợ lý ảo, hệ thống chatbot phục vụ giải đáp thủ tục hành chính, cảnh báo tự động trong lĩnh vực quản lý đô thị, tài nguyên môi trường, y tế… đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc.

Theo kế hoạch, lộ trình phổ cập AI trên địa bàn tỉnh tiếp tục được nhân rộng trong thời gian tới và tập trung vào ba nhóm trọng tâm là cán bộ lãnh đạo, quản lý; công chức, viên chức chuyên môn kỹ thuật; người lao động trong doanh nghiệp và người dân, nhất là khu vực nông thôn. Do đó Sở Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp với các bộ, ngành, các trường đại học, doanh nghiệp công nghệ tổ chức thêm nhiều khóa đào tạo về AI theo từng cấp độ, phù hợp với từng đối tượng người dùng. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, chuyển giao tri thức; xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp trong lĩnh vực AI.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, phổ biến kiến thức về AI tới cộng đồng; xây dựng các mô hình điểm ứng dụng AI trong quản lý đô thị, sản xuất nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe, giáo dục… nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa rộng khắp. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng số, xây dựng cơ sở dữ liệu mở, đảm bảo an toàn thông tin, tạo nền tảng cho AI phát triển. Đặc biệt, tỉnh chú trọng lồng ghép nội dung về AI trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức các cấp; tổ chức các diễn đàn, hội thảo, chương trình truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, khơi dậy tinh thần chủ động học tập, thích ứng với công nghệ mới trong toàn xã hội.

Có thể khẳng định, phổ cập AI là điều kiện cần và đủ để giải bài toán nâng cao hiệu suất lao động, nâng cao chất lượng dịch vụ công, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Với nỗ lực phổ cập AI trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cộng đồng doanh nghiệp và người dân của tỉnh đã thể hiện rõ quyết tâm trong chiến lược chuyển đổi số hướng tới xây dựng chính quyền số, xã hội số, công dân số trong kỷ nguyên mới, vận hội mới.

Nguyễn Hương

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/pho-cap-tri-tue-nhan-tao-co-hoi-nang-cao-hieu-suat-lao-dong-957171.htm