Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen
Nhận lời mời của Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen, ngày 21-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã bắt đầu chuyến thăm chính thức Vương quốc Đan Mạch.
Tại Văn phòng Thủ tướng, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen đã đón Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và cùng Phó chủ tịch nước đồng chủ trì cuộc hội đàm giữa Đoàn đại biểu cấp cao hai nước. Trong không khí chân thành, hữu nghị và cởi mở, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi về các định hướng hợp tác và biện pháp nhằm đẩy mạnh, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác đối tác toàn diện Việt Nam - Đan Mạch.
Trên cơ sở quan hệ hai nước phát triển thực chất và hiệu quả trong nhiều lĩnh vực như chính trị - ngoại giao, thương mại – đầu tư, hợp tác phát triển, các lĩnh vực hợp tác chiến lược, nhằm đẩy mạnh hợp tác song phương trong thời gian tới, Phó chủ tịch nước và Thủ tướng Đan Mạch nhất trí tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn cấp cao, phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương. Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cảm ơn Chính phủ Đan Mạch đã ủng hộ Việt Nam đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) vào năm 2025.
Về thương mại và đầu tư, hai nhà lãnh đạo nhất trí Chính phủ và các Bộ, ngành hai nước cần khuyến khích doanh nghiệp hai bên triển khai các dự án đầu tư trong các lĩnh vực doanh nghiệp Đan Mạch có thế mạnh và phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam trong giai đoạn tới như năng lượng tái tạo, kinh tế biển, công nghiệp chế biến thực phẩm và tăng trưởng xanh. Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đề nghị Chính phủ Đan Mạch có tiếng nói thúc đẩy các Quốc hội các nước thành viên EU còn lại sớm phê chuẩn Hiệp định EVIPA, ủng hộ việc Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam và hỗ trợ Việt Nam phát triển nuôi trồng thủy hải sản hướng tới nghề cá bền vững. Thủ tướng Đan Mạch khẳng định luôn quan tâm theo dõi vấn đề này và ủng hộ EC và Việt Nam thảo luận gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU.
Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh hai bên cần sớm triển khai Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Xanh, mở rộng quan hệ kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, tăng cường hợp tác về chuyển đổi xanh và biến đổi khí hậu, nhằm góp phần hiện thực hóa các nỗ lực của Chính phủ hai nước trong việc thực hiện các cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) và các Mục tiêu Phát triển bền vững của LHQ (SDGs). Thủ tướng Mette Frederiksen khẳng định Đan Mạch sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực mới là chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng công bằng, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo mà Đan Mạch giàu kinh nghiệm và có khả năng về tài chính.
Cảm ơn Đan Mạch đã dành hỗ trợ phát triển quan trọng, giúp Việt Nam thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu phát triển bền vững của LHQ, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh hai bên tiếp tục hợp tác triển khai hiệu quả các dự án trong lĩnh vực năng lượng, phát triển bền vững và dạy nghề, trong đó có Chương trình Hợp tác Đối tác năng lượng Việt Nam – Đan Mạch giai đoạn 2020-2025.
Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen đánh giá cao cộng đồng người Việt Nam hội nhập tốt vào đời sống kinh tế - xã hội tại Đan Mạch, có những đóng góp quan trọng cho việc thúc đẩy quan hệ song phương và nhất trí đề nghị của Phó Chủ tịch nước về việc tiếp tục quan tâm, tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt tại Đan Mạch, làm cầu nối cho quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đánh giá cao vai trò và tiếng nói của Đan Mạch trên trường quốc tế. Thủ tướng Mette Frederiksen cũng bày tỏ đặc biệt ấn tượng với những cam kết mạnh mẽ và vai trò của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương, mong muốn cùng Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ.
Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên thế giới cũng như hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh và tự do hàng hải tại Biển Đông, ủng hộ luật pháp quốc tế và Công ước của LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Tin, ảnh: TTXVN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.