Phó chánh án TAND Tối cao: 'Không phải tất cả vụ án đều xử trực tuyến'
Phó chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết tình hình dịch bệnh phức tạp đã thúc đẩy nhanh hơn yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xét xử.
TAND Tối cao đang xây dựng quy chế tổ chức phiên tòa trực tuyến áp dụng trong trường hợp các địa phương thực hiện giãn cách để phòng, chống Covid-19.
Chia sẻ với Zing, TS. Nguyễn Trí Tuệ, Phó chánh án TAND Tối cao, đánh giá hình thức xét xử trực tuyến giúp tiết kiệm thời gian, kinh phí cho người dân, cơ quan, tổ chức và hạn chế tiếp xúc gần, tránh lây lan dịch bệnh.
Sử dụng tài liệu, chứng cứ điện tử
- Ngày 26/8, TAND Tối cao đã báo cáo Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương về “Chủ trương ban hành Quy chế tổ chức phiên tòa trực tuyến tại tòa án”. Cơ sở nào để TAND Tối cao đưa ra chủ trương này, thưa ông?
- Trên cơ sở nghiên cứu chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cam kết quốc tế của Việt Nam; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, TAND Tối cao đề xuất tổ chức phiên tòa trực tuyến và sẽ áp dụng đối với một số vụ án hình sự, hành chính và dân sự.
Phiên tòa trực tuyến sẽ áp dụng đối với một số vụ án hình sự, hành chính và dân sự
Phó chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ
Về cơ sở chính trị, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2006 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đều có các quy định tạo tiền đề cho việc đề xuất tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Theo cam kết của Việt Nam khi tham gia Hội đồng Chánh án các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Hội đồng Chánh án khu vực ASEAN, đến năm 2025, chúng ta phải hoàn thành việc xây dựng và tổ chức vận hành tòa án điện tử.
Về cơ sở pháp lý, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính đều có các quy định về tố tụng điện tử, tố tụng trực tuyến, tạo cơ sở bước đầu cho việc tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Ví dụ, Bộ luật Tố tụng hình sự đã bổ sung nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử. Bộ luật Tố tụng dân sự (các chương VII, X và XII) và Luật Tố tụng hành chính (các chương VI, VII và IX) cho phép thu thập chứng cứ là dữ liệu điện tử, thực hiện các thủ tục tố tụng cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử, khởi kiện đến tòa án qua cổng thông tin điện tử. Các đạo luật này cũng cho phép tổ chức phiên tòa ngoài trụ sở tòa án nhưng phải bảo đảm tính trang nghiêm. Bộ luật Tố tụng hình sự bổ sung nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử.
Mặt khác, thời gian qua, một số tòa án khi tổ chức phiên tòa hình sự xét xử vụ án xâm hại tình dục, tham nhũng và một số vụ án khác có nhiều người tham gia tố tụng đã cho luật sư, bị hại, người làm chứng… tham gia phiên tòa tại phòng cách ly hoặc phòng khác với sự hỗ trợ của thiết bị điện tử.
Tình hình dịch bệnh Covid-19 khiến hoạt động xét xử của tòa án bị ảnh hưởng. Nhiều vụ án đến hạn nhưng không thể đưa ra xét xử theo quy định. Một số vụ việc bị kéo dài thời hạn giải quyết do đương sự, bị can, bị cáo cư trú hoặc bị tạm giam ở vùng có dịch nên không thể trực tiếp tham gia phiên tòa. Điều này đòi hỏi phải sớm có giải pháp để đưa các vụ án ra xét xử theo đúng thời hạn, kịp thời bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân, ổn định trật tự xã hội và bảo đảm tác phòng chống dịch.
- So với việc tổ chức phiên tòa tại phòng xử án như hiện nay thì việc tổ chức phiên tòa trực tuyến có ưu, nhược điểm gì?
- Về bản chất đây chỉ là một trong những hình thức tổ chức phiên tòa nên việc tổ chức trong một phòng xử án hay tại các điểm cầu đều giống nhau.
Việc tổ chức phiên tòa tại một phòng xử án như thông thường sẽ thuận lợi hơn cho tòa án vì chỉ cần triệu tập tất cả người tham gia tố tụng đến để xét xử, giải quyết. Nhưng lại gây tốn kém về chi phí đi lại và thời gian của người dân, cơ quan, tổ chức.
Khi tổ chức phiên tòa trực tuyến tại các điểm cầu, trong đó có một điểm cầu trung tâm và các điểm cầu tham gia, tòa án sẽ vất vả hơn từ xem xét, đánh giá vụ việc nào, có thể tổ chức được trực tuyến hay không đến việc chuẩn bị cho phiên tòa diễn ra đúng quy định. Đổi lại, tiện ích là tiết kiệm được thời gian, kinh phí đi lại cho người dân, cơ quan, tổ chức. Quyền và lợi ích hợp pháp của người dân cũng được bảo đảm, công lý được thực thi một cách nhanh chóng, kịp thời.
Xây dựng 800 điểm cầu để xử án trực tuyến
- Có quan điểm cho rằng việc mở các phiên tòa trực tuyến chỉ là phương án tình thế. Đối với những vụ phức tạp, đòi hỏi nhiều sự tranh luận, đối đáp thì các phiên tòa trực tiếp là cần thiết, vì như vậy có thể sử dụng đầy đủ và hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ. Quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?
- Đây không phải là phương án tình thế mà việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là nhu cầu, xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp, là bước đi quan trọng trong tiến trình cải cách tư pháp, xây dựng tòa án điện tử, tòa án số, tiến tới xây dựng hệ thống tòa án thông minh.
Xét xử trực tuyến nói riêng, tố tụng trực tuyến nói chung phù hợp với chủ trương của Đảng, các nguyên tắc cơ bản và thủ tục tố tụng do pháp luật quy định; phù hợp với thực tiễn; đảm bảo tư pháp không chậm trễ; tiết kiệm chi phí xã hội.
Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến phải tuân thủ các quy định về trình tự, thủ tục tố tụng của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo, đương sự; bảo đảm bí mật, an toàn, an ninh thông tin, dữ liệu theo quy định của pháp luật; bảo đảm các yêu cầu về trật tự, sự tôn nghiêm của tòa án cũng như việc xét xử công khai, bình đẳng, dân chủ, nghiêm minh, khách quan, đúng pháp luật.
Tuy nhiên, không phải tất cả vụ án đều đưa ra phiên tòa trực tuyến mà phải quy định chặt chẽ đối với từng loại vụ án nhất định để bảo đảm việc tổ chức phiên tòa đạt hiệu quả như mong muốn.
- Trong bối cảnh dịch bệnh, ưu điểm của phiên xử trực tuyến là khá rõ ràng như tiết kiệm chi phí và thời gian di chuyển, hạn chế tiếp xúc gần, tránh lây lan dịch bệnh. Song nhiều người lo ngại việc này ảnh hưởng đến quyền lợi của bị cáo, đương sự. TAND Tối cao đã tính đến những tác động này?
- Bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay là một trong những nhân tố thúc đẩy triển khai thực hiện nhanh hơn đối với yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xét xử.
Bối cảnh dịch bệnh là một trong những nhân tố thúc đẩy nhanh hơn yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xét xử
Phó chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ
Như tôi vừa nói, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến vẫn phải đảm bảo đầy đủ trình tự, thủ tục tố tụng của pháp luật. Do đó, quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo, đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan vẫn được bảo đảm.
Mặt khác, phiên tòa trực tuyến bắt buộc phải ghi âm, ghi hình có âm thanh dưới dạng dữ liệu điện tử. Đây là cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc kiểm tra, thanh tra, giám sát công tác xét xử trực tuyến.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả hoạt động này, TAND Tối cao căn cứ vào các trang thiết bị đã được cấp cho các tòa án, về cơ bản đáp ứng được yêu cầu mở phiên tòa trực tuyến. Ví dụ đưa 3 hệ thống công nghệ thông tin chiến lược để hỗ trợ công tác xét xử; xây dựng và vận hành thường xuyên hệ thống 800 điểm cầu tại các tòa án nhân dân và tòa án quân sự cấp quân khu...
- Chủ tịch nước khi cho ý kiến về nội dung này đã lưu ý đây là vấn đề mới, cần bước đi thận trọng, chặt chẽ, tránh xảy ra sơ suất. Vậy TAND Tối cao đã chuẩn bị các phương án như thế nào để tránh sơ suất có thể xảy ra?
- Chúng tôi đã tổng kết thực tiễn xét xử và việc áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xét xử của các tòa án, đồng thời tổ chức nghiên cứu các quan điểm, định hướng chỉ đạo của Đảng; rà soát, đánh giá kỹ lưỡng các quy định của pháp luật tố tụng tư pháp và nghiên cứu, học tập có chọn lọc kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới.
TAND Tối cao cũng tổ chức xin ý kiến của các bộ, ngành, đơn vị có liên quan như VKSND Tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và lấy ý kiến của tòa án địa phương, các đơn vị thuộc TAND Tối cao.
Ngoài ra, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thông qua các văn bản hướng dẫn như quy trình xây dựng nghị quyết theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Để thận trọng và kịp thời trong bối cảnh hiện nay, trước mắt, chúng tôi đề xuất Chánh án TAND Tối cao ban hành quy chế trên cơ sở ý kiến thống nhất của bộ ngành có liên quan, sau đó sẽ tổng kết thi hành và nghiên cứu đề nghị liên ngành Trung ương ban hành văn bản liên tịch về nội dung này. Có thể trong tương lai sẽ đề xuất Quốc hội ban hành một đạo luật riêng về tố tụng điện tử.
- Để có thể sớm triển khai tổ chức phiên tòa trực tuyến, theo ông, cần tháo gỡ những rào cản, nút thắt nào? Việc triển khai xuống tòa án các cấp sẽ được thực hiện ra sao?
- Để sớm triển khai thực hiện vấn đề này cần sự đồng thuận, nhất trí cao của các bộ ngành có liên quan trong việc hỗ trợ tích cực cùng TAND Tối cao nghiên cứu, ban hành quy chế sớm nhất có thể.
Sau khi quy chế được ban hành, TAND Tối cao sẽ tổ chức tập huấn trực tuyến, ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết, nhất là hướng dẫn về các trang thiết bị, kỹ thuật bảo đảm hoạt động hiệu quả, có tính bảo mật thông tin cao.
TAND Tối cao đã giao cho một số đơn vị giúp việc làm đầu mối thường trực theo dõi, giám sát, tiếp nhận phản ánh của các tòa án, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình triển khai thực hiện.