Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC khai chỉ làm công ăn lương, được trả 80 triệu đồng/tháng

Bị cáo Hương Trần Kiều Dung (sinh năm 1978, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC - Tập đoàn FLC) khai, tại các doanh nghiệp trong hệ sinh thái FLC, mình chỉ là người đại diện theo pháp luật và ký các hợp đồng, không biết đến việc chuyển tiền qua lại.

Cuối giờ chiều 22-7, sau khi đại diện Viện KSND TP Hà Nội công bố xong hơn 100 trang cáo trạng, HĐXX TAND TP Hà Nội bắt đầu thẩm vấn các bị cáo liên quan vai trò, mục đích của ông Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC) đã sử dụng Công ty Faros làm công cụ, chỉ đạo cấp dưới thực hiện hành vi gian dối tăng khống vốn góp chủ sở hữu tại Công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, sau đó, hoàn thiện các thủ tục để niêm yết cổ phiếu tương ứng với giá trị vốn góp khống của Công ty Faros trên sàn chứng khoán; sử dụng Sàn Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) làm công cụ, phương tiện để bán 391 triệu cổ phiếu hình thành từ vốn góp nâng khống cho 30.403 nhà đầu tư trên sàn chứng khoán, chiếm đoạt hơn 3.621 tỷ đồng.

Trước khi xét hỏi, tòa yêu cầu cách ly ông Trịnh Văn Quyết và em gái là Trịnh Thị Minh Huế.

HĐXX tiến hành thẩm vấn hơn 20 bị cáo. Phần lớn các bị cáo đều khai, được Trịnh Thị Minh Huế mượn chứng minh nhân dân để mở các tài khoản chứng khoán, phục vụ cho việc nâng khống dòng tiền và bản thân không được hưởng lợi.

Trong vụ án, bị cáo Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch HĐQT bị truy tố 2 hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Thao túng thị trường chứng khoán". Theo cáo buộc, Dung biết Trịnh Thị Thúy Nga (em gái ông Quyết, kế toán Tập đoàn FLC) cho các tài khoản chứng khoán trong nhóm của anh trai mua cổ phiếu khi không có đủ tiền trong tài khoản là trái pháp luật, nhưng Dung đã ký biên bản họp HĐQT; đại diện HĐQT ký nghị quyết ủy quyền cho Trịnh Thị Thúy Nga được cho các tài khoản do Trịnh Thị Minh Huế quản lý, sử dụng mua chứng khoán với số tiền trên 10 tỷ đồng không có tài sản đảm bảo trái pháp luật, giúp ông Trịnh Văn Quyết thao túng 3 mã cổ phiếu FLC, GAB, ART, thu lợi bất chính hơn 445 tỷ đồng.

 Bị cáo Hương Trần Kiều Dung. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Bị cáo Hương Trần Kiều Dung. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Tại cơ quan điều tra, Dung khai nhận như trên và được trả lương 80 triệu đồng/tháng. Khai tại tòa, bị cáo Dung cho biết, cá nhân mình không góp vốn vào Công ty Faros và từng là người đại diện của nhiều công ty ở từng thời điểm khác nhau. Bị cáo từng làm đại diện của 3 pháp nhân có nhận chuyển nhượng cổ phần từ Công ty Faros là Công ty FLC Land, Công ty địa ốc Khánh Hòa và Công ty FLC Vĩnh Phúc.

Tại thời điểm làm người đại diện của 3 công ty trên để ký nhận cổ phần chuyển nhượng từ Công ty Faros, bị cáo Dung nói hoàn toàn không biết thực tế có việc giữa Công ty Faros và 3 công ty trên hay không, vì bị cáo không phụ trách mảng tài chính. Bị cáo Dung cũng khẳng định, bản thân không ký hợp đồng để nhận chuyển nhượng cổ phần của Công ty Faros.

"Việc ký nhận chuyển nhượng chỉ diễn ra trực tiếp giữa 2 cá nhân là anh Nguyễn Văn Mạnh - thành viên HĐQT Công ty Faros và chị Phạm Thanh Hương - nhân viên kế toán Công ty Sevin để trở thành cổ đông của Công ty Faros. Bị cáo nhớ 2 người ký 5 hợp đồng, tổng số 42 triệu cổ phần - tương đương 420 tỷ đồng", bị cáo Dung khai nhận.

Chủ tọa Vũ Quang Huy hỏi lại: "Việc ký hợp đồng thì bị cáo cứ ký thôi, đúng không? Còn việc thanh toán như thế nào bị cáo không biết?". Bị cáo Dung đáp: "Đúng vậy".

"Bị cáo là người đại diện theo pháp luật của các công ty, bị cáo phải nắm rõ chứ?" - chủ tọa truy. Bị cáo Dung sau đó cho rằng, tại Tập đoàn FLC, bị cáo được phân công mảng xúc tiến đầu tư và phát triển dự án.

"Bị cáo đứng tên cho 3 công ty trên cũng theo chỉ đạo của ông Quyết để hỗ trợ, hoàn thiện các thủ tục pháp lý mà 3 công ty trên đang triển khai", bị cáo Dung thừa nhận và khẳng định, mình không được hưởng lợi gì từ việc làm trên và cũng phủ nhận việc được nhận 3 tỷ đồng như cáo trạng nêu.

Kết thúc phần trình bày, bị cáo Hương Trần Kiều Dung thừa nhận bản cáo trạng truy tố mình ở 2 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Thao túng thị trường chứng khoán” là đúng người, đúng tội, tuy nhiên, cáo trạng đánh giá bị cáo Dung là đồng phạm, giúp sức tích cực cho ông Quyết là nặng và mong HĐXX xem xét.

 Bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga tại phần xét hỏi. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga tại phần xét hỏi. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Trong cáo trạng, bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga (em gái ông Trịnh Văn Quyết và là chị gái của bị cáo Trịnh Thị Minh Huế) bị truy tố do được em gái giao ký hợp đồng nhận ủy thác đầu tư của Công ty Faros, để hợp thức nâng khống vốn góp.

Cụ thể, bị cáo Nga đã ký hợp đồng nhận ủy thác đầu tư của Công ty Faros, với tổng số tiền 368 tỷ đồng để nâng khống vốn góp từ 1.125 tỷ lên 3.500 tỷ đồng; ký 50 ủy nhiệm chi chuyển hơn 1.300 tỷ đồng để bị cáo Huế hợp thức hóa, che giấu số vốn góp khống.

Bên cạnh đó, bị cáo Nga trực tiếp nhờ 3 nhân viên cấp dưới ký 17 hợp đồng nhận tiền ủy thác đầu tư, với tổng số tiền hơn 880 tỷ đồng của Công ty Faros để hợp thức nâng khống vốn góp...

Tại phiên tòa, bị cáo Nga khai nhận, mặc dù là anh em ruột với nhau, nhưng bản thân cũng chỉ làm công ăn lương, mọi việc làm đều không được bàn bạc và bản thân không được hưởng lợi gì.

Ngày mai (23-7), HĐXX sẽ xét hỏi bị cáo Trịnh Văn Quyết và những người còn lại.

ĐỖ TRUNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/pho-chu-tich-hdqt-tap-doan-flc-khai-chi-lam-cong-an-luong-duoc-tra-80-trieu-dongthang-post750519.html