Phó Chủ tịch Hội BVQTEVN Hà Đình Bốn: 'Tội ác của hai bảo mẫu bạo hành bé trai 17 tháng tuổi là không thể dung thứ'
'Đọc những thông tin về vụ việc, tôi vô cùng xót xa và phẫn nộ với hành vi tội ác của hai cô bảo mẫu gây ra', ông Hà Đình Bốn - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam - Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động -Thương binh & Xã hội) cho biết.
Những ngày qua, vụ việc hai bảo mẫu bạo hành bé trai 17 tháng tuổi dẫn đến tử vong tại điểm mầm non tự phát ở xã Vạn Điểm (Thường Tín, Hà Nội) gây xôn xao dư luận như một hồi chuông cảnh tỉnh về vấn đề bảo vệ trẻ em.
Trao đổi với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, ông Hà Đình Bốn - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (Hội BVQTEVN) - Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) phân tích, có rất nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan khiến cháu bé 17 tháng tuổi bị hai bảo mẫu bạo hành dẫn đến tử vong tại điểm mầm non tự phát trên địa bàn xã Vạn Điểm.
“Đầu tiên, nguyên nhân trực tiếp khiến cháu bé tử vong chính là những hành vi đặc biệt nghiêm trọng đánh đập, hành hạ tàn nhẫn của hai bảo mẫu Nguyễn Thị Lành và Nguyễn Thị An tại điểm mầm non tự phát.
Bất chấp quy định, pháp luật, hai bảo mẫu này đã không nương tay tước đi sinh mạng của một em nhỏ chưa đầy 2 tuổi. Đây là hành vi coi thường tính mạng của con người, trong đó có tính mạng của trẻ em, là tội ác không thể dung thứ”, Phó Chủ tịch Hội BVQTEVN Hà Đình Bốn đánh giá mức độ nghiêm trọng của vụ việc.
Trao đổi thêm với PV, ông Hà Đình Bốn cho hay, nguyên nhân gián tiếp khiến vụ việc thương tâm trên xảy ra, chính là do sự quản lý lỏng lẻo của các cấp chính quyền tại địa phương, nơi để xảy ra vụ việc đối với các cơ sở giáo dục mầm non.
“Đặc biệt là Ủy ban nhân dân các cấp xã, phường về việc quản lý, giám sát các cơ sở giáo dục mầm non. Ngoài một phần do sự không sát sao của các cấp chính quyền đoàn thể địa phương, vẫn tiếp tục để điểm mầm non tự phát này duy trì hoạt động mặc dù trước đó đã bị xử phạt vi phạm hai lần.
Một nguyên nhân khác khiến vụ việc xảy ra chính là do sự thiếu hiểu biết, mất cảnh giác hoặc quá tin tưởng, sự phó mặc của cha mẹ, phụ huynh vào những nơi trông giữ trẻ tự phát. Ngoài ra, việc thiếu cơ sở giáo dục chính quy, khiến gia đình phải gửi con vào những địa điểm trông trẻ tự phát cũng có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến vụ việc thương tâm trên”, ông Bốn trao đổi.
Phó Chủ tịch Hội BVQTEVN nhấn mạnh quan điểm, hai bảo mẫu trong vụ việc trên, đều là những người có học thức, nên không thể nói rằng, không nhận thức được những hành vi đó sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
“Cháu bé vẫn còn quá nhỏ, chỉ mới 17 tháng tuổi. Đáng ra, ở độ tuổi đó, em đang được “nâng như nâng trứng”, vậy mà nỡ lòng nào đánh đập, quăng quật, vùi dập em như vậy. Em phải đau đớn đến nhường nào.
Tôi tin rằng, nếu chứng minh đầy đủ chứng cứ đủ cấu thành tội giết người, thì phải truy tố hai bảo mẫu này về tội giết người với tình tiết tăng nặng là giết trẻ em mới thỏa đáng.
Tuy nhiên còn phụ thuộc vào quá trình điều tra, tôi tin rằng, các cơ quan tố tụng sẽ xử lý đúng người, đúng tội, dành cho hai bảo mẫu hình phạt nghiêm khắc nhất, tương xứng với hành vi tội ác đã gây ra, đủ sức răn đe để phòng ngừa chung”, ông Bốn nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Hội BVQTEVN Hà Đình Bốn cho biết, để giảm thiểu những vụ bạo hành trẻ em, cần tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ trẻ em nói chung, đặc biệt là tại các cơ sở giáo dục mầm non, chú trọng vào các cơ sở ngoài công lập.
“Một là phải quản lý chặt chẽ. Hai là phải xử lý nghiêm minh những trường hợp cố tình sai phạm, nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương. Ba là cần xử lý nghiêm nơi để các cơ sở giáo dục tự phát tiếp tục hoạt động, chậm phát hiện những vụ việc tương tự. Chính quyền địa phương và những người quản lý trực tiếp phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra hậu quả.
Đồng thời cần có những biện pháp răn đe cứng rắn và phải xử lý thật nghiêm minh bằng biện pháp hình sự thỏa đáng tương ứng với hành vi của đối tượng.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục, tuyên truyền về bảo vệ trẻ em đặc biệt là đối với ngành Giáo dục. Tăng cường đội ngũ cán bộ quản lý, giám sát, phát hiện kịp thời các vụ việc liên quan đến trẻ em từ Trung ương đến địa phương”, ông Bốn nêu quan điểm.
Trao đổi thêm, Phó Chủ tịch Hội BVQTEVN cho biết, chính quyền địa phương cần chỉ đạo các ban ngành đoàn thể quan tâm, hỗ trợ kịp thời về mặt pháp lý, tâm lý và vật chất để các gia đình và các em nhỏ có thể yên tâm ổn định.
“Đồng thời chính quyền địa phương cần có chiến lược, kế hoạch cụ thể để trên địa bàn có các cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn và quản lý một cách chặt chẽ các cơ sở giáo dục nói chung. Đồng thời hỗ trợ về kinh phí và ngân sách để mở rộng thêm các cơ sở giáo dục mầm non công lập đủ sức chứa để các cháu học tập”, Phó Chủ tịch Hội BVQTEVN Hà Đình Bốn nói.
Phó Chủ tịch Hội BVQTEVN Hà Đình Bốn cho biết, vô cùng cảm kích, hoan nghênh và đánh giá rất cao tinh thần trách nhiệm của Đại tá Nguyễn Tiến Tần - Trưởng Công an Huyện Thường Tín và các cán bộ chiến sĩ công an đã nhận định đúng hướng, quyết đoán, mặc dù bố mẹ em bé không hề khiếu nại, tố cáo về tội phạm, nhưng đã khẩn trương vào cuộc và điều tra, xác minh, vụ án đã từng bước được sáng tỏ.
Liên quan đến vụ việc trên, ông Bốn cũng cho biết, không chỉ người thân trong gia đình hay hàng xóm mà tất cả mọi người, mọi công dân đều có quyền khai báo, tố giác hành vi phạm tội nói chung và hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em nói riêng.
"Quy định của pháp luật về việc phát hiện, khai báo, tố giác những hành vi phạm tội nói chung và đặc biệt là hành vi xâm hại, bạo lực đối với trẻ em đã được quy định cụ thể trong Luật Trẻ em 2016 và các nghị định hướng dẫn, luật phòng chống bạo lực gia đình sửa đổi vừa được thông qua năm 2022 đã quy định rõ, bất kể ai phát hiện hành vi xâm hại, bạo lực đối với trẻ em đều có trách nhiệm và nghĩa vụ phải khai báo, tố giác đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Cụ thể có thể khai báo với tổ trưởng tổ dân phố, công an khu vực, công an và chính quyền ủy ban nhân dân phường xã, hội liên hiệp phụ nữ và hội bảo vệ trẻ em ở khu phố. Hoặc có thể gọi điện trực tiếp đến đường dây nóng 24/24 của tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để khai báo, tố giác các hành vi phạm tội.
Đồng thời những người phát hiện hành vi phạm tội mà không khai báo, tố giác thì tùy vào mức độ có thể sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự nếu như cố ý không khai báo và dẫn đến hậu quả nghiêm trọng", ông Bốn trao đổi về trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc khai báo, tố giác tội phạm.
Như Tạp chí Trẻ em Việt Nam đã đưa tin, ngày 2/3, Phòng Giáo dục và đào tạo Thường Tín đã tiếp nhận thông tin phản ánh có một bé trai tên P.T.Đ. (17 tháng tuổi) tử vong tại cơ sở trông trẻ chưa được cấp phép ở xã Vạn Điểm (Thường Tín, Hà Nội).
Cơ sở này do hai cô giáo Nguyễn Thị An (30 tuổi) và Nguyễn Thị Lành (31 tuổi) thuê địa điểm tại thôn Vạn Điểm, xã Vạn Điểm làm cơ sở trông giữ trẻ, tổng số trẻ là 6 em.
Tại cơ quan công an, hai bị can An và Lành đã khai nhận hành vi đánh đập, bạo hành bé Đ. dẫn đến thương tích và khiến nạn nhân tử vong. Theo đó, sáng 23/2, Đ. được mẹ đưa đến lớp của An và Lành. Đến khoảng 9h, khi các cháu được đưa vào phòng ngủ thì Đ. khóc, chạy ra ngoài. Thấy vậy, Lành bực tức, dùng hai tay bế Đ. lên rồi ném xuống làm đầu bé trai đập xuống nền nhà.
Sau đó, Lành dùng tay tát nạn nhân. Trong khi An dùng chân đạp vào bụng, ngực, đá và giẫm vào đầu bé. Khoảng 16h30 cùng ngày, khi bố mẹ bé đến đón con, hai nghi phạm nói cháu Đ. tự ngã. Trong các ngày 24, 25, 26/2, bé trai tiếp tục được đưa đến lớp.
Sáng 26/2, khi thấy Đ. khóc, An lại dùng chân đạp vào bụng bé. Cú đạp khiến nạn nhân bất tỉnh. An và Lành gọi gia đình bé sau đó cùng đưa nạn nhân đi cấp cứu. Kết quả sơ bộ xác định nguyên nhân tử vong của bé Đ. là chấn thương sọ não, chảy máu và phù não.
Qua đấu tranh, hai bị can này còn khai nhận nhiều lần bạo hành cháu Đ. để rèn vào quy củ của lớp vì bé là học sinh mới. Hiện hai bị can An và Lành bị công an khởi tố với cáo buộc bạo hành bé trai 17 tháng tuổi trong quá trình nhận trông giữ khiến cháu bé tử vong.